Khoa học, công tâm và trách nhiệm

VHO- Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật là giải thưởng lớn dành cho những tác phẩm đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng; là sự ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với văn nghệ sĩ, trí thức; động viên, khuyến khích các tài năng tiếp tục cống hiến vì sự phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Khoa học, công tâm và trách nhiệm - Anh 1

Nghệ sĩ Minh Vương (thứ hai từ trái qua) trong buổi lễ đón nhận NSND do Đảng, Nhà nước trao tặng, là một trong những nghệ sĩ được Trung ương xem xét, đặc cách phong tặng NSND vì sự cống hiến của ông trên con đường sân khấu cải lương

Gần 25 năm qua kể từ lần trao giải đầu tiên vào năm 1996, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật đã trải qua 5 đợt với hơn 140 tác phẩm, cụm tác phẩm được trao. Đây thực sự là những tác phẩm vàng mười, không mảy may nghi ngờ.

 Băn khoăn, nếu có thì cũng chỉ là một vế, vì sao tác phẩm của nghệ sĩ A, nghệ sĩ B xứng đáng mà không được xét chọn chứ hiếm thấy giới trong nghề và dư luận đặt vấn đề ngược lại, tác phẩm được trao giải không xứng đáng. Điều đó phần nào đã khẳng định chất lượng của một giải thưởng danh giá nhất của Nhà nước ở lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Tuy nhiên, cũng như bất cứ giải thưởng nào, bên cạnh chất lượng thì cũng phải xem xét đến uy tín. Không ai nghi ngờ chất lượng những tác phẩm đã được trao giải, nhưng liệu còn bỏ sót tác phẩm xứng đáng? Đằng sau đó là sự khoa học của các điều kiện, tiêu chuẩn, sự chuẩn xác và công tâm khi thẩm định. Đây cũng chính là vấn đề được báo chí và dư luận quan tâm trong vòng 5 năm trở lại đây mỗi khi Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước công bố danh sách hồ sơ đủ điều kiện tiếp tục trình lên Hội đồng cấp Nhà nước. Để làm sáng tỏ được vấn đề này, rõ ràng cần được xem ít nhất ở trên ba khía cạnh.

Thứ nhất, tiêu chí về điều kiện và tiêu chuẩn để xét tặng tác phẩm, tác giả đã khoa học và hợp lý chưa?

Đúng là từng có ý kiến nhiều chiều về nội dung này. Tuy nhiên, sau khi báo chí, dư luận và chính người trong cuộc phản ánh một số nội dung còn bất cập tại Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29.9.2014 của Chính phủ về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật, trên tinh thần cầu thị, trong một động thái kịp thời và cần thiết, Bộ VHTTDL đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 133/2018/NĐ-CP ngày 1.10.2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90/2014/NĐ-CP. Những điểm mới của Nghị định 133 như đặt mốc năm 1993 để xem xét tiêu chí về giải thưởng hay như chỉ quy định 80% tổng số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp bỏ phiếu đồng ý, giảm 10% so với Nghị định 90 (Nghị định 133 là Nghị định duy nhất trong số 7 Nghị định về xét tặng các giải thưởng, danh hiệu giảm tỉ lệ phiếu thông qua của các thành viên Hội đồng) và những sửa đổi, bổ sung khác được cho là hợp tình, hợp lý, giải quyết cơ bản những nội dung còn vướng mắc, bất cập trước đây. Dĩ nhiên, không thể cầu toàn, nói như ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng (Bộ VHTTDL) khi trả lời Văn Hoá: “Không có một Nghị định, văn bản pháp lý nào có thể điều chỉnh được toàn diện những vấn đề muôn hình vạn trạng từ thực tiễn, nhưng tôi cho rằng, những sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 133 đã thể hiện sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của giới văn nghệ sĩ, nhà quản lý và dư luận”.

Thứ hai, đã chuẩn xác và công tâm khi thẩm định chưa?

Nội dung này liên quan đến các Hội đồng xét tặng. Trả lời Văn Hoá, TS Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch phụ trách Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, là thành viên các Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước ở đợt xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay khẳng định: “Các Hội đồng luôn quán triệt nguyên tắc làm việc công khai, dân chủ, thể hiện chính kiến thông qua phiếu kín. Các thành viên trong mỗi Hội đồng đều là các chuyên gia đầu ngành, có uy tín và trách nhiệm, do các Hội chuyên ngành VHNT Trung ương đề xuất. Từng Hội đồng làm việc rất chặt chẽ, bài bản, dân chủ và minh bạch, mỗi trường hợp đều được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trước khi bỏ phiếu, tạo điều kiện cho những tác giả, tác phẩm tốt nhất được tôn vinh…”.

Thứ ba, các tác phẩm tham gia giải thưởng.

Chúng ta đều biết, Giải thưởng Hồ Chí Minh cũng như Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật là giải thưởng trao cho các tác phẩm xứng đáng. Nhưng tác phẩm không tách rời tác giả. Những tác phẩm, cụm tác phẩm đặc biệt xuất sắc gắn liền với tác giả (đồng tác giả) có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất chúng. Nhưng chỉ có tài năng thôi thì cũng chưa đủ. Giải thưởng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân có quyền đòi hỏi các văn nghệ sĩ đoạt giải thưởng phải là người tài đức vẹn toàn, xứng đáng với giải thưởng mang danh Người, với "tư tưởng, đạo đức, phong cách" của Người. Đó cũng là điểm mới của Nghị định 133, một trong những điều kiện để tác giả được xét tặng là phải trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt pháp luật Việt Nam…

Đây cũng là nội dung đang làm đau đầu các Hội đồng xét duyệt. Tác phẩm không có vấn đề nhưng bản thân tác giả, nhân thân của tác giả có “vấn đề”, chưa đến mức vi phạm pháp luật nhưng ảnh hưởng không tốt trong dư luận, với Nhân dân thì nên như thế nào?

Đó là chưa nói tới việc không ít chuyện dở khóc, dở cười của các tác giả mà chỉ có thành viên Hội đồng mới thấm. Giả dụ như việc tác giả gửi “nhầm” đối tượng, thể loại để trình xét tặng không phải là hiếm. Gửi phim ca nhạc để trình xét tặng thể loại phim tài liệu; đạo diễn điện ảnh lại gửi phần âm nhạc trong phim để trình xét tặng thể loại kịch múa… hay như một tác giả làm đơn kiến nghị xin “bổ sung” thêm danh sách tác phẩm của mình mặc dù các tác phẩm của tác giả đó đã được các Hội đồng “chốt” và đã được thông qua…

Rõ ràng, để việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật ngày càng chuyên nghiệp, có chất lượng và uy tín, xứng đáng là giải thưởng danh giá nhất của Nhà nước thì cần sự nỗ lực chung. Ngay bản thân các văn nghệ sĩ tham gia giải cũng nên được nhìn nhận trên tinh thần đó. Tôn trọng, tạo điều kiện tối đa nhằm bảo vệ quyền lợi và tôn vinh tài năng, cống hiến của các văn nghệ sĩ nhưng bản thân văn nghệ sĩ cũng phải thấy được trách nhiệm công dân và trách nhiệm nghệ sĩ của mình; tôn trọng Hội đồng, tôn trọng chính những đứa con tinh thần của mình. 

PHAN THANH NAM

Ý kiến bạn đọc