Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Chuyện tình người lúc bão giông

Thứ Sáu 01/01/2021 | 10:20 GMT+7

VHO- Năm 2020 khép lại và là một năm thiên tai liên tiếp ở miền Trung. Khi có độ lùi nhất định những bức tranh ảm đạm của bùn lầy, đá lăn ấy, tôi nhìn thấy lấp lánh tình người, nét văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.

 Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn bộ binh 991 giúp dân sửa chữa nhà sau cơn bão số 9

Ngày đầu năm mới, người viết thường mở những bản nhạc có giai điệu nhẹ nhàng và yêu thích nhất là bản Mùa xuân đầu tiên; Ly rượu mừng. Nhưng đầu năm 2021, giữa những giai điệu đó thì vẫn hiện ra những khoảng lặng trong ký ức chưa xa, đó là ánh mắt ở Trà Leng (Quảng Nam); những tiếng nói xuýt xoa ở xã Phong Xuân (Thừa Thiên Huế); những cái bắt tay ấm nồng ở vùng biển An Cường (Quảng Ngãi). Lúc thiên tai hoạn nạn, ánh mắt, lời nói và cái bắt tay đó rất khác – lắng dịu tình người, như ngọn lửa sưởi ấm, xua đi nỗi đau.

Nhịp điệu tình dân

Tại xã Phong Xuân, huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) vào sáng 14.10, những chiếc xe mang biển số quân đội chạy liên tục trên đường, xe thông tin bật chảo parabol để thu tín hiệu vệ tinh được đặt ngay trung tâm chỉ huy tiền phương là UBND xã Phong Xuân. Trên khắp các nẻo đường, nơi nào cũng có bước chân của chiến sĩ đến tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích, đồng thời thực hiện phương án nâng đập tràn 71 để xe thông tuyến. “Các chú cứ vô nhà ở, bà con sẽ dọn đi nơi khác”, nhiều người dân cứ thấy bóng bộ đội là vẫy tay và nói như vậy.

Ngôi nhà nhỏ của ông Hoàng Phước Đông nằm trước UBND xã Phong Xuân có diện tích chưa tới 50m2, nhưng trong nhà ngổn ngang ba lô, quần áo bộ đội. Các chiến sĩ đến ở nhà dân và ngồi nghe ông Đông kể chuyện về tình hình địa phương, đặc điểm rừng núi. Gia đình ông Đông đề nghị các chiến sĩ nếu không có bếp ăn tập thể thì sẽ sẵn lòng hỗ trợ cho việc nấu cơm như các gia đình khác. Niềm vui của ông Đông nhân đôi, vì nhà có bộ đội ở, còn ông thì vừa thoát chết, vì đêm định mệnh đó rơi vào phiên trực, nhưng người bạn khuyên ông “đừng vào núi”. Còn tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam), con đường xuyên núi dài đến 40 km luôn thấp thoáng những chiếc xe mang biển số quân đội. Càng đi sâu vào núi, cảnh tượng sạt lở, bùn lầy hiện ra càng nhiều. Nhưng rồi, nỗi nhọc nhằn đó trôi đi khi những người lính sống giữa lòng dân. Tại ngôi nhà nằm ở đầu cầu mới Trà Leng, chủ nhà tạo điều kiện ngủ, nghỉ và sinh hoạt cho các huấn luyện viên chó nghiệp vụ của Bộ đội biên phòng thực hiện nhiệm vụ tại đây. Thỉnh thoảng chủ nhà đến thăm hỏi tình hình như những người thân.

Đêm ngủ trong căn nhà nằm sát chân núi, mọi người nhắc nhau “không chừng núi lại sập”. Nói vậy, lo vậy, rồi giấc ngủ cũng chìm sâu sau một ngày lặn lội trong bùn lầy để tham gia tìm kiếm. Khi tổ công tác mới được cử vào để tìm kiếm trên sông cùng với 2 chiếc ca nô cao tốc thì địa điểm cắm trại là nhà của chị Nguyễn Thị Hiền, người dân tộc Ca Dong. Cứ mỗi buổi sáng tinh sương, bếp lửa bên hông nhà lại mù mịt khói và phải rất lâu thì “anh nuôi” mới nhóm được bếp lửa, vì củi ướt nước mưa. Chị Hiền thức dậy từ sáng sớm để nấu ăn cùng với bộ đội. Bữa cơm đầu tiên, trong mâm cơm có thêm món lá rau có vị đắng nhẹ. Chị Hiền cho biết, đó là đu đủ rừng, rau rừng chị hái về cho bộ đội thêm món.

Người viết có mặt tại các điểm sạt lở núi để tác nghiệp và ghi nhận, con đường lầy lội dẫn vào các khu sạt lở ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, mỗi khi thấy bóng áo lính thì người dân luôn dành cho anh em tình cảm nhiệt thành. Nếu bộ đội muốn vượt tuyến đường núi để ra thị trấn mua rau, thịt; nếu phóng viên muốn nhờ xe đi 40 km ra thị trấn Bắc Trà My để gửi tin, bài về tòa soạn thì đều nhận được cái gật đầu cho đi nhờ của cánh tài xế tuyến xe miền núi, cho đến những người dân chạy xe máy.

 Ngôi nhà của ông Hồ Văn Chín ở Trà Leng trở thành nơi đóng quân của Lữ đoàn công binh 270 để tìm kiếm

Dựa lưng chống cuồng phong

Hình ảnh cơn bão số 13 quét qua Philippines và được các trang tin tức quốc tế đưa tin, ở các tỉnh Catanduanes, Camarines Norte, Camarines Sur, núi sạt xuống đường, nhà ngập gần tới nóc, cây đổ ngổn ngang, 53 người chết, 22 người mất tích, thủ đô Manila bị tê liệt. Nhiều người trồng hoa xuân ở miền Trung nhắc đến một cái tết có thể thiếu vắng hoa. Vì bão số 9 gây ra cuồng phong, kéo theo mưa đến ngập úng. Thiệt hại chưa khắc phục xong thì cơn bão số 13 lại tiếp tục đánh bồi.

Tại vùng biển xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), chiều 13.11, nhiều người dân lấy “bửu bối” phòng, chống bão ra để phòng, chống cơn bão mạnh. Ông Huỳnh Ngọc Hùng và vợ buộc dây, lôi tấm lưới phủ lên mái nhà. Đây là loại lưới cước có màu xanh, mắt lưới nhỏ, sợi lớn, giống như lưới ngư dân thường đánh giã cào. Lưới được phủ kín trên nóc nhà, buộc thắt nút và kéo vít xuống mặt đất. Các điểm như viền mái, góc mái đều được thắt nút dây. Ông Hùng cho biết “cột như ri thì bão đi sao cũng ổn hết”. Sau bão chúng tôi trở lại và chứng kiến ngôi nhà không hề sứt mẻ, trong khi những nhà xung quanh đều bay mái tôn, tốc ngói.

Đêm đó, nhiều người già trú bão tại Trường tiểu học Bình An, Trường Mầm non Lộc Vĩnh. Giữa lúc gió rít như tấm giấy nhám đang cọ xát trên những mái tôn thì tại khu vực bờ biển, nhiều người dân vẫn không vào điểm tránh bão, mà lao ra các khu hàng quán để giúp chống đỡ, đưa đồ đạc vào sâu trong xóm. Do mất điện, nên mọi người huy động đèn pin, bình ác quy. Mép nước biển cách khu dân cư hàng trăm mét, nhưng khi bão đang đổ bộ vào thì nước biển ập vào gần các ngôi nhà, nước soi dưới nền các nhà hàng nằm dọc ven biển, khiến nền xi măng nhanh chóng vỡ vụn như chiếc bánh đa. Nhìn hình ảnh đó, chúng tôi chợt nhớ đến cơn bão số 9 có tên quốc tế là Molave ập vào vùng biển Quảng Ngãi. Tối 27.10, từ ngôi nhà cách bờ biển 100 mét, người viết nghe tiếng gió rít lên theo luồng, giống tiếng gió đi qua khe núi mà từng nghe trong lần trèo Fansipan ở Lào Cai cách đây hơn 6 năm về trước. Tiếp đó là tiếng ùng ùng, có sự pha trộn giữa tiếng gió với tiếng lồng của mái tôn.

Khắp xóm làng, những ngôi nhà đóng chặt cửa và thắp ngọn đèn dầu đỏ quạch trước khi rời nhà sang những ngôi nhà kiên cố ở bên cạnh. Chúng tôi chợt nhớ đến việc nhiều tỉnh, thành đang đề xuất việc xây dựng nhà chống bão và Bộ NN&PTNT báo cáo đã xây dựng được 3.450 ngôi nhà cho người dân vùng lũ. Những ngôi nhà đó thường để dự phòng và rất lâu mới sử dụng đến. Nhưng ở các làng biển miền Trung từ Bình Định, đến Quảng Ngãi, Quảng Nam, cứ tới ngày mưa bão thì người dân có nhà kiên cố lại mở rộng cửa để đón người hàng xóm sang trú nhờ. Ngôi nhà mà chúng tôi lưu lại để tác nghiệp là gia đình anh Dương Quang Phúc. Có hơn 40 người dân đang tránh trú bão trong nhà của anh.

Năm mới nhưng vẫn còn khá nhiều hình ảnh cũ còn lưu lại, đó là những ngôi nhà tốc mái, chờ chủ nhà đi làm ăn xa về lợp lại. Lắng đọng trong chúng tôi là hình ảnh những ngôi nhà chật cứng người ngồi trú bão. Họ không trông chờ Nhà nước, không mong nhận hỗ trợ, họ tự giúp nhau bằng lý lẽ lá lành đùm lá rách; ngôi nhà không phải là nơi để dát đá, lót gỗ được đào xới, cưa đẽo từ rừng núi xa xôi mang về. Mà ngôi nhà chỉ đơn thuần là cái tổ nhỏ. Khi hoạn nạn thì tất cả cùng chung chiếc tổ ấm. 

 LÊ VĂN CHƯƠNG

=

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top