Đưa du lịch ẩm thực thành mục tiêu phát triển công nghiệp văn hoá của Hà Nội

VHO - Tọa đàm “Phát huy nguồn nhân lực – phát triển văn hóa ẩm thực trên địa bàn thành phố Hà Nội” diễn ra chiều 2.12, trong khuôn khổ Lễ hội Văn hoá Ẩm thực Hà Nội 2023, do Sở VHTT Hà Nội tổ chức đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển, khai thác thế mạnh của ẩm thực Hà Nội. Trong đó, các chuyên gia lưu ý, cần hướng đến làm foodtour nhưng cần gắn kết di sản du lịch ẩm thực để tạo dựng sản phẩm du lịch Thủ đô.

Đưa du lịch ẩm thực thành mục tiêu phát triển công nghiệp văn hoá của Hà Nội - Anh 1

Toạ đàm diễn ra 2 chủ đề chính: “Đại sứ văn hóa ẩm thực Hà Nội: Chủ nhân và thực khách” và “Tinh hoa văn hóa ẩm thực Hà Nội: Hướng tới công nghiệp văn hóa”.

Ẩm thực Hà Nội xưa nay nổi tiếng với những món ăn, đặc sản như nem, cốm, phở; bún ốc, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, giò chả Ước Lễ, giò chả Chèm - Vẽ…

Hà Nội cũng có những tuyến phố ẩm thực được nhiều người biết đến như Tạ Hiện, Mã Mây, Đồng Xuân, Cầu Gỗ, Cấm Chỉ, Tống Duy Tân…, với danh mục đặc sản vô cùng đa dạng. 

Tuy nhiên, việc khai thác ẩm thực trong phát triển công nghiệp văn hoá chưa xứng với tiềm năng. Còn nhiều vấn đề đặt ra để phát huy những giá trị ẩm thực Hà thành. Trong đó có vấn đề nhân lực, cụ thể là vai trò của những nghệ nhân, những đầu bếp trong lưu giữ, trao truyền để mỗi người dân, khách du lịch hiểu được nét đẹp, thưởng thức những nét đẹp của ẩm thực Hà thành.

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng Hà Nội cần có nhận thức trong việc định vị, xây dựng kế hoạch khai thác, đầu tư phát triển ẩm thực xứng tầm. Cụ thể, Hà Nội cân có các tuyến phố ẩm thực, tuyến phố ăn đêm trong khu vực phố cổ, phố cũ, khu đô thị; Tạo dựng không gian và chuỗi các nhà hàng ẩm thực xung quanh hồ Tây.

Đưa du lịch ẩm thực thành mục tiêu phát triển công nghiệp văn hoá của Hà Nội - Anh 2

Tống Duy Tân là con phố ẩm thực của Hà Nội, tuy nhiên vẫn chưa thực sự khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của ẩm thực Thủ đô trong thu hút du khách

PGS.TS Phạm Quỳnh Phương, Trưởng Bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo Khoa các các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Du lịch ẩm thực là xu hướng, đặc biệt là những món ăn là di sản, là truyền trao qua thế hệ, qua tri thức dân gian. Ẩm thực có đóng góp quan trọng vào công nghiệp văn hoá và đóng góp vào các ngành khác như thời trang, tương tác với lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp văn hoá”.

Còn theo TS Đặng Phương Anh, giảng viên khoa Du lịch học (Trường Đại học KHXH & NV): “Ăn uống là dịch vụ thiêt yếu không thể thiếu trong tạo dựng sản phẩm du lịch. Khách du lịch không chỉ no mà ăn để hiểu, ăn để khám phá hay ăn để yêu. Ẩm thực đưa vào du lịch không chỉ đưa vào món ăn mà còn có không gian, tương tác với không gian đó. Nên cách làm thế nào để lồng ghép ẩm thực địa phương vào tour tổng hợp. Nhiều địa phương tổ chức 1, 2 khu phố ẩm thực để khách trải nghiệm văn hóa ẩm thực. Hà Nội nên làm theo foodtour nhưng vì Hà Nội hội tụ tinh hoa ẩm thực nên chúng ta nên làm loại hình di sản du lịch ẩm thực để tạo dựng sản phẩm du lịch Thủ đô”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát huy được thế mạnh này, Hà Nội cần quan tâm đến nhân lực ngành ẩm thực, các điều kiện về hành lang pháp lý cũng như nét văn hóa riêng biệt… để tạo dấu ấn cho du khách trong nước và quốc tế.

PHƯƠNG HÀ

Ý kiến bạn đọc