Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung: Bao giờ mới hết cảnh "ăn nhờ ở đậu"?

VHO- Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung (trực thuộc Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên Huế) đã 12 năm qua vẫn chưa có trụ sở chính thức. Nói cách khác, từ khi thành lập đến nay bảo tàng này và một số bảo tàng ở Thừa Thiên Huế cứ mãi rơi vào cảnh “ăn nhờ ở đậu”.

Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung: Bao giờ mới hết cảnh 

Tham quan không gian trưng bày Bộ mẫu thú quý của Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung

Bà Lê Thị Tố Nga, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung cho biết, bảo tàng được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định thành lập vào năm 2009, là một trong bốn bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực thuộc Hệ thống các Bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam.

Bảo tàng có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, trưng bày, phổ biến kiến thức, giới thiệu và quảng bá một cách đầy đủ và chuyên sâu về các giá trị thiên nhiên của khu vực duyên hải miền Trung gồm 14 tỉnh kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Những năm đầu thành lập, bảo tàng chỉ được bố trí một phòng làm việc tại trụ sở của Sở KHCN. Công tác nghiên cứu và sưu tầm được triển khai nhưng cũng nhỏ lẻ và tự phát. Lúc bấy giờ là sưu tầm các bộ mẫu địa chất - khoáng sản, các mẫu cổ sinh, mẫu gỗ… những bộ mẫu đáp ứng yêu cầu về điều kiện lưu giữ, bảo quản không khắt khe về quy chuẩn. Đến năm 2016, Bảo tàng được bố trí địa điểm làm việc tại tầng 2 của trụ sở Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Và mới đây, vào năm 2020, bảo tàng này mới bắt đầu công tác trưng bày.

Không gian trưng bày hiện vật của Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung chỉ rộng khoảng 180m2, gồm 3 phòng (100m2) và tận dụng thêm khu vực hành lang gần 80m2. Dù không gian nhỏ hẹp, song bảo tàng đã sắp xếp, trưng bày hiện vật một cách tinh tế theo nhiều nội dung hấp dẫn, gồm: Bộ mẫu địa chất - khoáng sản; Bộ mẫu gỗ rừng tỉnh Thừa Thiên Huế; Bộ mẫu côn trùng; Bộ mẫu cá nước ngọt, nước lợ và nước mặn; Bộ mẫu bướm nhân nuôi; Bộ mẫu thú quý hiếm như hổ, sao la, đầu bò tót, sừng mang nhỏ, sừng sao la, chà vá chân nâu, cầy vòi hương, nai và trăn gấm...

Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung: Bao giờ mới hết cảnh 

 Di chuyển hiện vật nặng ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế đến địa điểm mới tại 268 Điện Biên Phủ, TP Huế hồi tháng 5.2020

Năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định số 2234/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/2000) cho Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung tại phường An Tây, TP Huế. Khu quy hoạch được gắn kết với các cụm di tích lịch sử và văn hóa lân cận như Khu chứng tích Chín Hầm, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân và Học viện Phật giáo tại Huế,... tạo thành một quần thể các công trình dịch vụ du lịch, văn hóa thống nhất. Tuy nhiên đến nay, các hạng mục công trình của Khu trung tâm (diện tích hơn 16 ha) theo quy hoạch vẫn chưa được xây dựng. Theo lãnh đạo bảo tàng, hiện nay đơn vị này đang xây dựng “Đề án tổng thể phát triển Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Đây chính là giai đoạn chuyển tiếp cần nhanh chóng triển khai để bảo tàng thực sự đi vào hoạt động đúng chức năng và nhiệm vụ của một bảo tàng thiên nhiên cấp khu vực. Trong đó, kiến nghị tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Khu trung tâm thuộc dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên duyên hải miền Trung.

Cũng có hoàn cảnh tương tự, sau hơn 40 năm Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn đang phải “ở ké” tại di tích Quốc Tử Giám dù trước đó năm 2018, UBND tỉnh đã có chủ trương thực hiện dự án di dời, nâng cấp bảo tàng đến địa điểm mới với kinh phí hơn 14 tỉ đồng (tại số 268 Điện Biên Phủ, TP Huế, vốn là doanh trại của Tiểu đoàn huấn luyện cơ động thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh). Từ tháng 5.2020, bảo tàng thực hiện di dời các hiện vật nặng ngoài trời như máy bay, xe tăng… đến nơi mới, nhiều người dân địa phương đã hy vọng rằng sắp có một trụ sở bảo tàng mới, và trả lại không gian cho di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn để phát huy giá trị. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, công tác sửa chữa, nâng cấp các khu vực hành chính, không gian trưng bày ở 268 Điện Biên Phủ vẫn chưa được thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh cho hay, từ khi di dời các hiện vật ngoài trời đến nơi mới, đơn vị phải bố trí thêm bộ phận làm việc ở đây và hợp đồng thêm với 2 nhân viên bảo vệ để trực ở địa điểm này. Hiện nay, hiện vật ngoài trời và trong nhà trưng bày ở hai địa điểm khác nhau nên tính kết nối chưa thống nhất. “Hiện ngành văn hóa đang xây dựng báo cáo kỹ thuật để cấp có thẩm quyết quyết định mới thực hiện dự án. Tại địa điểm mới có diện tích khuôn viên hơn 7.000m2, chỉ bằng hơn 1/3 so với diện tích của khuôn viên bảo tàng hiện tại, do đó chúng tôi phải tính toán các phương án phù hợp cho không gian trưng bày cả ngoài trời và trong nhà.

Theo thiết kế ban đầu, dự án sẽ sửa chữa, cải tạo và mở rộng khu nhà có sẵn tại 268 Điện Biên Phủ để có không gian trưng bày trong nhà phù hợp; có khu nhà kho bảo quản hiện vật đáp ứng yêu cầu…”, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết. 

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc