Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Những hang động bí ẩn trên núi Bà Đen

Thứ Năm 24/12/2020 | 18:05 GMT+7

VHO-Trước tình hình dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, thời gian qua, số lượng du khách tập trung những điểm du lịch ở Tây Ninh giảm bớt. Thay vào đó, một số người chuyển sang hướng du lịch khám phá thiên nhiên. Đa số những du khách này tìm đến những nơi hoang sơ, ít dấu chân người để vui chơi. Chỉ tính riêng ở núi Bà Đen, có nhiều địa điểm hấp dẫn, mới lạ.

Trong quá trình leo trèo trên núi Bà Đen, tình cờ chúng tôi gặp ông Nguyễn Thành Trai, chủ vườn cây ăn trái trên núi Bà Đen. Ông Trai kể, ông trồng vườn cây ăn trái ở trên sườn núi này từ những năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng đến nay nên ông biết, trong khu vườn của ông có một số hang động nhỏ và hai hang động lớn, có liên quan đến chiến tranh. Ông Trai dẫn chúng tôi đến một hang động nhỏ, nằm phía trên động Cây Da khoảng 30 mét. Đó là một hang động, miệng hang rộng khoảng 3 mét, cao khoảng 5 mét và dài khoảng 8 mét. Làm nên hang động này là hai tảng đá lớn, nghiêng vào nhau, tạo cho miệng hang hình chữ A. Bên trong hang động không bằng phẳng, nhưng kín đáo, mát mẻ.

Không gian rộng thoáng, mát mẻ trong hang động Hai Tầng

Ông Trai kể, hơn hai mươi năm trước, khi phát hiện ra hang động này, ông còn thấy gần miệng hang có một cái máy đánh chữ cũ, để trên tảng đá và có khoảng ba chục trái đạn cối 60, chất thành một đống trong cuối hang. Sau đó một vài năm, trên núi bắt đầu xuất hiện những người chuyên kiếm sống bằng nghề rà sắt. Bẵng đi một thời gian vài ba năm, ông quay lại hang động này thì nhìn thấy trong hang trống trơn. “Có lẽ chính những người rà sắt đã lấy chiếc máy đánh chữ và số đạn kia đi”, ông Trai đoán. 
Ăn uống, nghỉ ngơi một lúc cho lấy lại sức, ông Trai tiếp tục dẫn chúng tôi lên một hang động khá kín. Bên ngoài hang, rễ cây và dây leo buông xuống chằng chịt. Vẹt đám cỏ hoang, chui vào, bất ngờ, bên trong là động vừa rộng, vừa sâu. Trên vách đá, có mấy dòng chữ viết bằng dầu hắc, bị bong tróc, làm mờ một số nét, chỉ còn lờ mờ đọc được nội dung: “Đực, KN 1971, quyết Đánh”. Ông Trai cho biết, hơn ba mươi năm trước, khi ông vào đây trú mưa, trú nắng, đã thấy những dòng chữ này. Rọi đèn pin lần mò sâu vào bên trong hang, chúng tôi nhặt nhiều vật dụng thời chiến tranh, như nón, áo mưa, mẩu ni lông màu đen xám, mẩu chum, vại, đĩa bị bể, hộp thiết, lon cá mòi đã sét nghẹt, một số đoạn dây nhựa nhỏ, màu đỏ và một cục pin đã bị tróc lớp nhãn bên ngoài nên không rõ hiệu gì. 

Tìm thấy nhiều vật dụng chiến tranh trong hang "ông Đực"

Rọi đèn pin xuống một hốc đá sâu, chúng tôi còn thấy thấp thoáng một vật gì hình tròn, to bằng cổ chân người lớn, sáng loáng, trông như vỏ trái sáng, hay quả bom, quả đạn nào đó. Ông Trai không biết hang này tên là gì, nên đoàn chúng tôi tạm gọi là hang “ông Đực”. Đặc biệt, trong hang động còn có bí ẩn thiên nhiên rất hấp dẫn. Đó là hiện tượng hai tảng đá tự nhiên kết nối lại với nhau. Dấu vết của sự kết nối này là một đường đá nhỏ, bề ngang gần 3 cm, cao gần 1 cm, như một gờ giảm tốc trên đường giao thông. Đường đá nối này sắc xảo như do một người thợ hồ lành nghề thi công. Chúng tôi dùng cục đá khác, đập vào “gờ” đá nối để xem có phải chúng được làm bằng xi măng hay không? Thật bất ngờ cái “gờ” này hoàn toàn bằng đá xanh, cùng chủng loại với hai tảng đá đã được nối lại với nhau. Không rõ đường nối hai tảng đá này bắt nguồn từ đâu, chỉ thấy chúng bị một tảng đá khổng lồ có trọng lượng ước tính hàng triệu tấn đè lên. Điều đó cho thấy, không có người thợ hồ nào có thể thi công được công trình này. Vì sao hai tảng đá nối lại với nhau? Chúng nối lại từ lúc nào? Nối lại để làm gì? v.v... Đây là những câu hỏi mà chưa có công trình nào nghiên cứu.

Hang trên sườn núi Bà Đen rộng rải, có thể trở thành nơi nghỉ ngơi lý tưởng cho du khách

Cách hang “ông Đực” khoảng vài trăm mét là một hang động khác. Hang động này khá rộng, miệng hang rộng hơn 10m, sâu hàng chục mét, có hai tầng liên thông với nhau. Ông Trai đặt tên hang này là hang “Hai Tầng”. Vào trong hang, chúng tôi thấy, trên vách đá có hàng chữ in ngay ngắn, được viết bằng nước sơn đỏ với gần mười họ tên. Tuy nhiên, rêu phong, ẩm mốc đã làm phai mờ đi nét chữ khá nhiều, chỉ còn đọc rõ được một vài chữ. Có lẽ đây là danh sách của những chiến sĩ cách mạng từng tham gia kháng chiến ở đây. Trong hang động còn một số vải băng cứu thương, vải sa ten đen - loại vải thịnh hành trước năm 1975, một số hộp lon đựng cá mòi đã gỉ sét và một vài miếng bọc ni lông trắng, dày. Trong hang có hai tảng đá khá rộng, bằng phẳng như chiếc giường. 
Ngoài những hang động nêu trên, trên sườn phía Nam núi Bà Đen, còn có một hang động khác, người dân thường gọi là hang Quân y. Trong hang, có một số nơi tương đối bằng phẳng. Ông Mai Ngọc Hợp, nhân viên hướng dẫn di tích lịch sử núi Bà Đen cho biết, cách đây hơn 10 năm, khi lần đầu đến hang động này, ông nhìn thấy ở trong hang có chiếc giường được làm bằng nhiều thân cây ghép lại. Hiện tại, chiếc giường bệnh đó không còn nhìn thấy trong hang nữa. “Chắc đó là chiếc giường bệnh dùng để cho thương binh nằm trong quá trình điều trị”, ông Hợp đoán.

Hiện tượng đá nối lại với nhau - một bí ẩn thiên nhiên chưa có lời giải thích

Rọi đèn pin nhìn kỹ trong hang, chúng tôi thấy vương vãi bên lối đi, còn một số băng gạt dùng để băng bó vết thương, vải kaki màu xanh, tấm bạt ni lông đen đã nhàu nát, vài miếng vải mùng, vải bao bố và một mẩu chum vại bể. Đáng chú ý, trong hang này cũng có một bí ẩn khác. Đó là có một số cục đá, kích cỡ bằng đầu gối người lớn, lấp lánh ánh vàng. Soi đèn nhìn kỹ, thấy bên ngoài những cục đá này có nhiều miếng mạt nhỏ li ti màu vàng bao quanh. Thử đập vỡ một cục đá này ra xem, thấy bên trong chúng càng có nhiều mạt vàng hơn, kích thước của những mạt vàng này cũng to hơn. Phải chăng suối Vàng - dòng suối chảy dài trên sườn núi Bà Đen - chảy qua những nơi có nhiều tảng đá vàng như thế này, nên dưới lòng suối cũng có nhiều cát vàng lấp lánh? Liệu những cục đá vàng này có phải là một phần thân thể của con trâu bằng vàng do “Thượng đế” chôn lắp xuống núi Bà Đen như truyền thuyết? Hay thực tế bên trong lòng núi có một quặng kim loại vàng mà từ trước đến nay chưa được nghiên cứu, khai thác?

Hòn đá mỏ Vịt trên núi Bà Đen

Không chỉ ẩn chứa nhiều điều lý thú mà xung quanh những hang động trên sườn núi còn có nhiều cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đó là tảng đá hình chiếc xe Tăng và hòn đá Mỏ vịt. Tảng đá hình xe Tăng gồm một tảng đá lớn, kích cỡ và hình thù tương tự như một chiếc xe Tăng đang lù lù bò ngang sườn núi. Đặc biệt, dưới tảng đá này là một hang động khá rộng, mát mẻ và kín đáo. Theo lời ông Hợp kể, trong hang động dưới tảng đá xe Tăng này từng là một nơi chứa nhiều đạn pháo như một kho vũ khí. Cạnh tảng đá xe Tăng là hòn đá Mỏ vịt. Hòn đá này gồm một cục đá hình trụ, cao khoảng 1m, đường kính khoảng 0,7m. Trên cục đá hình trụ này có một miếng đá khác, hình dẹp, nằm lệch sang một bên trông giống như phần đầu và mỏ của một chú Vịt. Nhìn từ xa, tác phẩm thiên nhiên này giống như một chú Vịt cồ đang đứng trên sườn núi. 
Theo quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, có nhiều chùa và hang động đang được ngành chức năng khảo sát, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ.

ĐẠI DƯƠNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top