“Bệnh” thành tích trong giáo dục lại tái phát (Bài cuối): “Bắt bệnh” được rồi, “chữa chạy” được không?

VHO- Đó là lời tâm huyết của nhà văn Phạm Việt Long trong một bài viết mới tinh về bệnh thành tích trong giáo dục và cũng là nguyện vọng của nhiều chuyên gia trong và ngoài ngành giáo dục.

“Bệnh” thành tích trong giáo dục lại tái phát (Bài cuối): “Bắt bệnh” được rồi, “chữa chạy” được không? - Anh 1

Trong cuộc trò chuyện với Văn Hóa vào chiều qua 20.12 về chủ đề “thành tích” trong giáo dục, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định, căn bệnh này nhiều năm gần đây chưa bao giờ được khắc phục, kể cả khắc phục một cách tương đối. 
Nguyên nhân từ nhiều khái niệm 
Chỉ riêng lĩnh vực thi cử cũng chỉ khắc phục được tý chút sau khi phong trào “hai không” được phát động vào năm 2006. Nhưng cũng chỉ được 2-3 năm gì đó rồi lại đâu vào đấy. Ông Khuyến cho rằng, bệnh thành tích xuất phát từ những tiêu chí đánh giá con người, tập thể không phù hợp với sự đặc thù của ngành giáo dục và không thực chất nên nhiều năm người ta phải chạy theo thành tích, không bỏ được. Muốn bỏ được bệnh thành tích phải hình thành được một “văn hóa chất lượng” mà ta chưa có và có lẽ phải thật quyết liệt, dũng cảm mới có được. 
Ngành giáo dục đã vận dụng từ những tiêu chí chung để đưa ra các tiêu chí đánh giá cho mình và thời gian đã chứng minh là chưa phù hợp. Và khi muốn “chữa” bệnh thành tích thì phải xác định lại những tiêu chí, chuẩn mực phù hợp. Phải đạt đến mức độ bất kể ai trong ngành nếu thấy những tiêu chí những chuẩn mực không phù hợp phải thấy nhức nhối, xấu hổ, day dứt và có quyền phản biện, nhưng ta chưa có thói quen, văn hóa đó. “Mục tiêu của giáo dục đặt ra không phải là những con số lượng hóa về học sinh giỏi, số học sinh lưu ban, tỷ lệ học sinh thi đỗ... mà phải là những con người toàn diện, có nhân cách, sáng tạo, tự chủ và có kỹ năng sống. Có những tiêu chí lượng hóa được nhưng không phải mọi tiêu chí đều lượng hóa được”, ông Khuyến nói. 
Vị chuyên gia giáo dục cũng chia sẻ, từ vài năm nay xuất hiện cụm từ “lấy người học làm trung tâm” hướng tới mục tiêu chung là biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục, quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển hiện nay, người ta dùng khái niệm “người hướng dẫn - Instructor” thay cho khái niệm người thầy (teacher), thầy hướng dẫn phương pháp còn học sinh tự học, tự tìm hiểu, càng lên lớp cao càng phải phát huy tính tự chủ. Còn kiểu dạy học “lấy người thầy làm trung tâm” vẫn tồn tại cho đến ngày nay, trong đó vai trò của người thầy được đặt định quá cao, thầy quyết định mọi điều trên lớp. 
Thầy giảng, trò nghe, thầy cho trò nhận. Từ quan niệm giáo dục như thế, thành tích của người thầy được đề cao, từ các tiêu chí học sinh đạt điểm thế nào, lên lớp bao nhiêu, đỗ tốt nghiệp bao nhiêu phần trăm... Quan niệm đó đã tồn tại phổ biến trong hệ thống giáo dục của ta từ bao năm nay. Nếu chưa đổi mới tư duy ngay từ quan niệm đó thì chưa thể khắc phục được bệnh thành tích. 
Cần chữa chạy khẩn trương bệnh thành tích, phô trương 
Tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục tại kỳ họp vừa qua của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Phan Trọng Nhân phát biểu thẳng thắn, đã đến lúc phải từ bỏ sự cũ kỹ của các phương thức giáo dục và xem xét lại cách thức đánh giá, nhận xét đạo đức hạnh kiểm hiện nay. Chúng ta hãy trả lại cho giáo dục một môi trường vẹn tròn tình yêu thương và luôn được trân quý mà đương nhiên ở đó phải có. Làm sao để có một đội ngũ nhà giáo đủ tâm đức, một thế hệ học sinh tự tin, có phương pháp tư duy độc lập, sáng tạo với khả năng tự nghiên cứu, học tập suốt đời để kết nối với thế giới tri thức bên ngoài. 
Một nguyên lãnh đạo phòng giáo dục của Hà Nội mở lòng, nhiều học sinh thuộc lòng câu hát “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”, nhưng thử hỏi có bao nhiều cán bộ, giáo viên có thể trở thành những người cha, người mẹ của học sinh, truyền dạy cho các em nhân cách, kiến thức, kỹ năng, thúc đẩy các em phát triển toàn diện nhân cách chứ không phải trở thành những cái máy dạy và học. Và trách nhiệm về tình trạng đó trên hết phải là ngành giáo dục! 
Nhà văn Phạm Việt Long trong một bài viết của mình mới đây đã rất thất vọng về những phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khi nói về những vụ giáo viên bạo hành học sinh. “Đọc tin thấy Bộ trưởng “buồn”, tôi cũng buồn cho Bộ trưởng. Lẽ nào, Bộ trưởng chỉ có cảm xúc như những người bình thường, còn không có sự day dứt về trách nhiệm của người đứng đầu ngành GD&ĐT?”, nhà văn Phạm Việt Long bày tỏ quan điểm. 
Chúng tôi cũng xin lấy những lời tâm huyết của nhà văn để kết thúc loạt bài này: “Bộ GD&ĐT cần chữa chạy khẩn trương bệnh thành tích, phô trương. Cần tổng kết, đánh giá lại các phong trào thi đua, các tiêu chuẩn thi đua, sao cho thiết thực, hiệu quả. Tránh đề ra quá nhiều thứ danh hiệu viển vông, khiến đội ngũ giáo viên, các trường phải gồng mình lên “thi đua” mà không đem lại điều bổ ích nào cho xã hội, trái lại phải tìm mọi cách gò ép, kể cả dối trá, để không bị “tụt hậu”. Biết rằng, những căn bệnh của ngành GD&ĐT đã xảy ra từ trước đó rất lâu, nhưng dù sao lãnh đạo ngành vẫn phải chịu trách nhiệm và đặc biệt là phải nhận thức rõ tình hình của ngành, trách nhiệm của bản thân, để hoàn thành sứ mệnh cao cả mà nhân dân đã giao phó”. 

 QUỐC HÙNG 

Ý kiến bạn đọc