Không nên dùng bóng bay trong ngày khai giảng

VHO - Ngày 5.9, khi kết thúc lễ khai giảng của Trường Tiểu học Yên Phú (huyện Yên Định, Thanh Hoá), nhiều học sinh chạy lên khu vực sân khấu để lấy bóng bay. Lúc này, một người hút thuốc đi qua và không may chạm phải chùm bóng gây nổ, khiến học sinh xung quanh bị bỏng.

Không nên dùng bóng bay trong ngày khai giảng - Anh 1

Bóng bay được thả lên trời trong ngày khai giảng. Ảnh: Thuý Hằng

10 em bị bỏng chủ yếu ở phần cánh tay và mặt. Trong đó, ba học sinh bị nhẹ, sau khi bôi thuốc được về nhà, bảy học sinh còn lại đang được băng bó và chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Định để tiếp tục điều trị.

Thực tế, không phải bây giờ mới có việc bỏng do nổ bóng bay mà đã có nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra. Cụ thể, ngày 13.5.2019, bốn người đàn ông dùng bật lửa gỡ rối một chùm bóng bay có bơm khí hydro đã phải nhập viện do bỏng vùng mặt, cánh tay và bàn tay. Ngày 19.9.2019, các cầu thủ U14 Sông Lam Nghệ An dùng bóng bay che nắng, một người đàn ông dùng bật lửa, chùm bóng phát nổ bốc cháy làm ba cầu thủ bị bỏng.

Ngày 24.5.2022, một học sinh ở Tuyên Quang gỡ chùm bóng bay trang trí, không may bị phát nổ và bốc cháy, nạn nhân bị bỏng độ II, III ở mặt và cánh tay…

Không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khoẻ mà bóng bay còn gây nguy hại cho môi trường vì khi bóng bay lên cao phát nổ rồi rơi vỏ xuống biển. Các sinh vật biển, đặc biệt là loài rùa biển quý hiếm ăn phải vỏ bóng bay và không thể tiêu hoá được, dẫn tới chết.

Hẳn nhiều người còn nhớ câu chuyện xúc động về bức thư của em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh chuẩn bị bước vào lớp 6 Trường Marie Curie Hà Nội của năm 2019, gửi cho thầy Hiệu trưởng. Trong thư, cô bé viết: "Bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì các chú rùa biển, các loài sinh vật nhầm giữa bóng bay và sứa biển. Ruy băng và dây buộc bóng cũng có thể khiến chúng mắc kẹt và chết”.

Cô học sinh cho biết mình và nhiều bạn rất quan tâm đến vấn đề môi trường và đề xuất với thầy Hiệu trưởng: "Trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng, hoặc hạn chế số lượng bóng bay được không ạ?".

Để đáp lại, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie đã đồng ý sẽ không thả bóng bay vào lễ khai giảng năm đó. "Thầy hy vọng việc làm có ý nghĩa tốt đẹp của thầy trò chúng ta sẽ được nhiều nơi hưởng ứng", thầy Nguyễn Xuân Khang viết trong thư cho cô học trò của mình.

Ngay sau đó, câu chuyện đã lan toả và truyền cảm hứng tới ngành Giáo dục cả nước. Bộ GD&ĐT đã có lên tiếng khen ngợi ý tưởng của thầy trò Trường Marie Curie và khuyến khích các trường khác cùng thực hiện. Và từ năm 2019, nhiều trường học đã không dùng bóng bay cho ngày khai giảng.

Nói về độ nguy hiểm của bóng bay, bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết, khi phát nổ, quả bóng bay chứa hydro có thể biến thành quả cầu lửa gây bỏng, chưa kể áp lực tạo ra từ tiếng nổ có sức công phá rất lớn, ngoài gây bỏng và tổn thương đụng dập mô mềm, thì mảnh bóng bay thậm chí có thể xuyên qua cổ họng, có thể làm mù mắt.

Thông thường, để bay lên, bóng thường được bơm khí hydro hoặc heli. Hydro là chất khí nhẹ nhẹ hơn không khí 16 lần, không màu, không mùi, trong suốt, dễ cháy và nổ ngay cả ở điều kiện nhiệt độ và áp suất bình thường. Heli là khí trơ nhẹ hơn không khí 8 lần, không màu, không mùi, không cháy ở nhiệt độ và áp suất bình thường.

“Chính vì khả năng cháy nổ kinh khủng, nên hydro còn được sử dụng làm bom nhiệt hạch, sức công phá mạnh gấp 1000 lần bom nguyên tử. Vì vậy, những quốc gia phát triển đã cấm bơm khí hydro vào bóng bay, mà chỉ được phép bơm khí heli vì khí này không gây cháy nổ như vậy”, bác sĩ Trần Văn Phúc cho hay.

Bác sĩ Phúc cũng cho biết, bóng bay hydro thường phát nổ khi gặp nhiệt độ cao, ví dụ như ngoài trời nắng nóng, bóng đèn nóng trong nhà nhiệt độ cao, hay người hút thuốc lá tàn thuốc bay. Hoặc có thể do đùa nghịch với bóng bay hydro, thậm chí người lớn dùng bóng bay để trêu đùa trẻ em như đập  bóng lên đầu, lên mặt trẻ mà không biết rằng bóng bay chứa Hydro với áp suất tăng đột ngột cũng gây cháy nổ. Ngoài ra bóng bay hydro gặp phải các vật chưa hydrocarbon thơm như có trong vỏ cam, quýt, chanh cũng gây cháy nổ vì chất hydrocarbon thơm lại hoà tan rất tốt cao su, mà bóng bay được làm từ cao su. “Vậy khi nước cam hay chanh ép bắn vào quả bóng bay, chúng sẽ phát nổ, tạo ra một phản lực và đám cháy cực kì nguy hiểm, các thầy cô dạy hoá học phổ thông nên đưa chi tiết này vào bài giảng”, bác sĩ Phúc nói.

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ban hành lệnh cấm bơm hydro vào bóng bay như nhiều nước trên thế giới, trong khi giá hydro chỉ bằng 1/4 giá heli, nên một số người bán bóng bay vẫn bơm hydro vào quả bóng. Bằng mắt thường, không có cách nào phân biệt được bóng bay hydro hay bóng bay heli. Do đó, trước khi cơ quan chức năng ban hành lệnh cấm bán bóng bay bơm khí hydro và kiểm tra các cơ sở bán bóng bay, người tiêu dùng chỉ còn cách trông chờ vào người bán có tâm.

Bên cạnh đó, để có một ngày tựu trường vui vẻ, an toàn, ngành Giáo dục cũng cần ban hành lệnh cấm bóng bay bơm khí hydro  trong ngày khai giảng. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần có những quy định đối với bóng bay hydro như cấm sử dụng ở những nơi đông người, như trên phương tiện giao thông công cộng, trong những bữa tiệc đông người, có đông trẻ em…

“Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch thực hiện”

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc