Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

29 Tháng Ba 2024

Quan tâm đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ Hai 27/09/2021 | 16:08 GMT+7

VHO - Trong những năm qua, Đảng và nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt; đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Hệ thống cơ sở hạ tầng KTXH được đầu tư khá đồng bộ; giáo dục, y tế được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo; công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả to lớn, đời sống của nhân dân vùng đồng bào DTTS&MN được nâng lên rõ rệt; kinh tế, xã hội phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ; các dân tộc không phân biệt đa số hay thiểu số, trình độ phát triển cao hay thấp, đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp luật. Điều này đã được thể hiện rõ ràng và tập trung trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030 (CTMTQG).

Với quan điểm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS, tăng cường đồng thuận xã hội để hòa nhập, phát triển cùng với đất nước. CTMTQG là chương trình tổng thể, toàn diện mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm các quyền con người cơ bản cho đồng bào DTTS.

Lễ đóng điện tại bản Tìa Khí, xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu (Ảnh: Trần Tuấn)

Về phạm vi, CTMTQG thực hiện ở địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trong vùng đồng bào DTTS&MN .

Về đối tượng của CTMTQG tập trung vào xã, thôn vùng đồng bào DTTS&MN; hộ gia đình, cá nhân người DTTS; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn ĐBKK. Điều này đã thể hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta phù hợp với nguyên tắc của Công ước CERD về không phân biệt đối xử đối với người DTTS và người thuộc dân tộc đa số mà đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS&MN.

Để đảm bảo các quyền kinh tế cho người dân vùng DTTS&MN, CTMTQG tập trung vào khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển. Với các mục tiêu cụ thể về thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020 (đến năm 2025) và bằng ½ bình quân chung của cả nước (đến năm 2030); Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3% (đến năm 2025) và giảm xuống dưới 10%, cơ bản không còn các xã thôn ĐBKK; 70% số xã vùng đồng bào DTTS&MN đạt chuẩn nông thôn mới (đến năm 2030); 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào;… (đến năm 2025); Trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân (đến năm 2030);… Với 4 nhóm nhiệm vụ giải pháp đầu tiên tập trung vào phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS&MN trên các lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng và thương mại, du lịch, dịch vụ, CTMTQG đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong phát triển kinh tế vùng DTTS&MN một cách bền vững và căn cơ… Việc thực hiện tốt quyền phát triển kinh tế cho người dân vùng DTTS&MN còn tác động tích cực đến việc thực hiện các quyền văn hóa, xã hội, các quyền dân sự chính trị, bảo đảm ổn định vùng phên dậu của đất nước.

Thu hoạch chè búp tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái (Ảnh: Nguyễn Đăng)

Về đảm bảo các quyền tiếp cận giáo dục cho người dân vùng DTTS&MN: CTMTQG đưa ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông viết thạo tiếng phổ thông trên 90% và với nhiệm vụ phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đưa lên đầu tiên trong các nhiệm vụ và giải pháp lĩnh vực xã hội đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong bảo đảm quyền được tiếp cận giáo dục cho người dân vùng DTTS&MN. CTMTQG tập trung: Quy hoạch phát triển hợp lý mạng lưới, quy mô các trường phổ thông dân tộc bán trú, phổ thông dân tộc nội trú và dự bị đại học dân tộc; đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, dự bị đại học dân tộc cho các khu vực: Miền núi phía Bắc; Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; Nam Bộ. Đổi mới phương thức cử tuyển nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS&MN; Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ vững thành quả phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập trung học cơ sở, xóa mù chữ và chống tái mù chữ; Phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vùng đồng bào DTTS&MN; Đầu tư, phát triển cơ sở vật chất trường, lớp các cấp học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; Hoàn thiện và thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người dạy, người học vùng đồng bào DTTS&MN. CTMTQG tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nhân lực và giải quyết việc làm.

Cô và trò điểm trường Tâk Pổ, thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trà Tập và Trường Mẫu giáo Phong Lan (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam)

Chăm sóc sức khỏe và đảm bảo tiếp cận các dịch vụ y tế cho người dân vùng DTTS&MN  đã được cụ thể hóa trong CTMTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTS&MN giai đoạn 2021-2030. Chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe và dân số cho đồng bào DTTS đực thực hiện theo 3 nhóm: Ưu tiên giải quyết các vấn đề sức khỏe của đồng bào DTTS; Tăng cường khả năng tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ y tế, dân số có chất lượng cho đồng bào; Giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và đồng bào DTTS. Trong đó quan tâm thực hiện một số chính sách cụ thể: bảo hiểm y tế; đầu tư cho y tế cơ sở, bệnh viện huyện vùng đồng bào DTTS&MN; chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS sinh con đúng chính sách dân số; chính sách khuyến khích đồng bào DTTS sinh con tại cơ sở y tế xã; chính sách phát triển mạng lưới nhân viên y tế thôn, bản; chính sách phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số tại vùng đồng bào DTTS&MN....

Đầu tư xây dựng và hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ cở y tế kết hợp quân-dân y để khám bệnh, chữa bệnh cho người dân vùng đồng bào DTTS&MN; Tiếp tục quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ chuyên sâu, đặc biệt là cán bộ DTTS người địa phương.

Một buổi khám, cấp phát thuốc miễn phí tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Thu Thảo)

Về đảm bảo các quyền văn hóa: CTMTQG đưa ra mục tiêu đến năm 2025 là bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (CLB) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS ở Việt Nam; huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của các DTTS Việt Nam; Phát triển toàn diện văn hóa DTTS; giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa thông qua bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào DTTS. Xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng đồng bào DTTS&MN. Bảo tồn và phát huy lễ hội truyền thống tốt đẹp của các DTTS, xây dựng, nhân rộng sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch tại các địa phương. Hỗ trợ xây dựng, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ, phát huy vai trò làm chủ về văn hóa của đồng bào DTTS, đặc biệt là đối với các chương trình, hoạt động lễ hội và biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS. Tổ chức hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ đồng bào DTTS. Ưu tiên đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ văn hóa là người DTTS cơ bản đáp ứng được về trình độ, năng lực triển khai các nhiệm vụ ở cơ sở.

Thiếu nữ Khmer với điệu múa truyền thống

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho người DTTS, trong đó có các chính sách bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm cho người DTTS gặp nhiều khó khăn do người DTTS thường sống tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa; số cán bộ, trang thiết bị và kinh phí tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hạn chế. Do đó, CTMTQG còn tập trung vào truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN: Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng đồng bào DTTS&MN; Cung cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí nhằm tăng cường công tác phổ biến thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị vùng đồng bào DTTS&MN, vùng ĐBKK; Xây dựng đội ngũ và tăng cường phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN; Trang bị các phương tiện nghe nhìn hiện đại phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền vận động đồng bào DTTS dành cho các đối tượng đặc thù ở vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn và khu vực biên giới;… Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển KTXH và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN.

CTMTQG cũng đưa ra nhiệm vụ tăng cường hợp tác quốc tế, đối ngoại quân sự, đối ngoại biên phòng, đối ngoại công an với các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc để đấu tranh với các hoạt động ly khai, tự trị dân tộc, vượt biên trái phép; đảm bảo an ninh, trật tự tuyến biên giới; phòng chống tội phạm về ma túy, “buôn bán người”; phòng chống khủng bố...

Phù hợp với thông lệ quốc tế, CTMTQG đưa ra mục tiêu Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030 trong đó các mục tiêu về quyền của người DTTS được chú trọng với 15/17 mục tiêu có liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN.

Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền cho người DTTS. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách của Việt Nam được xây dựng và phù hợp với các quy định trong luật pháp quốc tế. Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực phát triển bảo đảm bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS.

HOÀNG HƯƠNG

Print
Tags:

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top