Bệnh viện Trung ương Huế được trao giải thưởng Kim cương của Hội Đột quỵ thế giới

VHO - Ngày 3.12, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Hội Đột quỵ thế giới đã trao giải thưởng Diamond (Kim cương) cho Trung tâm Đột quỵ thuộc bệnh viện này.

Giải thưởng Diamond là giải thưởng cao nhất của Hội Đột quỵ thế giới, được xét trao cho các đơn vị đột quỵ và trung tâm đột quỵ thỏa mãn các tiêu chí khắt khe về thời gian cấp cứu, tầm soát nguyên nhân và điều trị dự phòng đột quỵ…

Bệnh viện Trung ương Huế được trao giải thưởng Kim cương của Hội Đột quỵ thế giới - Anh 1

Ứng dụng trang thiết bị hiện đại trong chẩn đoán và điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế

Theo đó, để đạt được giải thưởng này, Trung tâm đột quỵ của Bệnh viện Trung ương Huế phải đạt các tiêu chí về thời gian, như: thời gian từ cửa bệnh viện đến lúc được tiêm thuốc tan cục máu đông chưa tới 30 phút (tiêu chuẩn chung là dưới 60 phút); thời gian đâm kim can thiệp lấy huyết khối nằm trong mức tối ưu; 100% người bệnh nghi đột quỵ đều được chẩn đoán bằng CT hoặc MRI trong vòng 15 phút đầu tiên (trong khi mức tiêu chuẩn là 45 phút). Ngoài ra, tỉ lệ người bệnh đột quỵ được điều trị tái thông hiện nay đã đạt mức hơn 25%; đặc biệt, không có bất kì ca bệnh đột quỵ nào bị bỏ sót hoặc chậm trễ trong quá trình cấp cứu, điều trị và chăm sóc tại bệnh viện…

Đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai và cũng là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên toàn thế giới. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 17 triệu người bị đột quỵ và cứ mỗi 6 giây có 1 người chết vì đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm ước tính có hơn 200.000 ca đột quỵ mới, với hậu quả hơn 11.000 người tử vong và trên 100.000 người bị tàn phế.

Bệnh viện Trung ương Huế được trao giải thưởng Kim cương của Hội Đột quỵ thế giới - Anh 2

Bệnh nhân được điều trị tại Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện Trung ương Huế

GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần, bệnh viện đều có đội cấp cứu đột quỵ hoàn chỉnh trực sẵn sàng, bao gồm bác sĩ chuyên khoa đột quỵ, bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh, bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu, nhóm can thiệp nội mạch lấy huyết khối, bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ và kỹ thuật viên chụp CT, MRI... Với thế mạnh đa chuyên khoa phối hợp khẩn trương, nhịp nhàng, đơn vị có thể lựa chọn phương án điều trị cần thiết, hiệu quả nhất cho những bệnh nhân đột quỵ, đặc biệt các trường hợp cần can thiệp để mang lại kết quả tốt nhất.

Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Huế được thành lập vào năm 2018, là tuyến y tế cao nhất trong lĩnh vực đột quỵ ở khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Mỗi năm, đơn vị này tiếp nhận trên 2.500 bệnh nhân, trong đó có hơn 600 ca bệnh điều trị tiêu sợi huyết, can thiệp cấp cứu đột quỵ và bệnh lý mạch máu não. Hiện nay với sự gia tăng bệnh nhân đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Huế đón một lượng lớn bệnh nhập viện cấp cứu, chuyển viện các ca khó, phức tạp từ tuyến dưới cũng như các tỉnh, thành phố lân cận như: Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam...

S.THÙY

Ý kiến bạn đọc