Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Hà Nội yêu cầu không để tái diễn tình trạng mất cắp di vật, hiện vật

Thứ Tư 24/06/2020 | 11:37 GMT+7

VHO- Dư luận vẫn chưa quên vụ việc gây chấn động trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua, chỉ chưa đầy một tháng, trên địa bàn huyện Thanh Oai đã xảy ra tới 4 vụ mất trộm cổ vật tại di tích. Dư luận cũng vẫn chưa nguôi những vụ việc từng là “tâm bão” trên báo chí về những di tích bị tu bổ sai nguyên tắc, không phép, sai phép như tại chùa Trăm Gian năm 2012 và tại chùa Bối Khê năm 2019.

 Chùa Bối Khê

 Nhằm khắc phục tình trạng này, UBND TP Hà Nội có công văn số 2352/UBND-KGVX yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện thị xã không để tái diễn tình trạng mất cắp di vật, hiện vật cũng như việc xây dựng, phục dựng, sửa chữa, tu bổ tôn tạo không phép, sai phép tại các di tích trên địa bàn.

Kiểm điểm trách nhiệm nếu để xảy ra mất cắp di vật, hiện vật

Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước với gần 5.922 di tích, trong đó một di tích được công nhận Di sản thế giới, 18 di tích Quốc gia đặc biệt, 50 di tích cách mạng kháng chiến, 1.804 đình, 2.007 chùa cùng hàng ngàn các loại hình di tích khác nhau. Công văn do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý ký nhấn mạnh, với số lượng di tích đứng đầu cả nước đã đặt ra với công tác quản lý về di sản văn hóa không ít khó khăn, bất cập. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương đã để xảy ra tình trạng mất cắp di vật, hiện vật, được báo chí và dư luận phản ánh.

Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý về bảo vệ, phòng, chống mất cắp di vật, hiện vật và ngăn chặn tình trạng xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo không phép, trái phép tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố, UBND TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở VHTT thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội. “Chỉ đạo sát sao, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa theo nhiệm vụ được phân công, phân cấp; không để tái diễn và xảy ra hiện tượng mất cắp di vật, hiện vật và tình trạng xây dựng, phục dựng, sửa chữa, tu bổ tôn tạo không phép, sai phép tại các di tích trên địa bàn TP Hà Nội”, Công văn nhấn mạnh.

Lãnh đạo thành phố giao Sở VHTT Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) tiếp tục rà soát, kiểm tra, xây dựng kế hoạch hằng năm hỗ trợ chống xuống cấp các di tích có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, có giá trị đặc trưng, tiêu biểu theo Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 1.6.2017 của UBND thành phố về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa, quản lý lễ hội trên địa bàn. Sở VHTT Hà Nội cũng được giao nhiệm vụ là đơn vị đầu mối tham mưu UBND TP Hà Nội trong việc xử lý, rà soát, đôn đốc, khắc phục tình trạng mất cắp di vật, hiện vật cũng như tình trạng xây dựng, phục dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép. Lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo, Sở VHTT Hà Nội hằng năm xây dựng kế hoạch phối hợp với Cục Di sản văn hóa, Ban Tôn giáo thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn công tác quản lý và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố; có hình thức động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích và có hình thức kiểm điểm trách nhiệm với những tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng nêu trên.

UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND thành phố về quản lý nhà nước trong công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, tăng cường quản lý, rà soát, khắc phục, không để xảy ra tình trạng mất cắp di vật, hiện vật; xây dựng, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép. Bên cạnh đó, hướng dẫn cơ sở kiện toàn tổ chức quản lý, hoàn thiện phương án bảo vệ, tập huấn các quy định về an ninh, phòng chống cháy nổ, đảm bảo tốt công tác trông coi, bảo vệ, vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy tại di tích.

UBND các quận, huyện, thị xã được yêu cầu chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Sở VHTT rà soát, kiểm kê, thống kê, vẽ sơ đồ bài trí di vật, hiện vật, bổ sung khắc phục hồ sơ còn hạn chế tại các di tích, nhất là các di tích xếp hạng từ năm 2010 trở về trước, làm cơ sở cho công tác bảo vệ, bảo quản di vật, hiện vật đảm bảo tính khoa học.

“Khi xảy ra tình trạng mất cắp di vật, hiện vật; xây dựng, phục dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép tại các di tích, UBND cấp huyện phải báo cáo ngay UBND thành phố. Sau 5 ngày làm việc, địa phương nơi để xảy ra tình trạng mất cắp di vật, hiện vật; xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép không báo cáo thì Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố...”, Công văn nêu rõ.

 Năm 2012 chùa Trăm Gian đã tu bổ sai nguyên tắc hai công trình là nhà Tổ và gác Khánh khiến dư luận vô cùng bức xúc

Tăng cường thanh, kiểm tra

UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo thành phố phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tôn giáo, chức sắc tôn giáo, nhà tu hành đang trụ trì (hoặc trông nom) các cơ sở tôn giáo (chùa) là những di tích trong danh mục kiểm kê đã được UBND thành phố phê duyệt thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và quy định pháp luật liên quan, không để xảy ra việc xây dựng không phép, sai phép. Đồng thời, tham mưu UBND thành phố xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tự ý xây dựng, phục dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép, tránh tình trạng đánh mất phong cách kiến trúc truyền thống, làm biến dạng kiểu thức, sắc thái tại các di tích. Phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội phổ biến kiến thức pháp luật về di sản văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật liên quan; đưa vào chương trình nghị sự thường niên tại các Học viện, Trường Trung cấp Phật học, Trường Hạ đóng trên địa bàn thành phố, tránh lý do không hiểu biết (hoặc cố tình), dẫn đến tình trạng sai phạm trong việc xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo tại các di tích (chùa).

Thanh tra thành phố phối hợp với Thanh tra Bộ VHTTDL (đối với di tích xếp hạng cấp Quốc gia, cấp Quốc gia đặc biệt) cùng các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra các trường hợp xây dựng, phục dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép tại các di tích, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng trên tại các di tích trên địa bàn quận, huyện, thị xã.

Công an thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ, cơ quan Cảnh sát điều tra các quận, huyện, thị xã phối hợp điều tra, trấn áp, khắc phục, không để xảy ra và tái diễn tình trạng mất cắp di vật, hiện vật tại các di tích trên địa bàn quản lý.

Dư luận vẫn chưa quên vụ việc gây chấn động khi trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 vừa qua, chỉ chưa đầy một tháng, trên địa bàn huyện Thanh Oai đã xảy ra tới 4 vụ mất trộm cổ vật tại di tích. Dư luận cũng vẫn chưa nguôi những vụ việc di tích bị tu bổ sai nguyên tắc, hoặc không phép, sai phép như tại chùa Trăm Gian năm 2012 và tại chùa Bối Khê năm 2019...

Thực tế này một lần nữa dấy lên những lo ngại về công tác bảo vệ di sản trên địa bàn Thủ đô cũng như cả nước. Công văn của TP Hà Nội cho thấy lãnh đạo thành phố đã nhận định đúng thực trạng để đưa ra những giải pháp căn cơ, tránh tiếp diễn tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là công tác triển khai sẽ như thế nào, cũng như câu chuyện nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản, di tích từ các nhà quản lý, chính quyền địa phương đến mỗi cá thể trong cộng đồng sẽ được tăng cường đến đâu. 

 Sao chưa thấy hồi âm?

Liên quan đến vụ cổ vật tại các di tích trên địa bàn huyện Thanh Oai “không cánh mà bay”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký văn bản yêu cầu Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ điều tra, xử lý nghiêm việc mất trộm cổ vật; tăng cường tuần tra, canh gác, hướng dẫn việc lắp đặt thiết bị bảo vệ, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích... Kết quả thực hiện báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 15.5.2020, thông tin trả lời cơ quan báo chí theo quy định.

Tuy nhiên, đến nay, trên nhiều tờ báo đã từng phản ánh vụ việc dường như vẫn “im hơi lặng tiếng” về những cổ vật “chẳng cánh mà bay” này.

 HOÀNG NGÂN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top