Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Vượt khó trong hoạt động đào tạo sáng tác văn học

Chủ Nhật 11/07/2021 | 13:59 GMT+7

VHO- Sáng tác văn học là một ngành đào tạo đặc thù, bởi vậy bên cạnh cơ hội riêng cũng có những khó khăn không nhỏ. Thực tế hoạt động đào tạo Sáng tác văn học tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội đang đối diện với những thách thức lớn đó là số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển và theo học Viết văn ngày một thưa vắng. PV Văn hóa đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Viết văn – Báo chí trường Đại học Văn hóa Hà Nội về vấn đề này.

Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Viết văn – Báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

PV: Với sự thay đổi từ trường thành khoa, với việc, trước đây trường ĐHVH chỉ đào tạo Viết văn thì nay có thêm cả đào tạo báo chí. Vậy công tác tuyển sinh Viết văn, có điểm gì khác và có khác biệt gì so với trước đây không, thưa Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy?

- Do tính chất đặc thù của ngành học hướng tới đối tượng là những người có năng khiếu sáng tác văn chương, có ý hướng trở thành người viết chuyên nghiệp nên đào tạo Viết văn cũng có nhiều điểm khác biệt so với các ngành học khác. Trước hết ở công tác tuyển sinh “đầu vào” của sinh viên Viết văn sẽ không tổ chức thi hoặc xét cùng đợt chung như việc xét tuyển của các trường đại học hiện nay mà tổ chức thi đợt riêng, chia làm 2 vòng: sơ khảo và chung khảo. Vòng sơ khảo chủ yếu đánh giá tác phẩm thí sinh lựa chọn gửi về Hội đồng tuyển sinh theo quy định (bao gồm cả sáng tác đã đăng tải hoặc đã xuất bản). Vòng chung khảo thi trực tiếp tại trường gồm 2 môn năng khiếu (môn 1: Phỏng vấn, môn 2: Sáng tác tác phẩm  tại chỗ) kết hợp điểm môn Ngữ văn. Từ khóa 15 trở về trước môn Ngữ văn thi đề riêng. Từ khóa 16 trở lại đây, điểm môn Ngữ văn căn cứ vào điểm học bạ THPT (là điểm TBC các kỳ học). Cũng do đặc thù là ngành học sáng tạo nên trước đây định kỳ tuyển sinh thường là 2 – 3 năm/khóa. Từ năm 2020 nhà trường thể nghiệm tuyển định kỳ hàng năm.

Có một điểm khác biệt lớn nhất trong công tác tuyển sinh Viết văn từ năm 2018 trở lại đây là: song song với tuyển sinh theo mô hình truyền thống, thực hiện nhiệm vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch về việc triển khai đề án “Đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, nhà trường từng bước xây dựng qui chế và đến năm 2020 chính thức triển khai tổ chức tuyển sinh chương trình đào tạo tài năng Sáng tác văn học dành cho đối tượng là sinh viên (năm 2 hoặc 3) các trường đại học trên toàn quốc. Sinh viên nếu đủ điều kiện đỗ vào lớp tài năng sẽ được thụ hưởng các quyền lợi về đào tạo: miễn học phí, xét học bổng, được học tập và hướng dẫn sáng tác bởi các nhà văn, nhà thơ, nhà NCVH có uy tín trong và ngoài nước, được xem xét cử đi học ở nước ngoài…

PV: Vậy theo bà việc tuyển sinh, rồi đào tạo Viết văn hiện nay có thuận lợi và khó khăn gì ?

- Mỗi khóa tuyển sinh Viết văn, mỗi dịp tổ chức tuyển sinh ở khâu đánh giá, tuyển chọn người học, chúng tôi luôn nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ của đội ngũ các văn nghệ sĩ, nhà NCPBVH có uy tín chuyên môn và kinh nghiệm thực tế trong vai trò giám khảo nên đảm bảo được chất lượng đầu vào. Bên cạnh đó, thông qua nhiều kênh khác nhau, thông tin về ngành học cũng được chia sẻ rộng rãi hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, trong quá trình triển khai đào tạo, trong đó có công tác tuyển sinh, Khoa Viết văn, Báo chí nói riêng và Trường Đại học Văn hóa nói chung luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, hiệu quả của đơn vị chủ quản là Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.

Khó khăn lớn nhất trong công tác tuyển sinh Viết văn hiện nay là số lượng “đầu vào” của thí sinh có xu hướng ngày càng co lại theo từng năm, dẫn tới số học viên đạt yêu cầu được tuyển chọn và theo học ngày càng ít. Tất nhiên việc đào tạo các ngành năng khiếu như Viết văn lâu nay ở cả Việt Nam và thế giới thường theo hướng “quí hồ tinh bất quí hồ đa”, vì vậy chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành học này mỗi đợt cũng chỉ giới hạn trong khoảng trên dưới 20 người. Dù vậy thì trong vài ba khóa trở lại đây thường số lượng thí sinh đăng ký và trúng tuyển không đạt chỉ tiêu như kế hoạch đề ra mặc dù trường và khoa cũng đã cố gắng tìm nhiều biện pháp/cách thức để mở rộng, đa dạng hóa nguồn tuyển (đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá về ngành học; chú ý tới cơ chế đặc thù trong việc đánh giá thí sinh; kết nối với một số cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức để tìm kiếm nguồn tuyển…). Đây là vấn đề chúng tôi luôn trăn trở và tìm cách tháo gỡ xong chưa thực sự cải thiện được tình hình như mong muốn. Theo quan sát và dự báo của tôi, đây vẫn sẽ là một thách thức không nhỏ với cơ sở đào tạo trong thời gian tới.

Khoa Viết văn – Báo chí là đơn vị đào tạo lĩnh vực Sáng tác văn học hơn 40 năm qua

PV: Có ý kiến cho rằng số lượng học viên đạt yêu cầu được tuyển chọn và theo học khá ít, bà đánh giá sao về ý kiến này? Nguyên nhân do đâu?

- Có thể lý giải thực tế này ở một số nguyên nhân cơ bản:

Nguyên nhân khách quan:phần đông thí sinh hiện nay, nhất là học sinh phổ thông do tác động của xu thế xã hội và định hướng của gia đình nên bị hút vào một số ngành học thuộc các lĩnh vực được cho là tiềm năng hơn, trong khi khối ngành thuộc lĩnh vực KHXH&NV, trong đó có văn chương nghệ thuật có xu hướng bị “lép vế” do những lo ngại về “đầu ra”: cơ hội việc làm, mức thu nhập… Hơn nữa, bản thân đặc thù ngành học khiến không ít người cho rằng năng khiếu là của “trời cho” nên không cần/không thể đào tạo. Bản thân Viết văn cũng là ngành học thiên về viết sáng tạo nên mang tính sàng lọc cao. Nếu không đủ đam mê, rất khó kiên trì theo đuổi đến cùng. Thực tế cho thấy có những thí sinh đã trúng tuyển và theo học nhưng sau một thời gian thì bỏ dở giữa chừng dẫn tới tình trạng số người học đã ít lại càng trở nên “thưa vắng” hơn.

Nguyên nhân chủ quan về phía cơ sở đào tạo: việc “co” lại quy mô từ trường xuống khoa, cùng với những thay đổi trong mô hình, cách thức đào tạo như hiện nay (vừa phải đảm bảo theo quy chế chung của Bộ GD&ĐT, vừa phải đặt trong tương quan chung của trường) đã dần hạn chế bớt tính đặc thù cũng như sự linh hoạt cần có của đào tạo Viết văn, đồng nghĩa với việc sức hấp dẫn của ngành học cũng ít nhiều bị giảm sút.

PV:Khoa Viết văn – Báo chí có thống kê về số lượng sinh viên ra trường có việc làm đúng nghề không, nếu có thì tỉ lệ đó khoảng bao nhiêu% so với số lượng đầu vào thưa bà?

- Có một thực tế khá “nan giải” hiện nay thuộc về xu thế xã hội và quan niệm của không ít người viết: Viết văn không được coi là một nghề để mưu sinh. Không ít học viên khi theo học cũng chia sẻ một cách thành thực: họ chọn học Viết văn để thỏa mãn đam mê của bản thân. Tuy nhiên trên thực tế, với năng khiếu và những tri thức, kỹ năng được trang bị trong quá trình học tập theo hướng được phát hiện, bồi dưỡng năng lực viết văn và các năng lực viết sáng tạo khác, lại đặt trong bối cảnh ở Việt Nam chỉ duy nhất ĐHVHHN có ngành đào tạo này nên cơ hội việc làm của sinh viên Viết văn sau khi tốt nghiệp là khá rộng mở: có thể trở thành tác giả/người viết văn chuyên nghiệp; phóng viên, BTV văn hóa văn nghệ; viết kịch bản…tại các hội nghề nghiệp, cơ quan VHNT, Báo chí truyền thông, nhà xuất bản, tổ chức giáo dục...Việc đón nhận những cơ hội việc làm rộng mở và đa dạng như trên, dĩ nhiên, còn phụ thuộc vào lựa chọn và thực lực, thực tài ở mỗi người.

Kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên Viết văn một vài năm trở lại đây cho thấy thực tế: tỉ lệ có việc làm cao (từ 80 - 90%) so với số lượng đầu vào, song tỉ lệ có việc làm đúng ngành đào tạo(theo tiêu chí chuẩn đầu ra ngành học) còn thấp (dao động từ 40-50%). Điều này có nguyên nhân từ quan niệm và xu thế xã hội như đã đề cập ở trên, mặt khác về phía công tác đào tạo là thực tế khó khăn về số lượng nguồn tuyển, dẫn tới ảnh hưởng ít nhiều về chất lượng so với các giai đoạn trước đây; nội dung chương trình đào tạo tuy đã có những thay đổi theo hướng cập nhật, thiết thực xong cũng chưa thật sự đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi nghề nghiệp theo hướng đa năng, chuyên nghiệp hiện nay. Trong thời gian tới, mục tiêu kỳ vọng của trường là nâng cao số lượng, chất lượng nguồn tuyển, cùng với chất lượng đào tạo, sẽ nâng cao tỉ lệ việc làm đúng ngành đào tạo nhằm khai thác tối đa tiềm năng vốn có của ngành học đặc biệt này.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

VŨ MỪNG ( thực hiện)

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top