Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh: Nói dễ nhưng làm không dễ

Thứ Tư 05/06/2019 | 09:12 GMT+7

VHO- Nhiều ý kiến tỏ ra bi quan về văn hóa Hà Nội. Nhà hàng, quán ăn mặc sức “bún chửi, cháo chửi” khi phục vụ “thượng đế”; chủ nhà hàng sẵn sàng chửi bới, đốt vía khách hàng; người với người dễ dàng xô xát chỉ vì xích mích vô cùng nhỏ; các fan có thể quỳ sụp trước thần tượng nhưng lại không biết nói lời xin lỗi, cảm ơn…

 Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội có nguy cơ bị xô đổ, khiến cho nỗi lo xây dựng những chuẩn mực ứng xử thanh lịch, văn minh cho người Thủ đô có thể chỉ dừng lại như mục tiêu... trên giấy. Không ít câu chuyện về sự giằng co các giá trị xưa-nay trong văn hóa ứng xử của người Hà Nội đã được đưa ra tại hội thảo “Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030” mới diễn ra tại Hà Nội.

“Bây giờ phức tạp nhường nào...”

Theo GS.TS Lê Hồng Lý, Viện Nghiên cứu văn hóa, Hà Nội từ sau khi mở rộng địa giới hành chính, người dân ở bốn xứ Đông, Nam, Đoài, Bắc nhập về thành phố, để Hà Nội giờ đây có cả người Dao, người Mường. Hà Nội cũng có những làng Tây, làng Hàn Quốc hay các cộng đồng dân cư Âu, Á khác. “Đủ để thấy Hà Nội bây giờ phong phú, nhưng phức tạp nhường nào. Chính vì vậy, không thể hỏi lối sống như cái thời Hà Nội được khuôn lại trong “Nhị Hà quanh Bắc sang Đông, Kim Ngưu Tô Lịch là sông bên này”...”, ông nói.

Bất kể giai đoạn dịch chuyển nào, theo các chuyên gia đều có những biến động về văn hóa. Đầu thế kỷ XX, khi có sự du nhập của văn hóa phương Tây, nhiều người cũng lo ngại văn hóa dân tộc cũng sẽ bị xô đổ, nhưng điều đó không xảy ra. Trải qua nhiều vật lộn, sàng lọc để chung đúc ra các giá trị thanh lịch của người Kẻ Chợ. Đến ngày nay, cách đi đứng, ăn nói, ứng xử chỗ đông người, kính trên nhường dưới… của người Kẻ Chợ vẫn là điểm sáng về sự thanh lịch của người Tràng An. Nói về sự giao thoa thanh lịch truyền thống với văn minh hiện đại trong nếp sống người Hà Nội hôm nay, GS Lê Hồng Lý cho rằng, điều khác biệt với truyền thống là nếu trước đây Hà Nội trầm mặc, tĩnh tại hơn, chậm rãi, ung dung và tự tại hơn thì ngày nay, nhịp sống nhanh hơn, áp lực hơn. Những thông tin đa chiều tác động không nhỏ đến đời sống Hà Nội. Những giá trị thanh lịch truyền thống của Hà Nội bị mai một, khỏa lấp. Cuộc sống bề bộn, gấp gáp của kinh tế thị trường một mặt mở ra nhiều cơ hội làm ăn, sáng tạo cho người dân, song lại lấy đi của họ sự bình thản, tĩnh lặng, sự chiêm nghiệm, suy tư trước đây. Do vậy, nhiều người, nhất là những người lớn tuổi cảm thấy nét thanh lịch truyền thống xưa đã không còn.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội điểm lại những việc không đẹp mắt thường được bắt gặp đâu đó trên đường phố Hà Nội: Đeo bám người nước ngoài để bán hàng, ăn xin; hành vi lệch chuẩn nơi công cộng; chen lấn, vứt rác bừa bãi, đua xe trái phép, tệ nạn xã hội... “Chúng ta còn không vui khi có ai đó cục cằn thô lỗ, không xin lỗi khi mắc lỗi, không cảm ơn khi được giúp đỡ, không hổ thẹn, cắn rứt lương tâm khi trót làm việc sai trái. Cách ứng xử thanh lịch đang có chiều hướng mai một là điều phải hết sức chú ý để có các biện pháp ngăn chặn, khắc phục...”, PGS Nguyễn Chí Mỳ nhấn mạnh.

Điều chỉnh những “cú sốc văn hóa”

Theo GS Lý, thời gian gần đây là giai đoạn có nhiều cú sốc văn hóa, nhiều điều chưa đẹp, xô bồ, lộn xộn..., song chắc chắn sẽ dần dần được điều chỉnh để định hình một sự thanh lịch mới của Hà Nội. Sự thanh lịch đó không còn đúng như thời của Phạm Đình Hổ, của Hoàng Đạo Thúy hay những năm sau đó, mà sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với lối sống hiện đại hôm nay.

Hơn 10 năm cho một chặng đường để Hà Nội chú trọng đề ra mục tiêu, chương trình xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Trên con đường đó, nhiều người vẫn nhớ về người Tràng An một thời: “Yêu văn, yêu hoa, sành mỹ thuật, ăn mặc đơn sơ và trang nhã, dễ hòa hợp với bà con phường, xóm; ghét cay ghét đắng những chuyện tục tằn kệch cỡm”, nhà văn Hoàng Đạo Thúy viết trong cuốn “Hà Nội thanh lịch”. Giao thoa thanh lịch truyền thống với văn minh hiện đại trong nếp sống của người Hà Nội hôm nay, theo các chuyên gia, đó là tất yếu của quá trình phát triển. Suy đến cùng, làm gì chăng nữa thì những cụm từ “thanh lịch, văn minh” ấy cần đi vào nếp sống, nếp suy nghĩ của từng người trên cương vị của họ. Người buôn bán thì nếp thanh lịch ở lời chào hỏi người mua, là thái độ niềm nở với khách hàng. Dịch vụ du lịch thì sự thân thiện, chân thành và thái độ tôn trọng, trung thực sẽ tạo niềm tin để du khách muốn trở lại nhiều lần... Theo GS Lê Hồng Lý, những thái độ đó phải được thể hiện từ những hành động, công việc nhỏ nhất, không đao to búa lớn, không cố gắng thể hiện bản thân.

Nhìn nhận những vấn đề đặt ra đối với phát triển văn hóa Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa tương xứng với yêu cầu phát triển, chưa hình thành được hệ giá trị nhân cách với các chuẩn mực rõ ràng về đạo đức, lối sống của người Hà Nội, chưa tạo được chuyển biến rõ nét về văn hóa ứng xử của người dân. Quy tắc ứng xử đã được Hà Nội triển khai thực hiện hai năm nhưng vẫn còn những vi phạm của cán bộ, công chức trong ứng xử với đồng nghiệp và nhân dân, gây bức xúc trong dư luận. Ứng xử của một bộ phận người dân trong gia đình và nơi công cộng chưa có chuyển biến tích cực...

Một cách đơn giản hơn, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ cho rằng, để xứng đáng là người Hà Nội thanh lịch thì trong tự thân mỗi người, từ trong cách làm, cách ăn nói, ăn mặc, ăn ở, ăn chơi, ăn uống, ăn diện..., tất cả đều phải uyển chuyển. “Rất diện nhưng không phô trương, cẩn thận nhưng không cầu kỳ, kín đáo mà vẫn ấn tượng”. Người Hà Nội luôn tự hào về nét thanh lịch của mình và coi đó như một hình ảnh đặc trưng riêng của con người đất kinh kỳ. 

PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top