Sinh viên thảo luận về các giải pháp hiệu quả nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc

VHO - Chiều 19.12 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, đã diễn ra buổi thảo luận với chủ đề “Sinh viên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc”. Chương trình nằm trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023- 2028.

Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, Ban Tổ chức triển khai 10 tổ thảo luận, tập trung góp ý vào Báo cáo chính trị của Đại hội và 10 chủ đề trọng tâm của công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam. Đây là cơ hội để các đại biểu được trao đổi, thảo luận, nêu quan điểm, đề xuất giải pháp vì mục tiêu nâng cao công tác Hội và phong trào sinh viên Việt Nam trong nhiệm kỳ tới.

Sinh viên thảo luận về các giải pháp hiệu quả nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc - Anh 1

Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Italia Vũ Thị Bích Diệp chia sẻ về các hoạt động giao lưu văn hoá với nước sở tại

Trong đó, tổ thảo luận số 7 với chủ đề “Sinh viên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc” diễn ra tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, đã thu hút được sự tham gia góp ý kiến của đông đảo sinh viên. Tham dự Tổ thảo luận có chị Nguyễn Thị Thu Vân, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn; anh Vũ Minh Thảo, Phó Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn.

Đại diện sinh viên các trường Đại học trên cả nước, các đại biểu đã sôi nổi nêu lên thực trạng về nhu cầu, sự hiểu biết văn hoá dân tộc và đề xuất giải pháp trong công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị, bản sắc và văn hoá truyền thống dân tộc. Trong đó có các giải pháp trong công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, các nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ của sinh viên; chia sẻ các mô hình hay, cách làm hiệu quả tại đơn vị góp phần giúp sinh viên tiếp cận và yêu thích các giá trị văn hoá truyền thống; những kiến nghị, đề xuất với Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể.

Đến từ Đoàn Thanh niên Học viện Cảnh sát nhân dân (Hà Nội), Nguyễn Lê Việt Hà, Phó Bí thư Liên chi đoàn khoá D47 cho biết, mỗi năm Học viện cho sinh viên đi tham quan thực tế tại các địa chỉ đỏ như Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh… Đây là hoạt động có ý nghĩa vì mỗi địa danh di tích đều gắn liền với những sự kiện, quá trình đấu tranh của dân tộc, qua đó sinh viên có thể tìm hiểu về truyền thống văn hoá, lịch sử của mỗi thời kỳ, mỗi địa phương. Học các bài học lịch sử để thế hệ trẻ thêm hiểu, trân trọng truyền thống, bồi đắp tình yêu nước, nuôi dưỡng tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ.

Sinh viên thảo luận về các giải pháp hiệu quả nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc - Anh 2

Tổ thảo luận số 7 với chủ đề “Sinh viên giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc”

Ở góc độ khác, Nguyễn Thị Uyên, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM đề cập đến vấn đề du nhập văn hoá từ nước ngoài. Theo Uyên, điều này không phải là xấu, không phải sai nhưng có nhiều vấn đề không phù hợp với văn hoá Việt Nam, và nhiều bạn trẻ đôi khi không phân biệt được. Do đó cần tổ chức nhiều hoạt động văn hoá thu hút đông đảo sinh viên tham gia và hướng các bạn quan tâm đến nét đẹp văn hoá Việt Nam.

Đại diện cho sinh viên ở nước ngoài, Vũ Thị Bích Diệp, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Italia mong muốn Trung ương Hội thúc đẩy hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn để các bạn sinh viên khi đi du học có kỹ năng quản lý tốt hơn, tổ chức sự kiện, xây dựng cơ sở dữ liệu… từ đó phát triển Hội lớn mạnh hơn. Để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá Việt, Hội Sinh viên đẩy mạnh việc dạy tiếng Việt cho người Việt thế hệ thứ 2; tổ chức trò chơi dân gian trong nhiều chương trình hoạt động; tổ chức các chương trình giao lưu văn hoá để các bạn mới sang hoà nhập tốt nhất với văn hoá nước sở tại; các cuộc thi lịch sử để nhớ về lịch sử Việt Nam...

Ngoài ra, các ý kiến các đại biểu sinh viên đều cùng quan điểm cho rằng, có hiện tượng sinh viên chưa hiều, khai thác đúng bản sắc văn hoá dân tộc, chưa thấm nhuần về văn hoá. Tuy nhiên thế nào là bản sắc văn hoá, đặc thù của bản sắc văn hoá Việt Nam là gì thì sinh viên chưa có kênh chính thống để tìm hiểu. Chủ yếu là tìm hiểu từ các nguồn khác nhau, trực tiếp hoặc trực tuyến nhưng chưa thể khẳng định thông tin đó có đúng hay không.

Đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả để sinh viên giữ gìn, phát huy huy bản sắc văn hoá dân tộc, các ý kiến tập trung đến việc phải xây dựng chuỗi truyền thông, kênh chính thống của Trung ương Hội Sinh viên để khi cần sinh viên có thể tìm hiểu, đối chiếu. Các chương trình, sự kiện văn hoá hiện nay đa phần là thưởng thức mà thiếu hoạt động để khơi dậy tinh thần tìm hiểu, nghiên cứu, thiếu các cuộc thi, giao lưu, toạ đàm… để sinh viên chủ động tìm hiểu các vấn đề về văn hoá dân tộc. Bên cạnh đó, cần lồng ghép tiêu chí giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong phong trào 5 tốt của các cấp bộ Hội Sinh viên…

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc