Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

“Gặp lại” Dấu ấn thời bao cấp

Thứ Tư 16/12/2020 | 10:35 GMT+7

VHO- Trưng bày “Dấu ấn thời bao cấp” vừa được Bảo tàng tỉnh Ninh Bình tổ chức đang mang lại nhiều cảm xúc lắng đọng cho người xem khi tái hiện đời sống của người dân thời “tem phiếu” thông qua các hiện vật, tài liệu xưa cũ.

 Phòng khách thời bao cấp

 Khách tham quan đến với chuyên đề trưng bày sẽ được gặp lại những hình ảnh gợi nhớ một thời bao cấp ở vùng quê xưa bình yên, còn nhiều khó khăn. Đó là không gian phòng khách với ảnh Bác Hồ được treo ở vị trí trang trọng và những huân, huy chương kháng chiến cùng với khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, bên dưới là chiếc tủ ly được bày biện ti vi, lọ hoa, đài cát sét, đồng hồ...; cạnh đó là bộ ghế băng dài để tiếp khách, trên bàn có bộ ấm tích chè xanh.

Không gian trưng bày ở khu bếp thể hiện rõ những vật dụng đơn sơ, giản dị nhất có thể, nổi bật là chiếc chạn với các ngăn được phân rõ, chứa đựng mắm muối, tương cà, bát đĩa, xoong nồi... Tại khu bếp nấu, người xem ấn tượng với kiềng 3 chân, xung quanh là củi, rơm, trấu, lá cây..., được tận dụng từ phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp; xung quanh bếp được treo những bó tỏi, hành khô, chùm bồ kết đen nhánh và đầy đủ các dụng cụ phục vụ sinh hoạt, sản xuất như: rổ, rá, giần, sàng, hũ, chum, chai lọ... Những góc bếp ở nông thôn thời bao cấp với rất nhiều những câu chuyện, kỷ niệm xung quanh mâm cơm và những món ăn một thời gian khó nhưng ấm áp tình thân. Còn tại gian trưng bày phòng ngủ, những vật dụng cũng thể hiện rõ đặc trưng cuộc sống thời bao cấp như: Chiếc giường gỗ rẻ quạt, chiếc chiếu cói, đôi gối thêu tay hình hoa lá, trái tim... Nổi bật là chiếc chăn “con công” đỏ rực, trở thành “huyền thoại” một thời, có ở hầu khắp các gia đình. Đồ dùng trong phòng ngủ cũng đơn giản với chiếc hòm gỗ đựng đồ cá nhân, trên đó để túi xách, khăn mùi xoa, những chiếc đinh đóng trên tường để treo quần áo... tất cả đều được sắp đặt tại chỗ để khán giả có thể trực tiếp cảm nhận. Ngoài ra, trong không gian phòng trưng bày còn có các hiện vật đặc trưng thời bao cấp như: Tem phiếu, giấy chứng nhận sử dụng xe đạp, radio, sổ gạo, sổ mua lương thực... đã đánh thức cả quá khứ trong lòng người tham quan.

Không chỉ được tham quan và cảm nhận không khí của thời bao cấp, người xem còn được thưởng thức những món ăn dân dã, đặc trưng của thời kỳ thiếu thốn đó, như bã đậu phụ rang, cơm độn, dưa xào tóp mỡ, bánh đúc chấm tương, bánh khoai độn, các loại bánh nếp, bánh tẻ, cơm nắm muối vừng, ngô, khoai, sắn luộc... Khu trưng bày cũng tổ chức nhiều hoạt động thực tế giúp các em học sinh có được những trải nghiệm khó quên về một thời gian khó mà bố mẹ, ông bà các em đã từng trải qua. Em Nguyễn Thị Vân Anh, học sinh Trường Trung học Cơ sở Trương Hán Siêu, TP Ninh Bình cho biết: “Thế hệ chúng em chỉ biết được đến thời bao cấp ở miền Bắc qua những câu chuyện kể, bức ảnh hay những bộ phim. Ký ức về thời bao cấp mà chúng em được nghe ông bà, bố mẹ kể lại là những chuyện tem phiếu, sổ gạo hay là những dòng người xếp hàng chờ nhận lương thực, hàng hóa... Khi được nhìn, sờ tận tay những hiện vật và có những trải nghiệm đầy mới lạ ở buổi trưng bày này đã giúp chúng em hiểu hơn một phần cuộc sống khó khăn nhưng ấm áp và bình yên của thế hệ ông bà, bố mẹ”.

 Gian bếp thời bao cấp

Ông Nguyễn Xuân Khang, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Bình cho biết: Mục đích của chuyên đề trưng bày “Dấu ấn thời bao cấp” là gợi lại những kỷ niệm thời bao cấp cho những người từng sống ở thời kỳ này, đồng thời giúp thế hệ trẻ có thể hiểu được lịch sử của đất nước, hiểu được cuộc sống của ông bà, cha mẹ mình trong những năm đất nước còn khó khăn, qua đó giáo dục thế hệ trẻ phải cố gắng hơn nữa trong lao động, học tập, công tác, tiếp tục đóng góp, xây dựng đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh. Trưng bày lần này chắc chắn sẽ đem tới cho người xem những cảm xúc khác nhau vì mỗi người đều thấy một phần mình trong đó với sự giao hòa giữa cái cũ và cái mới. Thời gian qua, Bảo tàng tỉnh Ninh Bình vẫn thường xuyên tổ chức sưu tầm, khai thác và phát huy giá trị sưu tập hiện vật thời kỳ bao cấp như: nói chuyện chuyên đề, trưng bày chuyên đề và các hoạt động giáo dục để phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu và trải nghiệm của đông đảo công chúng. Đặc biệt, trưng bày chuyên đề “Dấu ấn thời bao cấp” lần này đã gây được tiếng vang lớn, thu hút một lượng lớn người dân tỉnh Ninh Bình đến tham quan, tìm hiểu.

“Gặp lại” những chiếc đĩa sắt tráng men, bà Nguyễn Thị Hạnh, TP Ninh Bình, xúc động: “Đến với triển lãm, nhìn mâm cơm thời đó mà bao kỷ niệm về thời gian khó và thiếu thốn bên cạnh những người thân yêu ùa về trong ký ức của tôi. Triển lãm có rất nhiều tư liệu vô cùng quý giá và chân thực đã phản ánh một phần nào về thời kỳ bao cấp, một thời mà sổ gạo, tem phiếu, sổ lương thực là những thứ vô cùng quan trọng với các gia đình. Nơi đây đã tạo nên một không gian ngập tràn ký ức về một thời xa xưa nghèo mà bình dị, thấm đẫm tình người. Những hiện vật thời bao cấp đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Bình đã lấy được xúc cảm của nhiều người như chúng tôi - những người đã sống qua những năm tháng không thể nào quên về thời bao cấp”. 

 THÙY DUNG; ảnh: HẢI YẾN

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top