Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Nỗ lực đưa danh trà​​​​​​​ Gò Loi vươn xa

Thứ Sáu 05/06/2020 | 11:28 GMT+7

VHO- Trà Gò Loi là đặc sản nổi tiếng một thời của huyện trung du và miền núi Hoài Ân (Bình Định). Trải qua nhiều biến cố và thăng trầm, danh trà này đã “vắng bóng” một thời gian dài trên thị trường.

 Những búp chè Gò Loi được chọn lựa để cung ứng cho thị trường

Những năm gần đây, người dân và chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực từng ngày để danh trà Gò Loi vươn xa.

Năm 1979, trên vùng đất trung du và miền núi huyện Hoài Ân, nông trường chè Gò Loi được thành lập tại thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây. Sau gần 10 năm phát triển, với nhiều thăng trầm, đến năm 1998 nông trường giải thể, phần lớn diện tích cây chè bị phá để trồng các loại cây khác. Nhưng giờ đây, với một quyết tâm, khao khát của người trồng chè, danh trà Gò Loi đã dần trở lại với thị trường. Mỗi năm người trồng chè Gò Loi ở xã Ân Tường Tây đưa ra thị trường khoảng 1 tấn sản phẩm trà khô với giá rất cao (300-500 ngàn đồng/kg), nhưng cũng không đủ cung cấp.

Theo các hộ sản xuất trà Gò Loi, tiêu chuẩn quan trọng để làm nên loại trà Gò Loi ngon nức tiếng là búp chè phải đạt 1 tôm 2 lá non. Chọn búp đinh (ngọn trên cùng của búp) ngắn, mập, chắc để khi sao xong sẽ cho đinh trà chắc, không bị vụn; nên hái vào buổi sáng sớm, khi vừa tan sương chưa có nắng để trà có hàm lượng dinh dưỡng cao nhất. Trà Gò Loi chính hiệu khi hãm ra có màu vàng tươi, vị chát dịu, đậm đà và độ ngọt của nước trà Gò Loi chính là đặc trưng làm cho nhiều người nhớ đến.

Ông Đặng Văn Bằng, một người dân đã gắn bó lâu năm với vùng đất Gò Loi thổ lộ: Mấy chục năm về trước, trà Gò Loi rất có tiếng tăm, là một sản phẩm vừa có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa là một đặc sản có giá trị văn hóa ẩm thực vùng miền. Nếu có điều kiện phát triển, trà Gò Loi sẽ góp phần làm tăng giá trị bản sắc không lẫn vào đâu của vùng đất trung du và miền núi tỉnh Bình Định.

Trà Gò Loi đang được các hộ ở Hoài Ân chế biến bằng phương pháp thủ công và bằng máy. Ông Nguyễn Hữu Oanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chè Gò Loi cho biết: Trong khoảng thời gian từ năm 1985- 1988, trà Gò Loi nằm ở đỉnh cao, diện tích trồng chè của nông trường khoảng 32 ha, chưa kể trồng tự phát trong dân. Nhưng sau đó cây chè Gò Loi “chết dần” theo sự giải thể của nông trường.

Những năm gần đây, muốn giữ lại danh trà một thưở, một số hộ đã gom hết tài sản để mua hóa giá khoảng 10 ha chè mà không được quyền sở hữu đất. “Tôi và một vài hộ khác mua lại số ít diện tích đất có chè vì khao khát giữ lại thương hiệu trà Gò Loi. Lúc ấy, nếu tôi không mua thì diện tích chè sẽ hoàn toàn biến mất. Cây chè Gò Loi sẽ vĩnh viễn không xuất hiện trên thị trường nữa”, ông Oanh bộc bạch.

Theo ông Oanh, không những mua đất, đầu tư phát triển cây chè, mà ông còn nỗ lực nâng cao kỹ thuật chế biến và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm này. Ngày 19.5.2016, thương hiệu Trà Gò Loi đã chính thức được công nhận (Sở KH&CN), với tên nhãn hiệu “Hữu Oanh”. Như vậy, sau hơn 20 năm kể từ ngày nông trường chè Gò Loi giải thể, thương hiệu trà Gò Loi mới trở lại với người Hoài Ân và góp mặt vào thị trường hàng tiêu dùng bằng chính nỗ lực và niềm đam mê cây chè của những người con quê hương Bình Định. Hiện nay, giá trà khô Gò Loi rất cao (khoảng 300 - 500 ngàn đồng/kg), nhưng không đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Việc khôi phục lại cây chè Gò Loi không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn tạo được nhiều công ăn việc làm cho người dân nơi đây.

Nỗ lực vực dậy, giờ đây trà Gò Loi đã phát triển cả số lượng hộ và diện tích trồng. Đến nay, Câu lạc bộ (CLB) chè Gò Loi có 24 thành viên tham gia với diện tích khoảng 15 ha; trong đó có 5 ha đang được thu hoạch. Tính trung bình, 1 ha chè mỗi tháng thu 60 kg trà thương phẩm, giá mỗi kg trà dao động từ 300- 500 ngàn đồng, tùy theo loại. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng người trồng thu khoảng 10 triệu đồng. Các thành viên trong CLB chè Gò Loi cho rằng, cây chè Gò Loi phát triển trên vùng đất gò nên không dễ dàng cho người trồng. Điều đặc biệt, cây chè này rất nhạy cảm với thời tiết. Để có những búp chè đẹp, người trồng thật sự phải dày công chăm sóc.

Ở góc độ là Chủ nhiệm CLB chè Gò Loi, ông Nguyễn Hữu Oanh nhìn nhận: Trà Gò Loi đã nổi tiếng từ lâu, nhưng cũng đang gặp khó trong khâu cung cấp, bởi trong số 14 ha chè đang trồng, chỉ có 5 ha đang được khai thác. Số lượng ít nên việc ký kết một hợp đồng lớn để cung cấp cho một doanh nghiệp hay nhiều đơn vị có cùng nhu cầu là rất khó; chưa kể, một năm cây chè chỉ thu hoạch được 10 tháng. Nếu có điều kiện phát triển, trà sẽ góp phần làm tăng giá trị bản sắc vùng miền. Cũng rất cần đăng ký cho nhãn hiệu tập thể chè Gò Loi để người trồng chè nâng cao ý thức, thay đổi tập quán sản xuất và đầu tư, chăm sóc để cây chè phát triển tốt nhất, tạo ra những sản phẩm trà sạch, thơm ngon và bổ dưỡng.

Theo UBND huyện Hoài Ân, cây chè là một trong 7 loại cây trồng nằm trong cơ cấu phát triển để trở thành hàng hóa trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện. Theo đó, cây chè được xếp đầu bảng, kế đến là bơ sáp, bưởi da xanh, dừa xiêm, sầu riêng… Giai đoạn 2016 - 2020, huyện quy hoạch phát triển diện tích trồng cây chè 42,5 ha, sẽ thực hiện hỗ trợ 100% về giống, 20% hệ thống tưới tiêu, điện nước và kỹ thuật cho các hộ dân trồng chè. Vùng trồng chè nguyên liệu cũng không chỉ dừng ở xã Ân Tường Tây như bây giờ mà sẽ mở rộng ra nhiều xã. Hiện nay, để tiếp sức cho danh trà Gò Loi vang xa, huyện đã tổ chức đăng ký quyền bảo hộ sở hữu công nghiệp nhãn hiệu chứng nhận cho trà Gò Loi với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), xác lập quyền nhãn hiệu chứng nhận cho trà Gò Loi. Tin rằng, sau khi thương hiệu trà Gò Loi được công nhận, huyện sẽ xây dựng quy trình trồng chè đủ tiêu chuẩn, hỗ trợ người dân kỹ thuật để nâng cao chất lượng sao chè… Từ đó giúp cho danh trà Gò Loi phát triển, lan rộng trong cả nước và xuất khẩu.

 PHAN HIẾU

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top