“Nâng bước em đến trường” cho học sinh vùng biên

VHO- Hàng trăm học sinh nghèo ở vùng biên giới huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã được các chú bộ đội “nâng bước” đến trường. Năm học mới 2023- 2024, những chiến sĩ biên phòng lại đến từng nhà thăm hỏi, động viên và kịp thời hỗ trợ để các em có động lực theo đuổi học tập.

Những ngày này, em Hồ Thị Minh (SN 2008) tại thôn Ka Vá, xã Đông Sơn vui mừng khi có đủ sách vở, đồ dùng học tập để đến lớp cùng với bạn bè trang lứa. Bước vào lớp 10 Trường THCS và THPT Trường Sơn, em Minh còn bỡ ngỡ và lo lắng vì sợ không tiếp tục theo đuổi việc học vì gia đình thuộc diện khó khăn. Tuy nhiên, khi hay tin các chiến sĩ ở Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế) tiếp tục hỗ trợ đến khi hoàn thành hết lớp 12, gia đình em đã nhẹ lòng hơn…

Bố em thường đau ốm, một mình mẹ làm nương rẫy nuôi gia đình nên cuộc sống chật vật, khó nuôi con cái học hành. Cách đây gần 5 năm, em Hồ Thị Minh được Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt nhận hỗ trợ với mức 500.000 đồng/tháng. Thời gian qua, em đã không ngừng phấn đấu học tốt, trở thành học sinh khá, giỏi nhiều năm liền.

“Nâng bước em đến trường” cho học sinh vùng biên - Anh 1

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt thăm hỏi, động viên em Hồ Thị Minh trước thềm năm học mới 2023- 2024

Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, em Minh chia sẻ và tự hứa rằng: Những năm qua, các chú bộ đội đã giúp đỡ cho em mua sắm nhiều sách vở, quần áo, đồ dùng học tập… đã tạo cho em có động lực cố gắng hơn trong việc học. Em sẽ tiếp tục phấn đấu trong những năm học cấp 3 này, giữ thành tích tốt để làm món quà tặng cho các chiến sĩ.

Tại xã Đông Sơn, khu vực có sân bay A So- từng là nơi tập kết chất độc hóa học dioxin của quân đội Mỹ, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Đây là địa bàn vùng biên giới có tỉ lệ hộ nghèo khá lớn của huyện A Lưới, nhiều trường hợp học sinh có nguy cơ phải bỏ học. Nhờ sự “tiếp sức” của lực lượng Bộ đội Biên phòng, các em đã được tiếp tục đến trường ra lớp.

Gia đình em A Viết Thị Ngọc Tuyền (SN 2010) thuộc diện đặc biệt khó khăn, mẹ bỏ đi khi em mới chào đời, bố bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam phải nằm một chỗ suốt 14 năm qua. Gia đình chỉ còn dựa vào bà nội nhưng tuổi cao sức yếu, không có công ăn việc làm, chuyện ăn qua bữa còn khó chứ không dám mơ đến việc học hành. Rất may, các chiến sĩ của Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế) đã dành một phần từ lương của mình để kịp thời hỗ trợ cho em A Viết Thị Ngọc Tuyền để “nâng bước em đến trường”. Với mức 500.000 đồng/tháng, tùy từng thời điểm có thể hỗ trợ bằng nhiều hình thức khác…, em Tuyền đã được hỗ trợ suốt 4 năm qua và chuẩn bị bước vào lớp 7.

“Nâng bước em đến trường” cho học sinh vùng biên - Anh 2

Em Hồ Thị Minh hứa sẽ cố gắng phấn đấu học tập tốt để không phụ sự giúp đỡ của các chú bộ đội

Ông A Viết Phương, bố của em Tuyền, chia sẻ rằng: Nếu không có sự giúp đỡ của các chiến sĩ biên phòng, chắc gia đình cũng cho con gái nghỉ học ở nhà. Chương trình của lực lượng Bộ đội Biên phòng rất có ý nghĩa, đặc biệt với những gia đình khó khăn, để con em có thể đến trường, mở mang kiến thức. Tôi rất cảm kích và tri ân những việc làm ý nghĩa này.

Được biết, trường hợp của em A Viết Thị Ngọc Tuyền do Đội Vận động quần chúng của Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt hỗ trợ. Thiếu tá Phạm Văn Tuấn, Đội trưởng Đội quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt cho biết: Các anh em cán bộ chiến sĩ thường xuyên tìm hiểu, phối hợp cùng với chính quyền địa phương và nhà trường để hỗ trợ cho các em học sinh khó khăn có thêm điều kiện đến trường cùng bạn bè, có thêm kiến thức và tiếp tục với những ước mơ trong tương lại. Sự hỗ trợ không quá lớn nhưng góp phần chia sẻ, giảm gánh nặng cho bố mẹ, gia đình các em, cũng như tạo sức lan tỏa, nuôi dưỡng hoài bão và phấn đấu cho các em.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, chương trình “Nâng bước em đến trường” được đơn vị thực hiện từ năm 2014 tại địa bàn các xã biên giới, vùng sâu vùng xa ở huyện A Lưới; sau đó đã dần được mở rộng triển khai thêm ở các khu vực có các đồn biên phòng đóng, kể cả tuyến biển. Đến nay, sau gần 10 năm, đã có hơn 250 học sinh được nhận hỗ trợ từ chương trình, với nguồn kinh phí gần 3 tỉ đồng do các cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp. Trong năm học này, có 63 học sinh đang được hỗ trợ từ chương trình, và các em sẽ được “tiếp sức” đến khi học xong lớp 12.

“Nâng bước em đến trường” cho học sinh vùng biên - Anh 3

Bộ đội Biên phòng thăm hỏi gia đình em A Viết Thị Ngọc Tuyền, thôn Ka Vá, xã Đông Sơn trước năm học mới

Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh: chương trình “Nâng bước em đến trường” của đơn vị thực hiện gần 10 năm qua đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc, tri ân đồng bào, đặc biệt là ươm mầm cho các cháu trên con đường học tập; qua đó, góp phần bổ sung nguồn nhân lực thôn bản, các địa phương vùng biên giới. Các cháu được chương trình tiếp sức đã rất trưởng thành, đầu tiên khi chương trình triển khai đã góp phần xóa mù chữ ở vùng biên giới, sau đó các cháu phấn đấu học tập tốt, có cháu trở thành cô giáo, y sĩ của thôn bản, thậm chí có cháu phấn đấu trở thành các sĩ quan bộ đội biên phòng để trở về quê hương bảo vệ biên giới. Tình cảm của cán bộ chiến sĩ biên phòng đối với đồng bào khu vực biên giới ngày càng gắn bó, thắt chặt tình quân dân, xây dựng được thế trận lòng dân ngày một vững mạnh.

Những chương trình của Bộ đội Biên phòng nói chung và chương trình “Nâng bước em đến trường” nói riêng có hiệu quả và lan tỏa tích cực ở vùng biên giới. Bà con đã hiểu được “có cái chữ thì có tất cả”, để từ đó góp phần thay đổi nhận thức của đồng bào trong xóa bỏ tập tục lạc hậu, trong canh tác, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, xây dựng và phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới.

“Song song với chương trình mà Bộ đội Biên phòng đang thực hiện, chúng tôi cũng đang triển khai đề án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em đến trường”, số lượng và kinh phí hỗ trợ cho các học sinh khó khăn ở vùng biên giới, vùng sâu vùng xa cũng được nâng lên. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với chặt chẽ với các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành giáo dục; phối hợp tốt giữa nhà trường- gia đình- xã hội để huy động thêm những nguồn lực khác giúp các cháu có thêm nhiều điều kiện tốt hơn cho việc học tập…”- Đại tá Đặng Ngọc Hiệu nói.

Được biết, ngoài chương trình “Nâng bước em đến trường” của Bộ đội Biên phòng nhiều năm qua, thì từ năm 2021, dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em đến trường” của Bộ Quốc phòng cũng đã được triển khai. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 2 năm học qua đã có 271 học sinh ở các địa bàn biên giới, vùng khó khăn được nhận hỗ trợ với mức 7,4 triệu đồng/học sinh/năm học, tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.

Bài, ảnh: SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc