Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Tập trung năng lực điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở tầng 2

Thứ Sáu 17/09/2021 | 10:25 GMT+7

VHO- Trong khi các bệnh nhân Covid-19 nặng ở tầng 3 đang có những tín hiệu mừng thì bệnh nhân Covid-19 ở tầng 2 đang là mối lo lắng. Bởi hiện các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tuyến 2 (tầng 2) phải đối mặt với thiếu cả về nhân lực và trang thiết bị y tế.

 Giai đoạn hiện nay là chăm sóc tốt bệnh nhân ở tuyến 2 để giảm tải cho các Trung tâm Hồi sức tích cực (ảnh chụp tại Bệnh viện dã chiến huyện Bình Chánh. TP.HCM)

Nếu không bảo vệ được tuyến 2 thì bệnh nhân tiến triển nặng nhanh, phải chuyển lên tầng 3 điều trị, cơ hội để cứu sống rất mong manh. Bộ Y tế cho biết, 80% bệnh nhân mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 không có triệu chứng, hoặc nếu có sẽ ở tình trạng rất nhẹ. Nhưng nếu bệnh nhân đã có triệu chứng thì các diễn biến vô cùng nhanh, khó lường, thậm chí có bác sĩ còn ví nhanh đến mức không kịp trở tay.

Rất nhiều bệnh nhân khi mới vào viện vẫn tỉnh táo, trên lâm sàng, tổn thương phổi, bão hòa ô-xy máu giảm đi, bệnh nhân không có cảm giác khó chịu, nhưng cũng không nói trước được điều gì. Vì thế, rất nhiều trường hợp khi nặng nhanh đã không giữ được tính mạng. Thời gian qua, Bộ Y tế tập trung phần lớn nhân lực tinh nhuệ và trang thiết bị hiện đại cho các Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 tại TP.HCM. Và các bệnh viện ở Trung ương “đóng quân” tại đây còn có thêm nhiệm vụ chi viện về mặt chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới. Tuy nhiên, các bệnh viện tuyến 2 vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo các bác sĩ, cơ sở vật chất tại đây không bảo đảm kiểm soát nhiễm khuẩn, chủ yếu được trưng dụng từ các ký túc xá, trường học.... Thiếu nhân lực chuyên hồi sức, không có máy chụp X-quang, không có hệ thống xét nghiệm… là thực trạng ở nhiều bệnh viện dã chiến. Thậm chí, một số nơi vì quá tải nên cho người nhà vào chăm sóc, nhưng những người này không mặc đồ bảo hộ, chỉ đeo khẩu trang, chấp nhận việc mình có thể bị lây nhiễm. Nhiều chuyên gia về truyền nhiễm nhấn mạnh, nguy cơ lây nhiễm rất cao trong khu điều trị chính từ những việc không tuân thủ này. GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, nhiều y, bác sĩ chi viện cho tuyến này nhưng không có chuyên môn về bệnh truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu… Việc đội ngũ bác sĩ tại đây còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, hoặc bác sĩ đông y, da liễu, phụ sản, phục hồi chức năng cũng tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 là tình trạng bất đắc dĩ. Dù đã được tập huấn nhưng họ còn thiếu kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nặng nên không thể tiên lượng và can thiệp kịp thời được hết tình trạng bệnh nhân.

Để tăng cường năng lực cho tuyến 2, các thầy thuốc tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện hữu nghị Việt Đức tại TP.HCM đã phát huy thế mạnh đào tạo, hỗ trợ chuyên môn cũng như chuyển giao các kỹ thuật cao về hồi sức tích cực như lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ... cho các cơ sở y tế của huyện Bình Chánh và quận Bình Tân. Song song với việc hội chẩn các ca bệnh nặng của các bệnh viện các tuyến, các y bác sĩ của Bệnh viện đã đến tận nơi khảo sát tình hình các cơ sở y tế tuyến dưới nhằm san sẻ khó khăn của các đồng nghiệp và góp phần điều trị người bệnh từ đầu, giảm tải cho tuyến trên.

Trong khi đó với Bệnh viện Bạch Mai, một trong những chiến lược khi thành lập Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 tại TP.HCM là ngoài điều trị bệnh nhân nặng còn chi viện về trang thiết bị y tế và cử các bác sĩ, điều dưỡng xuống “cầm tay chỉ việc” cho 10 bệnh viện vệ tinh đang điều trị bệnh nhân ở tầng 2. “Khi các bác sĩ được đào tạo chuyên sâu hơn, được cung cấp đủ thuốc, vật tư thì sẽ cải thiện được tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng”, GS Tuấn khẳng định. Dù khó khăn chồng chất nhưng các y, bác sĩ đều nỗ lực hết sức mình để làm sao giảm thấp nhất trường hợp diễn biến nặng. Nhưng muốn giảm bằng con số thực tế, đòi hỏi phải có một chiến lược. GS Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh: Ở giai đoạn này, thay vì tập trung nhiều người và trang thiết bị vào điều trị tầng 3, chiến lược điều trị tốt là đầu tư, hỗ trợ cho tuyến 2. Ngoài việc phải bảo đảm có những trang thiết bị hỗ trợ cho chẩn đoán lâm sàng để phát hiện yếu tố nguy cơ, cần phải nâng cao chất lượng chuyên môn cho tuyến 2 điều trị.

Theo đó, tại tầng 2, các bệnh nhân khi có triệu chứng nhẹ cần phải được bảo đảm điều trị bằng thuốc kháng virus, sử dụng phương tiện theo dõi thật chặt bệnh nhân. “Tối thiểu tại các cơ sở này là phải có máy chụp X-quang, siêu âm tim phổi, máy đo nồng độ ô-xy… để khi có những diễn biến nặng, phải chuyển ngay bệnh nhân lên tuyến trên mới có cơ hội cấp cứu hồi sức kịp thời. Nếu nặng, khó thở, phổi đã bị tổn thương thì việc chuyển lên tuyến 3 hầu như không làm được gì nữa”, BS Tuấn nói.

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng đề nghị các bệnh viện ở tầng 2, bệnh viện dã chiến cần phải đánh giá lại tổng thể để bảo đảm cơ sở vật chất, bổ sung thêm nhân lực, đào tạo chuyên sâu, bổ sung thuốc men, đặc biệt bảo đảm phòng chống lây nhiễm chéo. 

 QUỲNH HOA

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top