Những thách thức do ngành công nghiệp thuốc lá can thiệp vào kiểm soát thuốc lá toàn cầu

VHO- Mặc dù các công ty thuốc lá gần đây nói nhiều về các sản phẩm “không khói”, ”giảm hại” và sự chuyển dịch từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm mới, nhưng thực chất thuốc lá điếu vẫn giữ vai trò chủ đạo, là nguồn doanh thu lớn nhất.

Tại một hội thảo thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá do Bộ TT-TT và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tổ chức mới đây, Ths.Nguyễn Thị Thu Hương (Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế) cho biết, trước sự gia tăng sử dụng của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhưng doanh số thuốc lá điếu của các công ty thuốc lá toàn cầu có giảm nhưng với tốc độ chậm.

Những thách thức do ngành công nghiệp thuốc lá can thiệp vào kiểm soát thuốc lá toàn cầu - Anh 1

Các sản phẩm thuốc lá mới là thêm sự lựa chọn cho người dùng chứ không phải là giảm hại

Theo đó, các công ty vẫn tiếp tục mở các nhà máy sản xuất thuốc lá điếu, vẫn tiếp tục tiếp thị mạnh, đưa ra các sản phẩm thuốc lá điếu mới; đồng thời vẫn can thiệp cản trở các biện pháp hạn chế quảng cáo thuốc lá điếu. Số liệu từ công ty thuốc lá BAT toàn cầu cho thấy, số lượng thuốc lá điều năm 2022 là 605 tỷ điếu, lớn hơn nhiều so với số điếu thuốc lá nung nóng. Doanh thu cũng đến chủ yếu từ thuốc lá điếu – đạt 25,6 tỉ bảng Anh năm 2022, lớn hơn nhiều tổng doanh thu từ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Trong khi đó, số lượng thuốc lá điếu bán ra toàn cầu của công ty PMI vẫn là 621 tỉ điếu (năm 2022), chỉ giảm nhẹ (0,5%) so với năm 2021. Con số này cũng lớn hơn nhiều số lượng thuốc lá nung nóng hiện tại. Tổng cả hai loại sản phẩm tăng rất mạnh. Kể từ năm 2019 (khi PMI công bố chiến dịch Không khói thuốc) đến năm 2021, công ty này đã bán 1,9 nghìn tỷ điếu thuốc lá. Công ty này cũng tiếp tục xây dựng một nhà máy thuốc lá mới ở Ai Cập, mở thêm nhà máy ở Tanzania và Uzbekistan.

Bên cạnh đó, PMI cũng không ngừng tìm cách cản trở các chính sách y tế nhằm ngăn chặn tác hại của thuốc lá, thúc đẩy các thị trường ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Cụ thể, tài trợ cho một chương trình cản trở Thuỵ Sĩ cấm quảng cáo thuốc lá điếu để bảo vệ thanh thiếu niên. Công ty PMI tổ chức một chương trình xúc tiến sản phẩm Marlboro tới 90 ngàn thanh thiếu niên trong chương trình lễ hội âm nhạc lớn nhất châu Á, có các chương trình quảng cáo quanh trường học ở Indonesia (năm 2020). Năm 2022, Công ty Sampoerna (công ty PMI ở Indonesia) vẫn quảng cáo thuốc lá điếu như giới thiệu nhãn hiệu mới Philip Morris Bold trên tivi và pano quảng cáo

Các chuyên gia khuyến cáo rằng, tương đương với số lượng điếu thuốc lá được bán ra thì lượng nicotine mà người sử dụng trên toàn cầu hít vào cũng tăng lên. Thuốc lá điếu có mức độ gây nghiện lớn hơn.

Những thách thức do ngành công nghiệp thuốc lá can thiệp vào kiểm soát thuốc lá toàn cầu - Anh 2

Quảng cáo thuốc lá thông qua các nền tảng công nghệ để tiếp cận giới trẻ

Đặc biệt, các công ty thuốc lá cũng sử dụng nhiều thủ thuật để giảm tác động của chính sách thuế. Theo 1 báo cáo nghiên cứu chiến lược giá tại 30 quốc gia cho thấy, các công ty  đẩy thuế vào giá theo mức khác nhau giữa các dòng sản phẩm. Ví dụ tăng giá cao hơn tăng thuế ở dòng đắt tiền, tăng giá thấp hơn ở dòng rẻ tiền. Bổ sung thêm sản phẩm ở phân khúc thấp để người hút có thể chuyển sang dòng rẻ hơn mà không giảm/bỏ thuốc. Điều này vừa duy trì nhu cầu, vừa tăng lợi nhuận

Ngoài ra là chính sách phân biệt giá kèm khuyến mại, chiến lược tăng giá từ từ chia nhỏ theo từng giai đoạn, chiến lược giảm số lượng thay vì tăng giá: bán bao nhỏ hơn, giá không đổi. Hoặc thay đổi đặc tính sản phẩm để hưởng mức thuế thấp hơn (nếu quốc gia không áp dụng thuế đồng nhất).

Các chuyên gia cho rằng, mỗi năm có một lượng lớn người trung lưu và người già hút thuốc lá điếu tử vong nên ngành công nghiệp thuốc lá tìm cách tạo ra sản phẩm mới thu hút và tiếp tục tăng số người sử dụng nicotine, bù đắp vào số mất đi. Sản phẩm mới có thể là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, tẩu thuốc lá, xì gà… mang thêm sự lựa chọn cho người dùng (ngoài thuốc lá điếu) chứ không phải là sản phẩm thay thế hay giảm hại mà họ vẫn quảng cáo. Hậu quả là giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá truyền thống cao hơn 3,5 lần so với nhóm không dùng thuốc lá truyền thống.

Tại Việt Nam, giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang tăng lên. Và ngành công nghiệp thuốc lá cũng đang len lỏi quảng cáo, xây dựng hình ảnh, tiếp cận giới trẻ và tạo lập quan hệ dưới nhiều hình thức. Trong đó có việc tham gia vào các chương trình tài trợ, “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” như chương chình: “Tiếp sức đến trường”, các cuộc thi dành cho sinh viên…

Đặc biệt cuộc thi “Battle of minds” về ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp do 1 tập đoàn thuốc lá đa quốc gia tài trợ quảng bá tại nhiều trường ĐH ở Việt Nam. Hay tài trợ cho những sự kiện thu hút giới trẻ trên thế giới như giải đua ô tô công thức 1 (F1); quảng cáo thuốc lá bằng hình ảnh trên các nền tảng phim trực tuyến…

Bà Nguyễn Thị Thu Hương khẳng định, thuốc lá điếu vẫn là mối nguy hại lớn nhất. Thách thức đến từ mối nguy hại của sản phẩm thuốc lá điếu và thuốc lá mới ngày càng lớn. Do đó cần tiếp tục nâng cao nhận thức và thúc đẩy các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, nhất là giới trẻ. Đẩy mạnh cách chính sách giảm cầu như tăng thuế; cấm các sản phẩm thuốc lá mới để ngăn chặn nạn dịch mới.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc