Hà Nội tổ chức nhiều đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm

VHO - Trong thời gian vừa qua, TP Hà Nội đã tổ chức 3 đoàn thanh kiểm tra hậu kiểm an toàn thực phẩm theo kế hoạch; 2 đoàn kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại bếp ăn tập thể 10 quận, huyện và các đoàn giám sát mô hình điểm về an toàn thực phẩm.

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, đã có 386 cơ sở thực phẩm được thanh tra, hậu kiểm, phát hiện và xử lý vi phạm 75 cơ sở. Lỗi vi phạm chủ yếu là khu vực bếp có côn trùng, động vật gây hại; ghi nhãn sản phẩm không đúng; sản xuất sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe không có giấy chứng nhận GMP, nhãn phụ sản phẩm ghi không đúng, không đủ theo quy định...

Hà Nội tổ chức nhiều đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm - Anh 1

Đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể Trường tiểu học Phương Tú, huyện Ứng Hòa (Hà Nội)

Các đoàn kiểm tra đã lấy 12 mẫu thực phẩm để xét nghiệm tại phòng xét nghiệm, kết quả 9/12 mẫu đạt, 3/12 mẫu không đạt, trong đó có 1 mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe dương tính với chất cấm tadalafil, 1 mẫu giò sống và 2 mẫu chả cá dương tính với hàn the.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội đã tiến hành điều tra, giám sát trường hợp ngộ độc Methanol tại thôn Thanh Vân, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh. Chi cục phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường tiểu học Kim Giang, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân làm 72 người mắc, không có tử vong, nguyên nhân do thực phẩm nhiễm vi sinh vật. Đồng thời, đơn vị này cũng tổ chức truy xuất nguồn gốc thực phẩm (thịt gà) cung cấp cho bếp ăn tập thể của nhà trường có nguồn gốc tại huyện Thường Tín...

Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của thành phố đã kiểm tra, giám sát điều kiện an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm tại bếp ăn tập thể  trường tiểu học thuộc 5 quận, 5 huyện trên địa bàn thành phố và truy xuất nguồn gốc rau củ quả cung cấp cho bếp ăn trường học tại 9 cơ sở.

Trong năm 2022 và 2023, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện trên địa bàn thành phố gồm: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai.

Trong đó có quy định việc kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể trường tiểu học được triển khai đột xuất hoặc định kỳ theo tháng, quý, năm. Nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch này là thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm, bảo đảm 100% các vụ ngộ độc được điều tra xử lý kịp thời, không để tử vong do ngộ độc thực phẩm. Có thể truy xuất nguồn gốc gây ra ngộ độc thực phẩm, cảnh báo kịp thời nguy cơ ô nhiễm của các thực phẩm nghi ngờ.

Cùng với công tác kiểm tra, giám sát, ngành y tế Hà Nội cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống thức ăn đường phố tại 579 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã. Các mô hình điểm được duy trì như: mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm ở 440 xã, phường, thị trấn của 20 quận, huyện, thị xã; mô hình tuyến phố dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố an toàn thực phẩm có kiểm soát (20 tuyến phố/16 quận, huyện); mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học (20 trường tiểu học/10 quận, huyện); mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học cấp tiểu học tại 5 quận, 5 huyện; đánh giá thực trạng an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với bếp ăn tập thể các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất (9 quận, huyện).

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 76.807 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Thời gian qua, ngành y tế Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm và chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.

Tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm là 71.557 cơ sở, trong đó có 62.397 cơ sở đạt (chiếm tỷ lệ 87,2%) và phát hiện 9.157 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt 5.954 cơ sở với số tiền hơn 18,2 tỷ đồng; đồng thời đình chỉ 65 cơ sở và tiêu hủy 124 loại sản phẩm vi phạm của 658 cơ sở.

Trong quá trình thanh kiểm tra, kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục các kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm. Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã nhắc nhở tại chỗ 2.480 cơ sở có những lỗi tồn tại như nhân viên đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với thực phẩm chưa đúng, không cắt móng tay, đeo đồ trang sức khi chế biến thực phẩm.

NGUYÊN KHANG

Ý kiến bạn đọc