Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Phát triển du lịch làng nghề gắn với bảo vệ môi trường tại Vạn Phúc

Thứ Hai 25/05/2020 | 16:48 GMT+7

VHO- Trong những năm gần đây, làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) không chỉ đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, giữ gìn, bảo tồn nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc mà còn đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ môi trường.

Bảo tồn nghề truyền thống và phát triển du lịch bền vững

Được mệnh danh là “cái nôi” của gấm lụa, sản phẩm chất lượng cao, lịch sử hình thành lâu đời, làng lụa Vạn Phúc nhanh chóng trở thành điểm du lịch làng nghề nổi tiếng giữa Hà Thành.

Mỗi một cửa hàng quanh tuyến phố lụa sẽ được trồng ít nhất một chậu cây xanh

Tính đến nay, trên địa bàn phường Vạn Phúc có 400 hộ dân tham gia sản xuất lụa và 244 hộ sản xuất tại khu điểm tiểu thủ công nghiệp làng nghề, sản lượng lụa hàng năm đạt 1,7 triệu mét lụa các loại, doanh thu đạt được khoảng 115 tỷ đồng/năm. Ngoài dệt lụa, còn có 150 cửa hàng của các hộ gia đình kinh doanh các mặt hàng liên quan đến lụa. Mỗi năm, Vạn Phúc thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua sắm.

Để phát triển du lịch bền vững, quảng bá sản phẩm, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: khu phố ẩm thực, phố hoa sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm. Ngoài ra, quận Hà Đông và phường Vạn Phúc còn thành lập hợp tác xã Vụn Art, mang lại thu nhập cho người khuyết tật bằng việc tận dụng các mảng vải vụn để ghép tranh lụa xuất khẩu ra nước ngoài.

Khách du lịch đã trở lại làng lụa Vạn Phúc sau thời gian nghỉ phòng chống dịch Covid-19

Nhằm mang đến một môi trường du lịch cộng đồng thân thiện, gần gũi, phường Vạn Phúc thường xuyên tuyên truyền, tổ chức tập huấn về giao tiếp ứng xử cho người dân. Các hộ dân mở cửa hàng trên tuyến phố lụa phải đăng ký gian hàng đạt chuẩn với sở du lịch về giá cả và nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, bảo đảm chất lượng về hàng hóa cho người sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Huyền, cán bộ văn hóa thông tin phường Vạn Phúc cho biết: “Tại làng lụa truyền thống Vạn Phúc, du khách được tìm hiểu về quy trình dệt lụa, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công hay thử trải nghiệm làm một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm. Đặc biệt, du khách còn có cơ hội được trải nghiệm làm tranh từ vải vụn tại Hợp tác xã Vụn Art. Để thu hút khách đến tham quan và chương trình tour thêm hấp dẫn, phường Vạn Phúc thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, đa dạng các loại hình dịch vụ, tạo cảnh quan mang đặc trưng của làng lụa”.

Chú trọng bảo vệ môi trường

Song song với phát triển du lịch làng nghề, thì việc bảo vệ môi trường cũng được quận Hà Đông và phường Vạn Phúc đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, năm 2019 quận Hà Đông đã thành lập Khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề đưa 244 nhóm hộ dệt lụa với quy mô vừa và lớn ra đây sản xuất, nhằm tránh ô nhiễm tiếng ồn và tiện cho việc xử lý nước thải từ nhuộm vải.

Để tránh tiếng ô nhiễm tiếng ồn, các hộ dân phải dệt trong nhà kín và sử dụng cách âm

Nguyễn Thị Huyền cho biết: “Đối với những hộ dân dệt lụa quy mô nhỏ lẻ, để hạn chế tiếng ồn từ máy dệt, các hộ sản xuất đã cho cách âm bằng nhiều biện pháp, những công đoạn nhuộm vải đã được người dân loại bỏ, họ chuyển sang hình thức đi thuê nhuộm tại các cơ sở xí nghiệp có công nghệ hiện đại. Hiện số lượng hộ dân nhuộm vải trên địa bàn phường chỉ còn 1 đến 2 hộ, họ phải cam kết với phường Vạn Phúc không xả thải hóa chất trực tiếp ra môi trường, UBND phường thường xuyên, kiểm tra, xử lý các hộ dân khi có dấu hiệu không chấp hành quy định bảo vệ môi trường”.

Người dân Vạn Phúc luôn ý thức và tự giác trong việc giữ gìn và tạo cảnh quan trên các tuyến phố lụa để tạo một không gian du lịch sạch đẹp- thân thiện, dễ chịu nhất cho du khách. Chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương trong việc quản lý đô thị, một số tuyến đường và khu di tích được chỉnh trang, đặc biệt là tuyến phố lụa được trang trí bằng hàng nghìn chiếc ô nhỏ, vừa làm đẹp vừa chắn nắng cho khách du lịch và các hộ dân kinh doanh dọc tuyến phố.

Các điểm tham quan được trồng nhiều cây mang đến một không gian xanh

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc, Hà Đông chia sẻ: “Để tạo cảnh quan du lịch hấp dẫn, hệ thống đường hoa, cây xanh đã được trồng trên các tuyến phố và nhiều địa điểm tham quan quanh Vạn Phúc, việc làm này đã mang đến một không gian xanh, thoáng mát, thân thiện với môi trường. Thùng đựng rác cũng được bố trí ở nhiều nơi xung quanh làng lụa, phường đã cho thành lập tổ thu gom rác và xây dựng một số nhà về sinh công cộng. Ngoài ra, vào thứ 7 hàng tuần, phường Vạn Phúc còn tổ chức các đoàn công tác kiểm tra vệ sinh môi trường tại các tổ dân phố, chấm thi đua và khen thưởng các tổ dân phố, hộ dân có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh du lịch làng nghề”.

Làng lụa Vạn Phúc sẵn sàng đón khách du lịch trong bối cảnh bình thường mới

Là một du khách thường xuyên ghé thăm làng lụa bà Phạm Thị Tham (60 tuổi, sống tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Mỗi khi đặt chân đến làng Vạn Phúc, tôi như đang ngắm nhìn một bức tranh thôn quê bình yên giữa thủ đô phồn hoa. Bởi Vạn Phúc vẫn giữ trong mình những nét cổ xưa của một làng quê Việt như cây đa, giếng nước, mái đình… và trên hết là chất lượng sản phẩm lụa trường tồn cùng thời gian, con người nơi đây rất thân thiện, nhiệt tình, với một không gian xanh thoáng đãng. Chính vì vậy, Vạn Phúc là một địa điểm hấp dẫn để tôi và gia đình thường lui tới vào dịp cuối tuần”

Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở Việt Nam, hoạt động du lịch và cuộc sống của người dân Vạn Phúc dần trở lại bình thường. Các cơ sở sản xuất, cửa hàng, điểm tham quan ở làng lụa cũng chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch theo quy định và sẵn sàng đón khách trong bối cảnh bình thường mới.

HÀ THAO

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top