Trang bị “vốn liếng văn hóa” về Đờn ca tài tử Nam Bộ cho sinh viên

VHO - Chiều nay 19.1, Trường ĐH Văn Lang phối hợp với các chuyên gia văn hóa dân gian tổ chức sự kiện giới thiệu nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ với chủ đề “Tình tự đất phương Nam”. Hoạt động nhân dịp kỷ niệm 10 năm UNESCO ghi danh Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Chương trình thu hút đông đảo sinh viên, giảng viên trong và ngoài trường tham dự.

Trang bị “vốn liếng văn hóa” về Đờn ca tài tử Nam Bộ cho sinh viên - Anh 1

TS Lê Hồng Phước chia sẻ tại chương trình

TS Nguyễn Đắc Tâm, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường ĐH Văn Lang, Viện trưởng Viện Di sản Văn Lang bày tỏ: Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ từ lâu đã trở thành một phần tinh thần của cộng đồng, giúp mọi người gắn kết, tâm sự và cảm nhận cuộc sống thông qua những bản nhạc đầy ý nghĩa. Điều đặc biệt là Đờn ca tài tử còn là nguồn động lực tinh thần trong lao động và cuộc sống hàng ngày, gắn bó mãi mãi với người dân Nam Bộ qua nhiều thế hệ.

Ở 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ, nghệ thuật Đờn ca tài tử luôn cho thấy một một sức sống bền lâu, lan tỏa khắp các miền quê, thể hiện tâm hồn phóng khoáng, tình yêu quê hương đất nước, con người dân đất phương Nam. Việc bảo tồn và phát triển cũng là phương thức hữu hiệu để phát huy giá trị di sản bền vững.

“Ngày hôm nay, Trường ĐH Văn Lang - một thành viên của Hội Di sản Văn Hóa TP.HCM cùng với Viện Di sản Văn Lang, Viện Đào tạo Văn hoá - Nghệ thuật và Truyền thông tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về Đờn ca tài tử cho những sinh viên của trường nhằm giáo dục kiến thức tổng quát, những ‘vốn liếng văn hóa’, để làm phát triển khả năng lĩnh hội trong tâm trí các em. Và giáo dục di sản như một phần tất yếu và thiết yếu.

Trang bị “vốn liếng văn hóa” về Đờn ca tài tử Nam Bộ cho sinh viên - Anh 2

Chúng ta tự hỏi một sinh viên không nắm vững lịch sử đất nước, địa lý, văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng của quốc gia, vùng đất nơi mình sinh ra, hoàn cảnh xã hội nơi mình đang sống thì anh ta có khác nào “người ngoài hành tinh” trên đất nước mình?

Vì thế, giáo dục di sản nói chung và di sản văn hóa địa phương nói riêng là hết sức cần thiết để hâm nóng tinh thần dân tộc, từ đó sinh viên cảm thấy mình là một phần tử trong cái tổng thể vĩ đại không chỉ của ngôi trường, mà của cộng đồng dân cư, của địa phương và đất nước”, TS Nguyễn Đắc Tâm nhấn mạnh.

Trang bị “vốn liếng văn hóa” về Đờn ca tài tử Nam Bộ cho sinh viên - Anh 3

Nghệ sĩ Hạ Nắng trình diễn các điệu bộ trong trích đoạn cải lương Lục Vân Tiên

Viện trưởng Viện Di sản Văn Lang nhắn nhủ sinh viên: “Chuyên đề về Đờn ca tài tử là món quà tặng các em trong quá trình học tập, qua đây giới thiệu cho các em lịch sử, ý nghĩa, nội dung của một loại hình nghệ thuật hấp dẫn, một tài sản vô hình cần lưu giữ và phát triển. Sau này các em đều nhớ về Đờn ca tài tử như nhớ cái nôi và tiếng ru của mẹ lúc đầu đời. Hãy lưu ý đây chính là một phần trong giáo dục về di sản. Mong các bạn và các em lắng nghe và thưởng thức buổi nói chuyện này”.

Tại chương trình, TS Lê Hồng Phước, nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá, Phó trưởng Khoa Ngữ văn Pháp Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã giới thiệu lịch sử, giá trị Đờn ca tài tử; giới thiệu về loại hình Ca ra bộ của Đờn ca tài tử; diễn giải về lịch sử bài vọng cổ, trình bày về sự ra đời của Cải lương… Cùng với phần diễn giải, TS Phước cũng đã ca thị phạm các bài bản của Đờn ca tài tử; ca thị phạm bài Dạ cổ Hoài lang và các bài vọng cổ, trích đoạn cải lương kinh điển, qua đó nhằm giúp sinh viên hiểu sâu hơn các thể loại âm nhạc dân tộc của Nam Bộ.

Trang bị “vốn liếng văn hóa” về Đờn ca tài tử Nam Bộ cho sinh viên - Anh 4

Biểu diễn đờn bầu trong không gian “Tình tự đất phương Nam”

Thông qua các chia sẻ, TS Lê Hồng Phước nhấn mạnh vai trò quan trọng của lực lượng trẻ trong việc gìn giữ và quảng bá các di sản văn hóa dân tộc. Ông đánh giá cao hoạt động này của Trường ĐH Văn Lang, nó đã góp phần khẳng định quyết tâm của nhà trường trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc theo định hướng quốc gia, trong việc đưa di sản dân tộc gần hơn với người trẻ, giúp họ hiểu và thêm yêu văn hóa Việt.

Chia sẻ về tầm quan trọng của việc đưa các di sản văn hóa phi vật thể UNESCO về Nhà trường, nhà thơ Nguyễn Duy - Viện phó Viện Đào tạo Văn hóa - Nghệ thuật và Truyền thông, Chủ nhiệm CLB Văn hóa Văn Lang cho rằng: “Chương trình không chỉ là nơi nghệ nhân thể hiện các ca khúc âm nhạc đặc trưng mà còn là cơ hội giáo dục cho người trẻ Văn Lang tìm hiểu về nguồn gốc, giá trị và ý nghĩa của văn hóa nghệ thuật. Chương trình giúp sinh viên kết nối với di sản văn hóa của cha ông, nuôi dưỡng tâm hồn trong bối cảnh hội nhập toàn cầu".

Trang bị “vốn liếng văn hóa” về Đờn ca tài tử Nam Bộ cho sinh viên - Anh 5

Nghệ sĩ Hồng Bảo Ngọc trong trích đoạn Đợi Kiều

Tại chương trình lần này, sinh viên và khách mời đã được thưởng thức các tiết mục đặc sắc như: Độc tấu đàn bầu Ru con Nam Bộ; biểu diễn bài ca ra bộ (Lưu Thuỷ Trường); Tân cổ giao duyên Dòng sông quê em; trích đoạn cải lương Lục Vân Tiên; trích đoạn cải lương Đợi Kiều… và các phần thị phạm về ca, đờn của các chuyên gia, nhạc công, diễn viên để sinh viên hiểu thêm về từng loại nhạc cụ và các thể điệu trong Đờn ca tài tử Nam Bộ. 

Chương trình có sự tham gia của nghệ sĩ Hồng Bảo Ngọc, nghệ sĩ Hạ Nắng, các nhạc công, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM),…

Đờn ca tài tử Nam Bộ là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào ngày 5.12.2013, có vùng ảnh hưởng lớn ở 21 tỉnh thành phía Nam. Đờn ca tài tử hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian như hát đối, hò vè của vùng đất Nam Bộ. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc