Học gói bánh ốc cùng đồng bào Ca Dong ở Quảng Nam

VHO - Bánh ốc là món ăn truyền thống không thể thiếu trong những ngày mừng lúa mới, dịp lễ, Tết, cưới hỏi,… của đồng bào Ca Dong ở huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Học gói bánh ốc cùng đồng bào Ca Dong ở Quảng Nam - Anh 1

Đồng bào Ca Dong ở Cao Sơn quây quần gói bánh ốc 

Chiều muộn, sau một ngày lên rẫy, bà con ở làng văn hóa Cao Sơn (xã Trà Sơn, huyện Bắc Trà My) lại rủ nhau đến nhà ông Hồ Thanh Hùng cùng gói bánh ốc để chuẩn bị đãi đoàn khách đến thăm làng. 
Ở nhà ông Hùng, vợ con, cháu chắt đã quây quần trong không gian chuẩn bị nguyên liệu như gạo rẫy, lá dong, dây lạt,…Tranh thủ hướng dẫn thêm cho các bạn nhỏ trong lúc cùng chờ người làng đến gói bánh. Mỗi người một việc, ai cũng mong gói những chiếc bánh ốc ngon nhất, đẹp nhất để mang ra nhà văn hóa làng đãi khách trong bữa cơm tối và cùng thưởng thức múa cồng chiêng.

Học gói bánh ốc cùng đồng bào Ca Dong ở Quảng Nam - Anh 2

Gạo rẫy mới, lá dong, dây lạt là những nguyên liệu không thể thiếu để gói bánh ốc

Ông Hùng cho hay, tục gói bánh ốc thường diễn ra vào dịp tết mùa, đâm trâu và cúng sấm. Người Ca Dong ở Cao Sơn quan niệm rằng khi hết vụ và tổ chức mừng lúa mới nếu đến nhà nào có nhiều bánh ốc thì chứng tỏ rằng vụ mùa đó đã bội thu.
Để được ăn Tết mùa, mỗi gia đình Ca Dong đều làm một mâm cúng để báo và xin thần lúa (Mó pế). Sau khi nghi lễ được tiến hành, phụ nữ trong các gia đình sẽ đem gạo nếp rẫy bỏ vào ống nứa để nướng cơm ống, gói và nấu các loại bánh lá dong như: bánh ốc, bánh dài, bánh dẹp.

Học gói bánh ốc cùng đồng bào Ca Dong ở Quảng Nam - Anh 3

Bánh ốc được gói hoàn toàn từ gạo rẫy mới

Nguyên liệu làm bánh hoàn toàn từ gạo rẫy mới, khi gói bánh, khéo léo cuộn lá thật kín, giữ chặt mép lá cuộn vòng lại thành hình chóp, đổ gạo vào sao cho chặt, đầy rồi  buộc chặt lại bằng dây lạt thành từng chum hoặc có thể riêng lẻ từng bánh. 
Thời gian để nấu bánh chín thường mất khoảng 10 - 12 giờ đồng hồ. Mỗi dịp tổ chức gói bánh ốc, người trong làng lại quần tụ ở từng nhà để gói, nấu và hàn huyên suốt đêm canh cho lửa vừa đượm, chờ bánh chín. Gói xong nhà này lại sang phụ gói cho nhà khác. 
Muốn làm được bánh ngon, nguyên liệu chọn lựa kỹ càng, hoàn toàn là gạo rẫy mới thu hoạch, giã, đãi sạch rồi ngâm vài tiếng đồng hồ, lá gói bánh tìm trên rừng phải vừa đủ độ lớn, không quá non cũng không quá già thì khi luộc chín, chiếc mới có màu vàng, lá gói bánh bên ngoài vẫn còn màu xanh ngả vàng đẹp mắt, có mùi thơm hòa quyện của gạo rẫy mới và lá dong. 
Khi ăn, khéo léo bóc từng lớp lá ra, bánh ăn kèm với muối mè tạo hương vị đặc trưng của món bánh truyền thống, mộc mạc, giản dị như chính cách sống của bà con, tạo nên nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Ca Dong nơi đây. 

Học gói bánh ốc cùng đồng bào Ca Dong ở Quảng Nam - Anh 4

Khéo léo tạo hình lá rồi đổ đầy gạo vào gói lá

Ông Hùng vừa hào hứng chỉ vẽ cho khách cách gói bánh ốc, vừa kể cho khách nghe về những phong tục, nếp sinh hoạt, ẩm thực đặc trưng của đồng bào Ca Dong. 
Một trong những lễ hội truyền thống của đồng bào Ca Dong ở huyện Bắc Trà My được nhiều du khách yêu thích muốn trải nghiệm, khám phá chính là Tết mùa. Tết mùa, theo tiếng Ca Dong là “pai - ố” (Pai là nấu rượu; Ố là uống) là cái Tết cổ truyền lớn nhất để đồng bào Ca Dong bày tỏ lòng thành kính với trời, đất, thần linh, ông bà, là dịp để gia đình, làng xóm sum họp, chia sẻ những chuyện vui buồn trong năm. Tùy vào mùa vụ lúa rẫy trong năm được mùa hay mất mùa mà người Ca Dong ăn Tết mùa to hay nhỏ. Như cách nhìn vào món bánh ốc, nhà nào được mùa, mâm bánh ốc đầy ắp, viên mãn. 

Học gói bánh ốc cùng đồng bào Ca Dong ở Quảng Nam - Anh 5

Bánh ốc là món ăn không thể thiếu trong những dịp tết mùa, lễ hội của người Ca Dong

"Đã thành phong tục, mỗi khi thu hoạch mùa màng xong, vào những dịp tết mùa, lễ đâm trâu và cúng sấm,  lễ hội mừng mùa màng bội, hay nhà nào trong làng có việc, có khách quý, cả làng cùng tập trung gói bánh, trò chuyện, ăn uống, nhảy múa các điệu truyền thống để giao lưu với nhau”, ông Hùng chia sẻ. 

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc