Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Phim kinh dị "made in Vietnam”: Chưa tìm được bản sắc riêng

Thứ Tư 04/08/2021 | 10:16 GMT+7

VHO- Nhắc đến phim kinh dị, đa phần khán giả thường nhớ tới những “bom tấn” mang thương hiệu Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... Dù là thể loại ăn khách, được xem như “gà đẻ trứng vàng” cho doanh thu phòng vé, nhưng phim kinh dị Việt vẫn còn yếu thế và nhạt nhòa so với tiềm năng vốn có.

 “Thất Sơn tâm linh” là một trong những bộ phim kinh dị Việt thành công

 Nhiều tác phẩm điện ảnh nội địa được gắn mác “kinh dị” từng ra rạp, nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay một vài phim ghi điểm.

Nhàm chán, dài dòng

Vốn là thể loại thu hút sự quan tâm của khán giả nếu làm đúng chất... kinh dị, minh chứng là các phim Cô hầu gái, Quả tim máu, Lời nguyền huyết ngải, Đoạt hồn, Thất sơn tâm linh... đã từng làm nóng các rạp chiếu, có doanh thu hàng chục, thậm chí cả trăm tỉ. Xét về yếu tố kỹ thuật như âm thanh, hình ảnh, hóa trang, kỹ xảo, bối cảnh… thì phim kinh dị Việt đã có những bước tiến rất rõ trong vài năm qua. Thế nhưng, “một cánh én không thể làm nên mùa xuân”, khi hàng tá phim kinh dị “made in Vietnam” đã bị “đắp chiếu” sau vài tuần ra rạp.

Dường như giới nghề của chúng ta vẫn chưa tìm được bản sắc riêng cho dòng phim kinh dị của mình, mặc dù đã có nhiều bài học đắt giá trước đó. Từ câu chuyện cho đến những màn hù dọa hay triết lý đều khá cũ kỹ và nhàm chán. Xem các phim kinh dị nội địa ra mắt thời gian qua, khán giả dễ dàng nhận thấy quanh đi quẩn lại các đề tài được khai thác vẫn chỉ là oan hồn, yếu tố tâm linh, những vụ mất tích, cái chết bí ẩn… và những chung cuộc dễ dàng đoán được. Bên cạnh đó, thể loại này ở ta thường có công thức pha trộn quá nhiều các yếu tố ngôn tình, hài hước, hành động, trinh thám xen chút ma quái, ám ảnh… dồn vào một, khiến nội dung phim bị dàn trải, dài dòng và chẳng khác gì một “nồi lẩu thập cẩm”. Có thể kể đến Người bất tử (đạo diễn Victor Vũ), dù nỗ lực đầu tư về bối cảnh, phục trang, âm nhạc, diễn xuất, nhưng phim vẫn còn nhiều lỗ hổng từ khâu kịch bản, nhiều đoạn lúng túng với các câu hỏi không được lý giải đến nơi đến chốn. Phần thoại còn nặng tính giải thích vấn đề khiến người xem có cảm giác lấn cấn, không kết nối cảm xúc dẫn đến kịch tính bị “thoái trào”.

Ở góc độ khác, phim kinh dị chưa “bung” được vì khó qua kiểm duyệt khi tác phẩm liên quan đến bùa ngải, cõi âm, hình ảnh nhạy cảm..., nếu làm không khéo sẽ dẫn đến tuyên truyền mê tín, dị đoan, bạo lực. Khi đến cửa kiểm duyệt, phim dễ bị yêu cầu cắt bỏ hoặc sửa đi sửa lại nhiều lần, cũng vì lẽ đó, nhiều nhà làm phim không dám “mạnh tay” để thực hiện nhiều cảnh phim mới lạ hơn, rùng rợn hơn. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chia sẻ: “Phim kinh dị dễ cũ đi vì bị bó hẹp, nhà làm phim không dám làm điều này điều kia thành ra tự hạn chế. Khi biên độ bị giới hạn, nội dung phim càng trùng lắp”. Có thể kể đến Thất sơn tâm linh, dù được khán giả săn đón, chờ mong, nhưng vẫn phải hoãn ra rạp hai lần vì chưa vượt qua được kiểm duyệt. Thậm chí trailer chỉ vài chục giây của bộ phim dựa trên câu chuyện có thật là những cảnh “nóng” đốt mắt người xem, cùng với đó là cảnh giết người đẫm máu, cảnh thực hiện các nghi lễ hiến tế, thanh tẩy trên cơ thể người trước khi đưa sang thế giới bên kia cũng đã nhanh chóng “bay màu”.

Lung gió mi đến t người tr

Mặc cho những khó khăn, thử thách và cả những thất bại, điện ảnh Việt đã, đang xuất hiện những phim kinh dị nhiều hứa hẹn. Thậm chí, đã có những cuộc thi dành riêng cho dòng phim kinh dị và dần dà tạo được thương hiệu. Đáng chú ý nhất là cuộc thi “Săn tìm đạo diễn phim kinh dị” do Lotte Entertainment Việt Nam, Anh Tễu Studio, SATE và HK Film phối hợp tổ chức, đã thu hút hàng trăm ý tưởng dự thi. Sau hơn 5 tháng tìm kiếm, phát triển, sản xuất, 5 ý tưởng được chọn để làm thành phim ngắn hoàn chỉnh và đều đến từ nhóm đạo diễn trẻ, đó là: Tiếng âm thầm của đạo diễn Lưu Nguyệt Đan Thanh; Người hộ tang của đạo diễn Đỗ Quốc Trung; Hồng y oán của đạo diễn Châu Trần và Phan Hỷ, Nước lặng của đạo diễn Nguyễn Hữu Quốc Tuấn, Lại mà xem của đạo diễn Lê Phương và Nguyễn Phước Hiếu. Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các tác phẩm này được công chiếu trên kênh YouTube MovieOn từ ngày 28.5 và nhận được nhiều sự phản hồi, đánh giá tích cực của khán giả lẫn giới chuyên môn. Điểm chung cả 5 phim đều có nội dung gần gũi, dễ hiểu, có thắt - mở hợp lý, logic và không kém phần ly kỳ, hấp dẫn. Đặc biệt, sự khai thác những truyền thuyết dân gian, văn hóa tâm linh Việt như Hồng y oán, Người hộ tang, Nước lặng đã tạo nên màu sắc phim kinh dị đậm chất Việt, điều mà trước giờ ít có phim nào làm được.

Đặc biệt, mới đây nhất, bộ phim tâm lý kinh dị Người lắng nghe: Lời thì thầm (The Listener) của đạo diễn Khoa Nguyễn đã giành được ba giải thưởng tại Liên hoan Phim Nghệ thuật Quốc tế châu Á (AFAIFF): Giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất thuộc về Oanh Kiều; Lựa chọn đặc biệt (Special Mention) của Ban giám khảo cho Quang Sự (vai bác sĩ Tường Minh, giải Special Mention Actor) và giải Special Mention - Feature Film. Bộ phim dự kiến ra mắt vào tháng 3.2021 nhưng liên tục phải lùi lịch chiếu vì dịch Covid-19 và đến nay vẫn chưa ra rạp tại Việt Nam. Hay phim điện ảnh kinh dị Bóng đè của đạo diễn Lê Văn Kiệt, dù chưa được công chiếu chính thức nhưng đến nay đã có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ mua bản quyền phát hành ở thị trường sở tại. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho ê-kíp làm phim cũng như nền điện ảnh Việt Nam, bởi trước đây, số lượng phim Việt được mua bản quyền phát hành tại nước ngoài còn khá ít, phim kinh dị thì gần như vắng bóng. Đây là phim kinh dị Việt Nam đầu tiên khai thác hiện tượng bóng đè - hiện tượng cho đến giờ vẫn còn nhiều “tồn nghi” và gây nhiều tranh cãi, hứa hẹn sẽ mang đến những bất ngờ và thú vị cho khán giả khi ra rạp.

Sự tán thưởng của giới chuyên môn và sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả cho thấy thị trường phim Việt không thiếu ý tưởng cũng như nhân tài có thể làm tốt thể loại kinh dị. Và thay vì đổ lỗi cho việc kiểm duyệt, các nhà làm phim Việt cũng cần và nên chịu khó đầu tư ở kịch bản, diễn viên, kỹ xảo… để dần khẳng định được thương hiệu phim kinh dị “made in Vietnam”. 

 THO MY

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top