Trường học đã thật sự thân thiện?

VHO- Hình ảnh những học sinh ôm đầu lăn lộn dưới sàn nhà vệ sinh, hành lang lớp học hay co rúm trên bãi trống lổn nhổn gạch đá… để né những cú đấm, đạp, thậm chí là phang bằng mũ bảo hiểm của chính những người được gọi là “bạn học”, khiến không ít người làm cha, làm mẹ thấy bàng hoàng, đau xót.

Những vụ bạo lực học đường mới đây ở Hà Nội, với sự tham gia, chứng kiến và cổ vũ của không ít người cho thấy điều gì?

 Đó là hành vi xâm hại sức khỏe, danh dự của người khác đã không còn thực hiện lén lút, mà diễn ra một cách ngang nhiên, không chỉ một lần mà tái diễn nhiều lần như vụ bạo hành ở Đại Đồng (Thạch Thất). Thế nhưng, hành vi vi phạm của một số em sau khi bị xử lý lại càng nghiêm trọng hơn, chứng tỏ sự “trơ lì” của ý thức, sự vô cảm trước nỗi đau của người khác. Đến lúc này, có thể nói bạo lực học đường không chỉ là những con số đơn lẻ, mà đã trở thành vấn nạn, “nóng” ngay trên diễn đàn Quốc hội. Chúng không chỉ là câu chuyện đâu đó mà đã trở thành những nỗi đau hiện hữu ngay trước mắt chúng ta. Nhưng vì sao tình trạng này không giảm?

Có một thực tế mà ai cũng nhìn thấy, đó là khi một vụ bạo lực học đường xảy ra, nhiều nhà trường có vẻ như đã “thở phào” khi hiện trường vụ việc diễn ra bên ngoài cánh cổng. Nói như vậy để thấy rằng, gốc rễ của vấn đề là các em học sinh chưa được “giáo dục công dân” một cách đến nơi đến chốn. Các tiết học Đạo đức và ngay cả những môn giàu tính nhân văn khác như Văn học, Lịch sử… đơn giản chỉ là việc truyền đạt và tiếp thu kiến thức trong sách vở, để học sinh làm bài đạt yêu cầu. Các em chưa nhận thức được một cách đầy đủ quyền và nghĩa vụ thực sự của con người. Giáo viên thì bận từ việc chuyên môn đến “trăm thứ bà giằn” nên hầu như khó nắm bắt được tâm tư, tình cảm, những bất thường trong “đám học sinh” của mình. Còn hệ thống kiểm tra an ninh, giám sát của nhà trường, như camera, lực lượng bảo vệ… cũng hầu như chưa phát huy được hiệu quả, nên những vụ bạo hành chỉ được phát hiện khi có clip tung lên mạng xã hội.

Gia đình thì yên tâm đóng đủ tiền học cho con, thậm chí vô cùng yên tâm khi chọn được cho con một ngôi trường “điểm”. Mỗi sáng chỉ cần con ra khỏi nhà đúng giờ, buổi tối ngồi vào bàn học, ngày nghỉ đi học thêm để có bảng thành tích cao, chứ ít cha mẹ dành thời gian trò chuyện với con, quan sát những biểu hiện bất thường của con, thậm chí khi con kể về việc bị bắt nạt, có phụ huynh còn coi đó là “việc trêu chọc, chành choẹ nhau là bình thường”. Và hậu quả là nạn nhân của tình trạng bạo lực học đường đã phải sống trong sự cô đơn, trong nỗi sợ hãi, cho đến khi hậu quả trở nên nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Đến đây chúng tôi muốn nhắc lại một chương trình, phong trào rất ý nghĩa, có tính thiết thực cao do Bộ GD&ĐT phát động, là “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong đó xác định học sinh được đảm bảo sự an toàn về thể xác và tinh thần. Không có bạo lực trong nhà trường và ngoài khu vực trường học, cũng như những hiện tượng lăng mạ, sỉ nhục làm tổn thương đến danh dự và lòng tự trọng của học sinh. Phong trào này được triển khai trên cả nước và đã diễn ra trong một thời gian khá dài. Chắc chắn nó vẫn trở thành phong trào thi đua trong toàn ngành. Thế nhưng, sự thân thiện của trường học đang bị đe dọa bởi nạn bạo lực học đường, nó đã, đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sư phạm. Làm gì để trường học thực sự thân thiện, câu hỏi vẫn đang treo lơ lửng… 

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc