Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Bảo tồn di sản và phát triển kinh tế: Đang có hiện tượng “Háo danh”

Thứ Hai 14/12/2020 | 15:18 GMT+7

VHO- “Đang có nhiều di tích bị đập đi xây mới, tình trạng tôn tạo di tích “quá tay”, đặc biệt là tại nhiều địa phương đang tồn tại tâm lý “háo danh”, “sính danh” khi chỉ cố gắng để di sản được vinh danh, nhưng sau đó lại “bỏ quên” di sản, hoặc khai thác quá mức…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo Khoa học “Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội” do Viện VHNT quốc gia Việt Nam tổ chức cuối tuần qua.

Chùa Trăm Gian với những kiến trúc cổ kính đã trở thành nạn nhân trong việc tu bổ, tôn tạo theo kiểu làm mới di tích

 Thương mại hoá là nguy cơ đối với bảo vệ di sản

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, không phải lúc nào vấn đề bảo tồn và phát triển cũng được giải quyết hợp lý. Việc quá coi trọng phát triển kinh tế, khai thác nguồn tài nguyên quá mức, đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết mà không chú ý đến nhu cầu bảo tồn giá trị di sản văn hóa có thể tạo ra những khủng hoảng, cản trở sự phát triển bền vững. Ngược lại, nếu chỉ quan tâm đến bảo tồn, giữ lại những yếu tố cũ, khước từ mọi yếu tố mới, mọi quy luật vận động phát triển thì sẽ dẫn tới lạc hậu. Vì vậy, việc xử lý hài hòa mối quan hệ này có ý nghĩa hết sức quan trọng.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Hội đồng di sản văn hóa quốc gia lưu ý, không phải ở đâu và không phải lúc nào người ta cũng giải quyết được một cách hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế; không phải chỉ ở nước nghèo, mà ngay cả ở nước phát triển thì sự “xung đột” đó vẫn thường xảy ra dưới nhiều dạng thức khác nhau. GS Tiêu nhắc đến những viện dẫn về việc giải quyết hài hòa, phù hợp giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam như việc tiến hành khai quật khảo cổ học quy mô lớn tại tại Khu di tích 18 Hoàng Diệu; bảo tồn, lựa chọn các hố khai quật khảo cổ tiêu biểu nhất để làm bảo tàng tại chỗ, kết nối với Khu thành cổ Hà Nội và các khu di tích xung quanh tạo thành Công viên lịch sử - văn hóa đáp ứng nhu cầu của công tác nghiên cứu khoa học và du khách. Khu di tích khảo cổ học ở ngã năm Ô Chợ Dừa (Hà Nội) được xác định là khu vực Đàn Xã Tắc xưa, nằm trên nút giao thông đô thị, nên ngay sau khi kết thúc khai quật khảo cổ học đã thực hiện giải pháp cắm mốc giới, đặt biển giới thiệu về di tích và đưa toàn bộ những tư liệu, hiện vật từ hố khai quật về bảo quản, trưng bày, phát huy giá trị tại bảo tàng. Khu di tích khảo cổ học nằm trên các nút giao thông đường Cầu Giấy, Văn Cao, Đào Tấn cũng thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị tương tự...

 Chùa Trăm Gian với những kiến trúc cổ kính đã trở thành nạn nhân trong việc tu bổ, tôn tạo theo kiểu làm mới di tích

“Đối với di sản văn hóa phi vật thể, muốn duy trì được sức sống của di sản thì di sản đó phải trở thành “di sản cộng đồng”…”, GS Lưu Trần Tiêu nhấn mạnh. Về mặt nhận thức, ai cũng nghĩ rằng, bảo tồn và phát triển như là một thể thống nhất. Tuy nhiên, trong thực tiễn, việc giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và xây dựng hạ tầng cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội không hề đơn giản, thậm chí ở một số trường hợp cụ thể, nó trở thành hai mặt đối lập, nhất là trong không gian đô thị.

TS Lê Thị Minh Lý, Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng đề cập đến hiện tượng “háo danh” trong vinh danh di sản. “Đau lòng khi phải nói như vậy, nhưng đó là sự thật. Nhiều nơi, nhiều địa phương “sính danh” nhưng thậm chí không biết trách nhiệm của mình sau khi di sản được vinh danh như thế nào”, bà Lý nói. Bàn về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể và phát triển kinh tế bền vững, bà Lý nhấn mạnh, một nền kinh tế toàn diện từ góc nhìn di sản văn hoá phi vật thể là trong điều kiện cụ thể, một số loại hình di sản sẽ được phát triển, tạo thu nhập và sinh kế bền vững, có công ăn việc làm hiệu quả cho người dân; có phát triển du lịch, tác động tới di sản mà vẫn đảm bảo việc bảo vệ di sản. “Cần hết sức thận trọng bởi sự thương mại hoá là nguy cơ đối với bảo vệ di sản, lợi ích cộng đồng”, TS Lê Thị Minh Lý nhắc nhở.

Khuynh hướng hoành tráng hóa di sản

Đưa ra giải pháp cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, TS Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh, điều cần làm là hãy quan tâm đến các chủ thể đang nắm giữ các bí quyết, kỹ năng, những gì mà chúng ta gọi là giá trị cốt lõi giúp các nghệ nhân tạo ra thương hiệu và tiếp tục trao truyền. Chất lượng và thương hiệu là điều kiện tiên quyết để “phát triển kinh tế toàn diện”.

Đề cập một số khuynh hướng ứng xử trong quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, GS.TS Từ Thị Loan lưu ý, bảo tồn tốt không có nghĩa là khư khư giữ nguyên di sản mà không biết khai thác, phát huy giá trị. Nhiều địa phương sở hữu những di sản quý nhưng do tư duy theo lối mòn, không đổi mới, nên nhiều khi sống trên di sản mà không khai thác được giá trị của di sản. Đối lập với hiện tượng để “di sản bị đóng băng”, lại có không ít trường hợp đặt nặng mục tiêu lợi nhuận, cốt sao doanh thu càng nhiều càng tốt. “Khuynh hướng hoành tráng hóa di sản, cố gắng làm cho di sản “to đẹp” hơn, “hiện đại” hơn, nổi tiếng hơn để hút khách đang diễn ra. Các địa phương đua nhau tôn tạo, làm mới di tích, “nâng cấp di sản”. Năm 2012, chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) đã trùng tu, tôn tạo theo kiểu “làm mới di tích”; hàng loạt trường hợp trùng tu, tôn tạo không quan tâm đến yếu tố gốc như: Lăng Ngô Quyền (2014), Tam quan chùa Bổ Đà (2017), Bia Quốc học Huế (2017), xây mới tượng Bà Chúa Xứ thứ 2 trên núi Sam (2017)… Người ta thậm chí còn dám làm động giả, chùa giả, “biến không thành có” để thu lời, kiếm chác. Vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An từng ngang nhiên bị xẻ núi dựng cột bê tông làm đường dài hơn 1km với hơn 2.200 bậc…”, theo GS Từ Thị Loan.

 Vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An từng bị xâm phạm nghiêm trọng

Bà Từ Thị Loan cũng nhấn mạnh: “Cần bảo đảm sự cân đối hài hòa giữa hai quá trình bảo tồn và phát huy. Những ví dụ thất bại về giải quyết mối quan hệ này trong đa số trường hợp đều là do quá coi trọng vế khai thác, lạm dụng quá mức di sản mà không quan tâm đến công tác bảo vệ, bảo tồn. Ở vế ngược lại, cũng không nên chỉ chăm lo bảo tồn, giữ gìn mà không biết khai thác, phát huy giá trị di sản”.

Còn theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, bản chất của bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội không phải là sự “xung đột” mà là do nhận thức và thiếu sự phối hợp để giải quyết hài hòa. Chẳng hạn, khi bảo tồn Khu phố cổ Hà Nội, một “phức hợp di sản sống”, cần nhìn phố cổ Hà Nội từ không gian đa chiều, với tất cả những yếu tố tổng hòa tạo nên nét đặc trưng riêng, tính kế thừa và phát triển của Khu phố cổ Hà Nội.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhấn mạnh: “Người ta vẫn lầm tưởng giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội có hàm chứa các mặt mâu thuẫn. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta sẽ bảo tồn di sản văn hóa như thế nào, bằng phương tiện nào nếu không có cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như nguồn đầu tư cần thiết do phát triển kinh tế - xã hội đưa lại. Do đó, phải coi việc bảo tồn di sản văn hóa là vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế và cũng là nhu cầu tự thân của ngành di sản văn hóa…”. PGS Đặng Văn Bài lưu ý, di sản văn hóa phải được tiếp cận theo một tinh thần hoàn toàn mới: Không chỉ bảo tồn một cách bất biến các giá trị của di sản mà phải thiết lập các hình thức quản lý hoạt động bảo tồn để các giá trị nhân văn trong di sản trở thành “một bộ phận hiện đại” của xã hội mới, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững. 

 Nhiều nơi, nhiều địa phương “sính danh” nhưng thậm chí không biết trách nhiệm của mình sau khi di sản được vinh danh như thế nào, một nền kinh tế toàn diện từ góc nhìn di sản văn hoá phi vật thể là trong điều kiện cụ thể, một số loại hình di sản sẽ được phát triển, tạo thu nhập và sinh kế bền vững, có công ăn việc làm hiệu quả cho người dân; có phát triển du lịch, tác động tới di sản mà vẫn đảm bảo việc bảo vệ di sản.

(TS LÊ THỊ MINH LÝ, Hội Di sản văn hóa Việt Nam)

 NGÂN ANH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top