Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Lấy ý kiến sửa đổi quy định xét tặng NSND, NSƯT: Tôn vinh đúng, trúng và không bỏ sót tài năng

Thứ Sáu 19/06/2020 | 11:36 GMT+7

VHO- “Để tôn vinh đúng người và không để sót, lọt tài năng, Hội đồng các cấp không chỉ ngồi chờ nghệ sĩ đến nộp đơn để được xét phong tặng mà chúng ta phải đến tận nhà làm hồ sơ cho nghệ sĩ”, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã phát biểu nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị - Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” (NSND), “Nghệ sĩ ưu tú” (NSƯT) do Bộ VHTTDL tổ chức tại TP.HCM.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải phát biểu tại hội nghị - hội thảo

 Cùng dự còn có đại diện các Cục, Vụ, các Sở VHTT, Sở VHTTDL, các hãng phim, nhà hát, đoàn nghệ thuật, cơ sở đào tạo nghệ thuật, các chuyên gia trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật khu vực phía Nam.

Tránh lạm dụng, bổ sung quá nhiều “trường hợp đặc biệt”

Báo cáo quá trình triển khai thực hiện xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ VHTTDL, Phó trưởng Ban soạn thảo cho biết, tính đến ngày 9.6.2020, Bộ VHTTDL đã nhận được 102 văn bản góp ý của các cơ quan, đơn vị, trong đó có 63 văn bản đồng ý và 39 văn bản góp ý.

Theo đó, nhiều ý kiến tập trung vào đề nghị Ban soạn thảo làm rõ về thời gian các nghệ sĩ, diễn viên hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp, không quy định mốc thời gian vì có nhiều trường hợp cá nhân tốt nghiệp trường nghệ thuật sau nhiều năm mới tham gia hoạt động chuyên nghiệp. Quy định như trên sẽ dẫn đến tình trạng “cào bằng” khi thời gian làm nghề chỉ vài năm mà vẫn được xem xét tặng danh hiệu là không phù hợp. Các ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các “trường hợp đặc biệt” hoặc “tiêu chí được coi là trường hợp đặc biệt” để Hội đồng xét duyệt có cơ sở đánh giá, biểu quyết và trình Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, các góp ý còn đề nghị Ban soạn thảo xem xét việc bổ sung quy định về việc thu hồi danh hiệu (hoặc có hình thức xử lý phù hợp) trong trường hợp các nghệ sĩ có vi phạm, sai phạm phải xử lý hình sự hoặc có những hành động, việc làm gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội sau khi được phong tặng.

Theo Ban soạn thảo, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89 bao gồm: Sửa đổi, bổ sung cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp; Sửa đổi, bổ sung về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; Sửa đổi, bổ sung số lượng, thành phần Hội đồng các cấp; Sửa đổi về tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của tổng số thành viên các cấp Hội đồng; Sửa đổi về tỷ lệ % số lượng thành viên có mặt tại cuộc họp Hội đồng và Sửa đổi, bổ sung Phụ lục II Bảng quy đổi giải thưởng.

Theo đó, ngoài quy định “Thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở”, bổ sung thêm quy định “hoặc tính từ thời điểm cá nhân được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét tặng hồ sơ danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở”. Việc bổ sung thêm quy định này sẽ tránh bỏ sót việc tôn vinh các nghệ sĩ tài năng, có nhiều đóng góp ở một số lĩnh vực nghệ thuật truyền thống (nghệ sĩ được tuyển vào các đoàn nghệ thuật vừa được truyền nghề tại đoàn và vừa tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ của đoàn). Đối với tiêu chuẩn giải thưởng của danh hiệu NSND, bổ sung quy định “… có ít nhất 2 giải Vàng Quốc gia (trong đó phải có 1 giải Vàng của cá nhân) sau khi được phong tặng danh hiệu NSƯT”. Đối với tiêu chuẩn giải thưởng của danh hiệu NSƯT, bổ sung quy định “… có ít nhất 2 giải Vàng Quốc gia hoặc 1 giải Vàng Quốc gia và 2 giải Bạc Quốc gia (trong đó phải có 1 giải thưởng của cá nhân)”. Việc bổ sung thêm quy định này vì một số ý kiến cho rằng đã có nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nhưng bản thân họ không đạt được bất kỳ huy chương Vàng hay Bạc của cá nhân nào; các huy chương của họ đang có đều được quy đổi từ giải thưởng của tập thể nên chưa thực sự thuyết phục. Ban soạn thảo cũng thống nhất cần giảm bớt đại diện các cơ quan, tổ chức hành chính; tăng thêm các nhà chuyên môn, chuyên gia…

Cần tính thêm yếu tố đặc thù

Tại hội nghị - hội thảo, hầu hết các đại biểu bày tỏ sự đồng tình khi dự thảo qua nhiều lần góp ý đã có sự điều chỉnh đáng kể, tạo sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng có một số quy định vẫn còn cứng nhắc, bất cập khi áp dụng cho tất cả các ngành và các địa phương. Do vậy, cần có sự linh hoạt để phù hợp hơn với thực tế.

NSƯT Phi Vũ, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam băn khoăn, tại Điểm d Khoản 1 Điều 9 của dự thảo quy định “Phải có ít nhất 2 giải Vàng Quốc gia hoặc 1 giải Vàng và 2 giải Bạc Quốc gia, trong đó phải có 1 giải thưởng cá nhân”, đối với các loại hình nghệ thuật khác thì là hợp lý, riêng đối với loại hình xiếc thì giải thưởng dành cho cá nhân chỉ phù hợp với vai trò đạo diễn, còn giải thưởng dành cho cá nhân diễn viên biểu diễn thì cực kỳ hiếm, bởi trên thực tế, chỉ có vài trường hợp biểu diễn tiết mục đơn, còn lại hầu hết đều biểu diễn từ hai người trở lên. “Vì đây là loại hình nghệ thuật mang tính tập thể cao. Đơn cử tiết mục Sức mạnh đôi tay của hai nghệ sĩ Giang Quốc Cơ và Giang Quốc Nghiệp đã đạt đến trình độ nghệ thuật “thượng thừa”, không chỉ trong nước mà cả trên đấu trường quốc tế, như vậy thành công của tiết mục này là sự kết hợp của hai nghệ sĩ… Do đó, quy định mới phải có 1 giải thưởng của cá nhân rất cần được xem lại ở chuyên ngành xiếc”, NSƯT Phi Vũ tâm tư.

Ông Hồng Quốc Khánh, Giám đốc Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ đề nghị Bộ nên có đặc cách cho các nghệ sĩ trẻ. “Đơn cử tại Cần Thơ, có nghệ sĩ đã dư số huy chương cần thiết theo quy định, tuy nhiên, tuổi nghề lại chưa đủ, do vậy mà đến nay nghệ sĩ này vẫn phải ngồi… đợi cho đủ thời gian mới được xem xét phong tặng. Tôi thiết tha mong muốn Bộ có cơ chế quy đổi để tránh thiệt thòi cho các nghệ sĩ”, ông Khánh bày tỏ. Đồng tình với quan điểm này, NSND Mai Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh, Bình Thuận cho biết, hoàn toàn tán thành số lượng huy chương theo danh mục của Bộ VHTTDL, nhưng tính về thời gian cần xem xét lại, nhất là diễn viên múa và xiếc, chỉ riêng thời gian đào tạo đã mất 7 năm cho hệ trung cấp. Do đó, kiến nghị quy định về thời gian không nên ghi “cứng” 5 năm hay 10 năm mà nên linh hoạt, chẳng hạn danh hiệu NSƯT về múa có thể từ 7-10 năm, NSND từ 12-15 năm, còn nếu có thành tích đột xuất hoặc có cống hiến xuất sắc thì phải được xét đặc cách…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho biết, dự thảo Nghị định mới đã bám sát đặc thù từng lĩnh vực nghệ thuật, bám sát đặc thù từng địa phương, đồng thời chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tổng hợp đầy đủ những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn chỉnh hơn nữa dự thảo. “Mong muốn làm sao sau khi sửa Nghị định, mỗi lần xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là một ngày hội, ai được phong tặng cũng xứng đáng, vừa tiếp nối truyền thống vừa tôn vinh những đóng góp của các thế hệ nghệ sĩ”, Thứ trưởng chia sẻ và cho rằng, “Tuy nhiên chúng ta cũng không nên quá cầu toàn, vì thế trong thực tiễn đời sống xuất hiện những vấn đề mới và những quy định không còn phù hợp, cần điều chỉnh thì sẽ tiếp tục lấy ý kiến bổ sung. Nhưng hy vọng dự thảo Nghị định sửa đổi lần này có tầm nhìn xa để phù hợp trong một thời gian dài, ít nhất là 10 năm trở lên... Để tôn vinh đúng người, không bỏ sót tài năng, bây giờ Hội đồng không chỉ ngồi chờ nghệ sĩ mang đơn đến nộp để được phong tặng, mà chúng ta phải đến tận nơi, tận nhà làm hồ sơ cho các nghệ sĩ. Tuy nhiên, việc quy đổi hay xét đặc thù cũng đảm bảo chất lượng, khách quan, để công chúng không đặt câu hỏi vì sao các thế hệ nghệ sĩ sau cũng danh hiệu đó mà yếu hơn thế hệ nghệ sĩ trước là không được”, Thứ trưởng nhấn mạnh. 

 Để tôn vinh đúng người và không bỏ sót, lọt tài năng Hội đồng các cấp không chỉ ngồi chờ nghệ sĩ đến nộp đơn để được xét phong tặng mà chúng ta phải đến tận nơi, tận nhà làm hồ sơ cho các nghệ sĩ. Tuy nhiên, việc quy đổi hay xét đặc thù cũng đảm bảo chất lượng, khách quan, để công chúng không đặt câu hỏi vì sao các thế hệ nghệ sĩ sau cũng danh hiệu đó mà yếu hơn thế hệ nghệ sĩ trước?...

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL LÊ KHÁNH HẢI)

 THÙY TRANG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top