Xây dựng môi trường đào tạo báo chí - truyền thông hiện đại, chất lượng

VHO- Tại buổi làm việc với Đại học Huế chiều ngày 13.11, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh cần quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực báo chí, đáp ứng nhu cầu cho công tác báo chí – truyền thông khu vực Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Xây dựng môi trường đào tạo báo chí - truyền thông hiện đại, chất lượng - Anh 1

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc với Đại học Huế

Đại học Huế là Đại học 2 cấp, tiền thân là Viện Đại học Huế, được thành lập năm 1957. Trải qua 66 năm xây dựng và phát triển, Đại học Huế là cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho biết: hiện nay, Đại học Huế có 149 ngành đào tạo đại học, 108 ngành đào tạo thạc sĩ và 55 ngành đào tạo tiến sĩ; 63 chuyên ngành đào tạo bác sĩ chuyên khoa I và II; 12 ngành đào tạo bác sĩ nội trú. Quy mô đào tạo trên 45.000 sinh viên hệ chính quy,  gần 5.000 học viên sau đại học, nghiên cứu sinh, gần 2.000 bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ nội trú. Giai đoạn 2018 - 2023, Đại học Huế đã đào tạo trên 40.000 cử nhân, bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư; khoảng 7.000 thạc sĩ, hơn 200 tiến sĩ và khoảng 6.000 bác sĩ chuyên khoa cấp I, II. Có 9 chương trình liên kết đào tạo đại học và sau đại học với các đối tác Áo, Mỹ, Pháp, Thụy Điển, Belarus, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Phần Lan và Ai-len; trên 10 chương trình đào tạo bằng tiếng Anh...

Xây dựng môi trường đào tạo báo chí - truyền thông hiện đại, chất lượng - Anh 2

Buổi làm việc của đoàn công tác tại Đại học Huế

Có hai đơn vị đào tạo báo chí truyền thông, gồm: Khoa Báo chí truyền thông của Trường Đại học Khoa học Huế và Khoa Quốc tế thuộc Đại học Huế. Trong đó, từ năm 1993 đã bắt đầu triển khai đào tạo bộ môn báo chí tại Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Khoa học Huế (sau này tách thành Khoa Báo chí truyền thông); riêng Khoa Quốc tế đào tạo trình độ đại học ngành Truyền thông đa phương tiện hệ chính quy từ năm 2021. Từ năm 2010 đến nay, Khoa Báo chí truyền thông đã đào tạo hơn 1.500 cử nhân hệ chính quy và phi chính quy, hơn 700 học viên các lớp ngắn hạn, phục vụ hiệu quả cho các cơquan báo chí khu vực Miền Trung và cả nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Đại học Huế trong thời gian qua, biểu dương nỗ lực của đội ngũ quản lý, cán bộ, giảng viên của Đại học Huế và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Đại học Huế cần phát huy tốt hơn nữa các kết quả đã đạt được trong thời gian qua; đặc biệt, ý thức rõ hơn vai trò, sứ mệnh cơ sở đào tạo về khoa học xã hội nhân văn quan trọng, trong đó có đội ngũ cán bộ báo chí, truyền thông của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Đây phải là cơ sở đào tạo trọng yếu để tạo ra nguồn nhân lực báo chí, truyền thông có chất lượng, “tâm sáng, lòng son, bút sắc”. Cần phát huy thế mạnh về bản sắc văn hóa, truyền thống hiếu học để xây dựng đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông cách mạng tâm huyết, yêu nghề, nhạy bén với thời cuộc, giầu tri thức xã hội, có dấu ấn riêng của văn hóa Huế, văn hóa Miền Trung.

Xây dựng môi trường đào tạo báo chí - truyền thông hiện đại, chất lượng - Anh 3

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng hoa chúc mừng Đại học Huế nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11

Chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng hiện đại, bám sát thực tiễn, theo kịp xu thế của truyền thông hiện đại. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực tiễn phong phú, sôi động của lĩnh vực báo chí, truyền thông. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông trên cả nước; với các cơ quan liên quan để tham mưu việc chuẩn hóa khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo chí, truyền thông theo hướng giỏi về nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng.

Công tác tổ chức, quản lý đào tạo, bồi dưỡng theo hướng gắn với nhu cầu của xã hội, bảo đảm sinh viên sau khi ra trường đáp ứng yêu cầu công việc và khả năng tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo. Chú trọng áp dụng phương pháp dạy học tích cực; đa dạng hóa các loại hình kiểm tra, đánh giá bảo đảm tính chính xác, khách quan,  tiếp cận theo chuẩn quốc tế; tạo điều kiện cho sinh viên học tập, trao đổi với chuyên gia nước ngoài. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, tiếp tục giữ vững thương hiệu, trở thành trường đào tạo trọng điểm về báo chí, truyền thông cả nước, là một trong những cơ sở giáo dục đào tạo có chất lượng trong khu vực.

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc