Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

28 Tháng Ba 2024

Tự hào văn hóa nguồn cội trong chương trình nghệ thuật Ngày Quốc gia Việt Nam tại EXPO Dubai

Thứ Hai 06/12/2021 | 15:25 GMT+7

VHO - Nghề dệt vải cổ truyền của các dân tộc Việt Nam và vải dệt thủ công giàu họa tiết Thổ cẩm sẽ được kể bằng một hành trình từ cội nguồn đến đương đại, dàn dựng thành một chương trình nghệ thuật trình diễn “Dòng chảy bất tận – The Eternal Flow” tại sân vận động mái vòm Al Wasl (Dubai) - một trong những quảng trường mái vòm 360 độ lớn nhất thế giới có sức chứa khoảng 20.000 người.

Phối cảnh thiết kế sân khấu và không gian biểu diễn chương trình nghệ thuật Eternal Flow tại Quảng trường AL WASL Plaza vào ngày 30.12.2021 trong Triển lãm Thế giới EXPO DUBAI

Các nghề thủ công cổ truyền ở các tộc người Việt rất phong phú và đa dạng. Dân tộc nào cũng đều có hoặc ít hoặc nhiều các nghề thủ công ở các trình độ và quy mô khác nhau, phản ánh một số nét về đặc điểm địa lý tự nhiên - môi trường, kỹ thuật sản xuất và trong một chừng mực nào đó là tư duy thẩm mỹ, trí thông minh, sự sáng tạo của tộc người trong quá trình thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội. Trong các nghề thủ công cổ truyền đóng vai trò quan trọng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của các tộc người và các cộng đồng cư dân, có thể nói nghề dệt, với các phương thức hoặc trồng bông kéo sợi hoặc trồng dâu nuôi tằm, trồng lanh lấy tơ sợi là nghề rất quan trọng. 

Nghề dệt có mặt ở hầu hết mọi nơi và có quá trình lịch sử phát triển rất lâu đời. Qua tài liệu khảo cổ học, với các dấu vết trên đồ gốm, các hình dáng hoa văn trên đồ đồng cho biết, đến thời Hùng Vương nghề dệt đã phát triển. Điều này có ý nghĩa, nghề dệt đã tồn tại gần 3.000 năm trước công nguyên, tương đương với các sử liệu của nghề dệt vải truyền thống của người Trung Quốc. 

Theo các nhà nghiên cứu, vùng bờ bãi phía Bắc Sông Hồngquê hương của Hai Bà Trưng (Hà Nội hiện nay) là một trong những trung tâm nuôi tằm, uơm tơ dệt vải và rất có thể tên gọi Trưng Trắc, Trưng Nhị của Hai Bà là bắt nguồn từ “trứng chắc, trứng nhì’’ theo cách gọi của người nuôi tằm. Làng Cổ Đô (Ba Vì) có nghề dệt lụa nổi tiếng, tương truyền nghề dệt của làng do công chúa Ngọc Hoa, con gái Vua Hùng đến truyền dạy và về sau bà được tôn làm thành hoàng của làng.

Hiện nay chưa có các chứng cứ về khảo cổ để khẳng định nghề dệt của các tộc người Việt đã có từ nền văn minh lúa nước, một nền văn minh cổ đại xuất hiện từ cách đây khoảng 13.000 năm tại vùng đồng bằng sông Dương Tử (Trung Quốc). Tuy nhiên, sự xuất hiện của nền văn minh lúa nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của những nền văn hoá đương thời như Văn hóa Hà Mỗ Độ (ven sông Dương Tử - Trung Quốc ngày nay), Văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Hòa Bình (đồng bằng miền Bắc Việt Nam ngày nay) đã cho thấy bề dày lịch sử của nghề dệt vải cổ truyền của các tộc người Việt có từ thời thượng cổ. 
Trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, các dân tộc Việt vẫn lưu giữ cho đến ngày nay nghề dệt truyền thống đặc trưng và khác biệt. 

Hoa hậu H’Hen Niê chính thức trở thành người đại diện hình ảnh của chương trình nghệ thuật Eternal Flow sẽ diễn ra trong Ngày Quốc gia Việt Nam tại EXPO Dubai

Ở các tộc người khác như Tày, Thái, Mường, Hmông, Dao, Lào, Lự,... ở phía Bắc hay các tộc Chăm, Khơ-me, Ê-đê, Mạ, M’nông, các dân tộc bản địa ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên có nghề trồng bông, nuôi tằm, ươm tơ dệt vải hay trồng lanh dệt vải cũng rất phát triển. Cách đây vài ba thập kỷ, việc dệt vải trong nhiều tộc người thiểu số phổ biến trong mọi gia đình và sản phẩm dệt là thước đo phẩm hạnh của người phụ nữ. 

Trong các sản phẩm dệt, ngoài vải mặc, đáng chú ý là các loại Thổ cẩm – một loại vải dệt hoàn toàn thủ công có họa tiết, hoa văn rực rỡ, đa dạng đã đạt tới trình độ kỹ thuật và nghệ thuật khá cao, nhất là trong bố cục và tạo dáng hoa văn. Có thể thấy các sản phẩm dệt của các dân tộc rất phong phú về kiểu loại, đa dạng về màu sắc, vừa sinh động, vừa mang bản sắc tộc người rõ nét, lại vừa thể hiện sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ trong đời sống các dân tộc. Chính vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu đã coi hoa văn trên các sản phẩm dệt Thổ cẩm chính là nguồn sử liệu quý nghiên cứu về lịch sử tộc người và quan hệ tộc người. 
Nhằm tôn vinh, lưu giữ và truyền bá nghề dệt Thổ cẩm và các sản phẩm làm ra từ Thổ cẩm, UBND tỉnh Đắk Nông đã có 2 lần tổ chức thành công Lễ hội Văn hóa Thổ cẩm Việt Nam. Đặc biệt, năm 2020, Show thời trang Thổ cẩm Hương rừng sắc núi tổ chức trong rừng đã đạt đến đỉnh cao của cảm xúc và truyền cảm hứng yêu mến đến nhiều thế hệ. 

Năm 2021, Việt Nam tham gia Triển lãm Thế giới EXPO tại Dubai, một lần nữa, Thổ cẩm lại được tôn vinh và trở thành điểm nhấn trong hành trình giới thiệu văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới. Ngoài những hoa văn Thổ cẩm xuất hiện trong Ngôi nhà Việt Nam tại Dubai, Bộ VHTTDL - Cục hợp tác quốc tế - UBND tỉnh Đắk Nông và Công ty Tấm và Cám phối hợp thực hiện Ngày Quốc gia Việt Nam (30.12.2021) với điểm nhấn là chương trình nghệ thuật âm nhạc dân tộc kết hợp trình diễn thời trang Thổ cẩm có chủ đề “Dòng chảy bất tận – The Eternal Flow”. 

Truyền thuyến nguồn cội con Rồng cháu Tiên của Việt Nam sẽ được trình diễn bằng hình ảnh lên mái vòm 360 độ lớn nhất thế giới (Al Wasl Dome Mapping Visual)

"Dòng chảy bất tận" kể một câu chuyện hành trình từ cội nguồn đến đương đại qua thủ pháp chắc lọc các chi tiết, dàn dựng thành một chuỗi các tiết mục biểu diễn thời trang của 3 nhà thiết kế Chu La, Vũ Việt Hà và Lý Quí Khánh. Đây chính là cơ hội hiếm có, giới thiệu Thổ cẩm Việt từ cổ đại đến hiện đại và ứng dụng trong cuộc sống đương đại kết hợp trong không gian non nước Việt trên nền hòa nhạc của nhiều nhạc cụ và âm nhạc dân tộc thể hiện bằng phong cách hiện đại. Độc đáo hơn, toàn bộ chương trình nghệ thuật được tiếp nối bằng chuỗi câu chuyện về truyền thuyết nguồn cội con Rồng cháu Tiên trình chiếu bằng công nghệ hình ảnh và âm thanh đỉnh cao trên hệ thống mái vòm 360 độ lớn nhất thế giới (Al Wasl Dome Mapping Visual). 

Chúng ta tự hào trước cơ hội lớn cho Văn hóa Việt Nam trình diễn trước cộng đồng quốc tế, được ghi nhận bởi hơn 200 hãng thông tấn báo chí nước ngoài đang có mặt tại EXPO Dubai sẽ trở thành dấu ấn đậm nét, khắc họa bản sắc hàng ngàn năm còn lưu giữ đến ngày nay.

T.CHUNG-T.TRANG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top