Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Phát triển du lịch đảo vùng ven bờ biển Việt Nam (Bài 2): Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Thứ Tư 16/12/2020 | 10:43 GMT+7

VHO- Với những tiềm năng được thiên nhiên ban tặng, nếu biết khai thác, du lịch biển đảo sẽ tạo dựng thương hiệu điểm đến Việt Nam trên thế giới. Phát triển du lịch biển đảo trong tương lai cũng cần phù hợp với nhu cầu, xu hướng du lịch mới và hướng tới phát triển bền vững, giữ gìn, phát huy được tài nguyên.

Trước những nguy cơ ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan, xâm hại cảnh quan khi phát triển du lịch biển đảo, các chuyên gia du lịch cho rằng, cần phải định hướng phát triển bền vững ngay từ đầu trên nền tảng tăng trưởng xanh, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái trên đảo, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Lý Sơn (Quảng Ngãi) là một trong số đảo du lịch luôn quá tải

Tìm đặc thù từng nhóm đảo

GS.TS Nguyễn Văn Đính, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Hà Tĩnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo du lịch (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) cho rằng: “Mỗi đảo có một trạng thái riêng và những tiềm năng, lợi thế khác nhau. Vì thế, cần tìm ra đặc thù của các đảo và xây dựng sản phẩm cho từng nhóm đảo, có định hướng chung để phát triển. Trong gần 3.000 hòn đảo, cần phải chọn lựa những đảo nào có thể đón khách. Cần có tiêu chí gì để làm du lịch ở những đảo này. Có thể làm theo chuyên đề đảo chuyên du lịch nghỉ dưỡng, đảo chuyên khám phá, đảo chuyên du lịch cộng đồng, đảo phát triển kinh tế biển, đảo nuôi trồng thủy sản, đảo nghiên cứu đa dạng sinh học…”.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Văn Lam, Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo (Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Bộ TN&MT) cho rằng: “Khi thực hiện quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn 2045, ngành Du lịch cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, chú ý vấn đề Quy hoạch biển để xây dựng những đảo chuyên đề. Nếu cứ để phát triển tự phát như hiện nay, khách chỉ ra đảo 1 lần vì na ná như nhau, cũng bãi biển rặng dừa, cũng hải sản tươi sống, lặn ngắm san hô, vui chơi công viên nước, tham quan vườn thú… Tóm lại mỗi thứ một tí, đảo nào cũng giống đảo nào, không khai thác lâu bền được”.

Ông Nguyễn Hải Linh, phòng Văn hoá thể thao huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) nhấn mạnh, khi thực tế một đảo tuyệt đẹp như Cô Tô, được coi là thiên đường nghỉ dưỡng vùng Đông Bắc thì bài toán nuôi trồng đánh bắt thủy sản, phát triển du lịch và giữ môi trường hiện nay cũng đang rất khó khăn. Rác thải nhựa của hàng chục nghìn du khách, người dân cùng vài nghìn phương tiện tàu bè thải ra mỗi ngày. Ý thức chưa cao, lượng rác thụ động lớn khiến công tác bảo vệ môi trường vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, quỹ đất ngày càng hẹp, rừng mất dần đi, nước ngọt cũng vì thế mà ít hơn. Các doanh nghiệp đầu tư du lịch, doanh nghiệp lữ hành đến đầu tư, kinh doanh tại đảo chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực ít và chỉ tính việc thu lợi tức thời. Thực tế đó đòi hỏi phát triển du lịch đảo cần phải có quy hoạch, thực hiện nghiêm quy hoạch và nâng cao ý thức của người dân lẫn cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền về phát triển du lịch bền vững.

Ông Lưu Đức Kế, Công ty Du lịch Việt cho biết: “Hiện nay, 70% khách du lịch ở Việt Nam liên quan đến du lịch biển đảo. Vì thế, phát triển du lịch biển đảo là hướng đi đúng. Tuy nhiên, nếu đầu tư vào du lịch biển đảo không xứng tầm, không tính toán sức chứa sẽ phá vỡ cảnh quan, lãng phí thậm chí xâm hại tài nguyên. Mà nếu không giữ được môi trường, đó sẽ là dấu chấm hết cho ngành Du lịch. Đầu tư cho du lịch phải là đầu tư dài hạn, có tầm nhìn, là đầu tư cho tương lai”.

Kiểm soát sức chứa điểm đến

Các chuyên gia lưu ý việc phát triển du lịch đảo cần nghiên cứu kỹ bài học từ các nước. Trong đó, đảo Phuket (Thái Lan) mặc dù đã đặt mục tiêu phát triển bền vững nhưng vẫn xây dựng ồ ạt, phát vỡ cảnh quan, môi trường, quá tải từ khoảng năm 1990 nên đã phải dừng khai thác năm 2002 để trẻ hoá điểm đến, thiết kế và xây dựng lại toàn bộ. Cũng từ đó, đảo này kiểm soát ô nhiễm, bồi lấp bãi biển; bảo tồn hệ sinh thái, xây dựng chương trình thực hiện trách nhiệm xã hội. Đến nay, Phuket đang phục vụ 10 triệu khách du lịch, trong đó 8 triệu khách quốc tế. Đảo Boracay (Philippines) cũng đã phải trả giá lớn cho việc phát triển không kiểm soát, thiếu bền vững. Tháng 4.2018 đảo này đã phải ngừng đón khách du lịch để quy hoạch và cải tạo lại, chuyển đổi xe sử dụng xăng sang xe điện, xây nhà máy xử lý rác thải, đập phá các công trình xây dựng trái phép… Tháng 10.2018, Boracay mở cửa trở lại và chỉ cho sức chịu tải 19.200 khách có mặt tại đảo cùng một thời điểm.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Anh Tuấn đánh giá: “Một vài đảo hiện nay đang phát triển rất “nóng” như Phú Quốc, Cát Bà, Côn Đảo. Trong khi đó, rác thải, nước thải không được xử lý, bê tông hóa quá nhiều phá vỡ tính nguyên sơ. Nguồn nhân lực thiếu trầm trọng, tính mùa vụ cao, quyền tham gia hưởng lợi của người dân đối với phát triển bền vững trên đảo ngày càng ít. Người dân có khi lại trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất cha ông để lại. Vì thế, cần có định hướng ngay từ đầu việc đào tạo nguồn nhân lực cho đảo, tạo sinh kế cho người dân, những người cả đời gắn bó với đảo”.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định “Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo và du lịch thể thao, giải trí biển phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”. Du lịch biển, đảo cũng được xác định là một trong bốn dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam. Quan trọng nhất, Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đưa ra một số chủ trương lớn, trong đó chủ trương phát triển kinh tế biển và ven biển xác định: Đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: “Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản...”. Nghị quyết cũng chỉ rõ việc cần phải chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, thám hiểm khoa học, du lịch cộng đồng, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao tại các vùng ven biển; xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển đẳng cấp quốc tế trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá, lịch sử đặc sắc của các vùng, miền, kết nối với các tuyến du lịch quốc tế để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới...

Đây chính là những điều kiện, chính sách cực kỳ thuận lợi để phát triển du lịch biển, đảo xứng với tiềm năng; đưa nước ta trở thành một đất nước mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. 

THUÝ HÀ

Bài 3: Giải pháp phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top