Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Chung tay vực dậy ngành Du lịch

Thứ Sáu 05/06/2020 | 11:39 GMT+7

VHO- “Ngành Du lịch giữ vững được đến giờ phút này là điều rất đáng quý. Nhiều doanh nghiệp dù hoàn toàn không có doanh thu nhưng vẫn cố giữ tất cả hoặc một phần nhân viên. Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ đứng trước sức ép lớn. Vì thế, chúng ta phải tìm cách tiếp sức thêm cho các doanh nghiệp du lịch hồi phục”.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc nhằm tìm giải pháp đưa du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay Ảnh: ĐÌNH NAM

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với lãnh đạo một số Bộ, ngành, Hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch nhằm tìm giải pháp giúp ngành Du lịch vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và nhanh chóng hồi phục.

Các Bộ, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc

Theo tính toán của TCDL, với tình hình hiện nay, lượng khách du lịch nội địa năm 2020 sẽ đạt khoảng 60- 65 triệu lượt. Với thị trường khách quốc tế, nếu điều kiện thuận lợi, việc kiểm soát dịch ở các quốc gia, vùng lãnh thổ tốt hơn, trường hợp có thể đón khách vào đầu quý III.2020 thì cả năm sẽ đạt khoảng 6-8 triệu lượt khách quốc tế; nếu đón khách vào đầu quý IV.2020 có thể đạt khoảng 4,5-5 triệu lượt. Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Việc đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa trong thời điểm hiện nay là vô cùng quan trọng. Đây cũng là lựa chọn của nhiều quốc gia có thế mạnh về du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế bị “đóng băng”. Trong thực tế, hoạt động du lịch nội địa đã dần được phục hồi sau khi các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng từ cuối tháng 4”.

Sau khi Bộ VHTTDL phát động Chương trình “Người Việt Nam du lịch Việt Nam”, đã có 15 địa phương đồng loạt hưởng ứng, tổ chức kết nối doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác giữa du lịch, cơ sở lưu trú, hàng không và các điểm tham quan, vui chơi giải trí để xây dựng các sản phẩm kích cầu nội địa với nhiều ưu đãi, mức giá hợp lý. Bên cạnh đó, việc mở lại các đường bay nội địa, tần suất bay và công suất chuyên chở đã tăng trở lại, gần bằng mức trước dịch Covid-19 đã mở ra nhiều thuận lợi nhằm kích cầu du lịch nội địa. Lãnh đạo TCDL cho biết từ nay đến cuối năm 2020, TCDL sẽ tiếp tục triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa ở các địa phương.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Sự chủ động và vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư lớn thời gian qua để vực dậy ngành Du lịch là rất tốt. Tuy nhiên, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm hơn đến các doanh nghiệp nhỏ, hộ cá thể, cơ sở du lịch cộng đồng, người làm du lịch homestay, đặc biệt ở những vùng du lịch chưa phát triển hoặc còn phát triển thấp để tránh sự “đổ vỡ” hàng loạt. Vì nếu mất đi những “chân rết” này, ngành Du lịch sẽ lại rất chật vật, mất nhiều thời gian để gây dựng lại”. Ông Vũ Thế Bình cũng đề nghị có sự chỉ đạo thống nhất từ Chính phủ, đề nghị các địa phương đồng hành hơn nữa với ngành Du lịch trong việc cứu ngành khỏi giai đoạn khó khăn hiện nay cũng như vực dậy ngành kinh tế mũi nhọn ở nhiều địa phương. Hiện nay, dù rất “ốm yếu” do đại dịch nhưng doanh nghiệp du lịch vẫn phải gồng mình “tự bơi”, hoạt động gần như không lãi để kích cầu, thu hút khách du lịch trở lại. Trong khi đó, một số địa phương vẫn đang “vô cảm”, chưa thực sự đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch trong việc kích cầu du lịch, không có các chính sách miễn, giảm các khoản thu, lệ phí tại điểm du lịch…

Đại diện một số doanh nghiệp du lịch, tập đoàn đầu tư lớn cũng kiến nghị cần có chính sách đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân đi du lịch như miễn, giảm các khoản thu, phí tham quan; tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch… Các doanh nghiệp du lịch khi tham gia chương trình kích cầu cũng cần có cơ chế hợp tác, thống nhất mức giảm giá, thời gian giảm giá chung, công khai, minh bạch, không gây nhiễu loạn thị trường, đảm bảo chất lượng; đồng thời có thể ổn định tài chính để doanh nghiệp tồn tại...

Lắng nghe các ý kiến và chia sẻ với những khó khăn của ngành, của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chính phủ nhận thức rất rõ những tổn thất của ngành Du lịch sau đại dịch. Hơn 40.000 doanh nghiệp du lịch từ lớn nhất đến nhỏ nhất đều đang rất lao đao, bên cạnh đó 4,5 triệu lao động trong ngành và hàng chục triệu người phụ thuộc bị tác động rất lớn. Ngành Du lịch giữ vững được đến giờ phút này là điều rất đáng quý. Nhiều doanh nghiệp dù hoàn toàn không có doanh thu nhưng vẫn cố giữ tất cả hoặc một phần nhân viên. Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ đứng trước sức ép lớn. Vì thế, chúng ta phải tìm cách tiếp sức thêm cho các doanh nghiệp du lịch hồi phục”.

Quảng bá du lịch cùng với thông điệp “Việt Nam an toàn”

Về việc mở lại thị trường du lịch quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng nhưng chỉ mở ra khi thực sự an toàn. Phó Thủ tướng giao Bộ VHTTDL, Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam, các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình phòng, chống dịch ở các thị trường lớn. Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ VHTTDL, Bộ GTVT kết hợp với HHDL Việt Nam cùng bàn bạc, thống nhất khi điều kiện cho phép chúng ta sẽ chọn những địa bàn, thị trường thực sự an toàn; chọn trước một số điểm đến ở Việt Nam; có quy trình chặt chẽ từ cho phép nhập cảnh, vận chuyển đưa đón, quản lý du khách theo tour. Phó Thủ tướng cũng cho rằng hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch quốc tế cần đẩy mạnh các hình thức mới như quảng bá trực tuyến, quảng bá qua mạng. Bộ VHTTDL làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng chương trình quảng bá du lịch Việt Nam gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thông điệp “Việt Nam an toàn”.

Theo bà Trần Thị Nguyện, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sun Group trong tình hình diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp trên thế giới, chúng ta cần phải xác định lại thị trường khách quốc tế nào là thị trường trọng điểm của Việt Nam giai đoạn hậu Covid-19 để có chiến lược quảng bá và kích cầu phù hợp. “Rất khó dự đoán về việc mở cửa đón khách quốc tế trở lại và cả khi mở cửa, tâm lý e dè của du khách khi đi du lịch quốc tế cũng sẽ khiến thị trường chưa thể phục hồi ngay. Tuy nhiên, ngành Du lịch cũng cần chuẩn bị những kế hoạch và tâm thế để từng bước đón du khách quốc tế trở lại Việt Nam”, bà Nguyện nói.

Đại diện các doanh nghiệp cũng cho biết sẵn sàng tham gia các Chương trình kích cầu quốc tế “Vietnam Now” hoặc “Vietnam Thank you” để chào mừng du khách quốc tế đến Việt Nam với những ưu đãi giảm giá sâu (ít nhất 20%) trên mọi dịch vụ để kích thích chi tiêu trong vòng ít nhất 4-5 tháng, bởi thị trường khách quốc tế cần có độ trễ để hồi phục, nhất là những thị trường xa. Để đón đầu thị trường khách quốc tế khi có điều kiện mở lại, các doanh nghiệp du lịch cũng đề xuất việc cần chuẩn bị sẵn sàng, đẩy mạnh truyền thông ngay từ bây giờ tới các thị trường mục tiêu như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc, Đông Nam Á… bằng marketing online... 

Các Bộ, ngành, địa phương phải đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn. Đồng hành phải đi vào thực chất. Hiện nay một số địa phương đã triển khai việc giảm các loại phí, khoản thu về du lịch nhưng chưa đồng đều, thậm chí có nơi còn thờ ơ, không giảm. Bộ VHTTDL, TCDL phối hợp với các địa phương, Hiệp hội Du lịch tập trung thực hiện hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu theo điểm đến trọng điểm theo khu vực như Tây Bắc, Đông Bắc, Duyên hải miền Trung… chứ không để cho doanh nghiệp phải tự làm riêng lẻ. Bộ VHTTDL khẩn trương xây dựng các chương trình, cơ chế, chính sách cụ thể đối với kích cầu du lịch nội địa.

(Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM)

 ĐÌNH NAM - THÚY HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top