Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam.. Những điểm đến an toàn và thân thiện

Thứ Hai 01/06/2020 | 12:18 GMT+7

VHO- Đó là chủ đề chính của Diễn đàn Du lịch Huế năm 2020 diễn ra ngày 31.5. Ngoài các chương trình kích cầu trọng điểm từ chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nỗ lực kết nối các hãng lữ hành, xây dựng “Huế - điểm đến an toàn và thân thiện”, đồng thời đẩy mạnh thực hiện liên kết 3 địa phương Thừa Thiên Huế- Đà Nẵng- Quảng Nam.

 Nhiều sản phẩm du lịch được giới thiệu đến các đại biểu

 Diễn đàn có sự tham gia của hơn 100 chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch khu vực miền Trung và cả nước. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông dự và phát biểu ý kiến.

Cùng chia sẻ tầm nhìn và hướng đi

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đánh giá cao sự chủ động của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế trong việc triển khai các hoạt động hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VHTTDL phát động... Cũng theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, chương trình liên kết của tỉnh Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam về hành động phục hồi và phát triển du lịch có những cam kết rõ ràng và quyết tâm hành động, góp phần khôi phục du lịch miền Trung và cả nước. Đây là những tiền đề, động lực quan trọng để phát triển du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian tiếp theo. Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp lữ hành được kết nối, cùng chia sẻ tầm nhìn và hướng đi trong thời gian tới, hưởng ứng triển khai đồng loạt các gói sản phẩm kích cầu của Thừa Thiên Huế trong đó lưu ý đến các sự kiện văn hóa, thể thao của tỉnh trong thời gian tới, mà gần nhất là Festival Huế 2020 vào tháng 8.

Năm 2019, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã đón và phục vụ hơn 4,8 triệu lượt khách, trong đó gần 2,2 triệu lượt khách quốc tế. Lĩnh vực du lịch là thế mạnh và đóng góp lớn cho kinh tế địa phương, song từ đầu năm 2020 cùng với nhiều địa phương khác, Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng lớn và thiệt hại về doanh thu từ du lịch 6 tháng đầu năm khoảng 2.250 tỉ đồng, lượng khách giảm 55% so với cùng kỳ. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, để thu hút nguồn khách trở lại và nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch, Thừa Thiên Huế đã xây dựng đề án kích cầu du lịch năm 2020 - 2021; xác định thị trường trọng tâm; nghiên cứu và ban hành nhiều giải pháp, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch; xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới; tập trung quảng bá thông qua các trang mạng xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí... “Sự tham gia xây dựng, kết nối sản phẩm du lịch, đặc biệt là giới thiệu, quảng bá, đưa khách đến Huế đối với các doanh nghiệp lữ hành là cần thiết đối với chúng tôi”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

 Ngay sau "thiết lập trạng thái bình thường mới", Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương rất tích cực và năng động hưởng ứng chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam". Trong ảnh: Du khách tham quan Đại nội Huế Ảnh: TƯỜNG MINH 

Đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch từ ẩm thực

Tại diễn đàn, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công bố chương trình kích cầu du lịch của địa phương đến toàn thể doanh nghiệp và cộng đồng. Theo đó, ngoài thực hiện chương trình chính sách kích cầu trong liên kết 3 địa phương (Thừa Thiên Huế- Đà Nẵng- Quảng Nam), Thừa Thiên Huế cũng đang giảm 50% phí tham quan tại các điểm di tích đến hết 31.7 và đang lên kế hoạch tiếp tục chính sách này cho các tháng còn lại của năm 2020, cùng miễn 100% phí tham quan trong dịp Festival Huế 2020 (từ 28.8 đến 2.9). Ngoài ra, tại khu di sản Hoàng Cung Huế, sẽ được tăng các chương trình biểu diễn nghệ thuật miễn phí. Tỉnh cũng công bố các chính sách chiết khấu cho các đơn vị lữ hành du lịch khi đưa khách đến tham quan hệ thống di sản Huế kể từ tháng 6 (áp dụng đến hết năm 2021). Từ tháng 8, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phát hành thẻ thanh toán du lịch gắn với các chính sách giảm giá, chiết khấu trong mua sắm hàng hóa, lưu trú, tham quan di tích.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, đất nước ta với hơn 100 triệu dân thì thị trường nội địa rất lớn. Để khôi phục du lịch, tập trung vào thị trường nội địa thì cần chú ý một số vấn đề như khẳng định điểm đến an toàn; thực hiện chương trình kích cầu từ chính quyền địa phương đến doanh nghiệp, nhưng phải kiểm tra, giám sát để tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị; thực hiện nghiêm túc các cam kết kích cầu đã công bố để tạo niềm tin nơi du khách, lưu ý dù giảm giá nhưng không giảm chất lượng... Ông Vũ Thế Bình cũng cho rằng Thừa Thiên Huế cần đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch từ ẩm thực, bởi đây là thế mạnh riêng có của vùng đất này và cũng là thế mạnh của Việt Nam.

Trong khi đó, đại diện của Vietravel thì cho rằng Thừa Thiên Huế cần xây dựng và phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, bởi du lịch di sản gần như “quá cũ” trong mắt du khách, cũng không “giữ chân” được du khách kéo dài thời gian lưu trú. Cụ thể, cần khai thác tiềm năng về biển và hệ thống đầm phá; nghiên cứu đầu tư mở rộng các resort nghỉ dưỡng ở phân khúc cao, hay chuỗi đô thị biển hòa mình vào thiên nhiên, kết hợp với các suối nước khoáng thiên nhiên đưa vào chuỗi du lịch sản phẩm nghỉ dưỡng. Mặt khác, Huế cần kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch giải trí và dịch vụ, các trung tâm mua sắm có tính tập trung và chịu sự quản lý chung của cơ quan quản lý du lịch...

Trong khuôn khổ của Diễn đàn Du lịch Huế 2020 đã diễn ra chương trình ký kết hợp tác, liên kết hành động phục hồi và kích cầu du lịch 3 địa phương Thừa Thiên Huế- Đà Nẵng- Quảng Nam. Chương trình gồm 5 nội dung: UBND ba địa phương cam kết tạo các cơ chế chính sách thuận lợi nhất để triển khai hiệu quả chương trình kích cầu du lịch với thông điệp “Điểm đến Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam an toàn và mến khách”; Cam kết sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ để xây dựng 3 địa phương là Điểm đến du lịch an toàn và mến khách đáp ứng các tiêu chí về an toàn phục vụ khách du lịch, có chính sách ưu đãi khuyến mãi tốt cho du khách và doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến 3 địa phương. Thực hiện giảm giá vé, phí tham quan từ 30 -50%, từ tháng 6-12.2020; Thống nhất kế hoạch hành động tại các thị trường nguồn khách trong và ngoài nước; Xây dựng và kết nối các sản phẩm có giá trị riêng và chung của mỗi địa phương để tạo thành chuỗi dịch vụ trong bộ sản phẩm 3 địa phương một điểm đến; Thống nhất nội dung truyền thông, quảng bá du lịch chung cho cả ba địa phương trên các kênh thông tin, truyền thông của Trung ương và các địa phương.

 THÙY AN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top