Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Vụ HS tử vong vì bị bỏ quên trên xe buýt, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc: Rất tiếc lãnh đạo Bộ GD&ĐT không có mặt

Thứ Sáu 09/08/2019 | 10:46 GMT+7

VHO- Sau vụ việc một HS tử vong vì bị bỏ quên trên xe buýt, hàng loạt những bất cập về pháp luật đối với hệ thống các trường mang danh là “trường quốc tế” đã khiến dư luận không khỏi giật mình.

Biển hiệu của trường Gateway đều ghi: Gateway International School (Trường quốc tế Gateway)

Vụ việc đau lòng xảy ra tại trường tiểu học Gateway có mức học phí gần 120 triệu đồng/năm, được quảng cáo có tiêu chuẩn quốc tế như chương trình giảng dạy tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Tên trường này được đính kèm với chữ “quốc tế” làm cho nhiều phụ huynh xem đây là một môi trường đào tạo chất lượng.

Trường quốc tế có thật là… Quốc tế?

Sáng qua, 8.8, phóng viên Văn Hóa đã liên hệ với nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc. Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc chia sẻ, ông rất tiếc khi lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã không có mặt tại trường Gateway để trực tiếp có ý kiến chỉ đạo giải quyết sau khi vụ việc xảy ra trong khi rất nhiều người mong muốn họ có mặt ở đó. “Việc cấp phép thành lập các trường loại này đã được phân cấp cho các địa phương nhưng ít nhất Bộ GD&ĐT phải giám sát thực hiện các quy định. Trong vụ việc này, lẽ ra Thanh tra Bộ GD&ĐT phải có mặt để thanh, kiểm tra xem trường có vi phạm gì không trong phạm vi trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, nhưng họ đã không đến”, ông Hạc nói.

Đừng vội vàng đổ lỗi cho những quy trình, quy định, chẳng hạn như quy trình đưa đón học sinh bằng xe buýt chẳng hạn. Chính cháu ông cũng học tại một trường tạm gọi là “chất lượng cao” khá nổi tiếng, được đưa đón bằng xe buýt rất chu đáo. “Người bảo mẫu đếm kĩ số học sinh lên xe và xuống xe, giao tận tay giáo viên khi tới trường và tận tay phụ huynh khi về nhà chứ không thả các cháu tự vào trường hay tự xuống xe về nhà”, GS Hạc nói…

Rõ ràng, khái niệm “trường quốc tế” hiện tại còn mập mờ, việc phân định mục tiêu lợi nhuận hay phi lợi nhuận cũng chưa rõ ràng. Ngay việc phân cấp quản lý, giám sát loại hình trường này hiện nay cũng vẫn còn nhiều bất cập và chồng chéo dẫn đến tình trạng khó quy kết trách nhiệm liên đới đối với cơ quan quản lý nhà nước. Nhà nước cần sớm có các văn bản pháp luật cụ thể hơn, đầy đủ hơn quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan liên quan trong việc thẩm định, cấp phép thành lập, giám sát hoạt động và có chế tài xử lý phù hợp, kịp thời đối với loại hình trường học này để không còn xảy ra những vụ việc đau lòng như vừa qua.

Phụ huynh học sinh và dư luận lo ngại là có cơ sở

Tại buổi họp báo do UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) tổ chức diễn ra ngày 7.8 thông tin vềvụviệc cháu L.H.L. (học lớp 1, Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway, tử vong khi bị bỏ quên trên xe buýt đưa đón), khi được phóng viên hỏi: “Trên địa bàn mình có bao nhiêu trường quốc tế và tiêu chuẩn như thế nào để được gọi là “trường quốc tế”? Gateway có phải trường quốc tế đủ tiêu chuẩn không?”, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy tỏ ra khá lúng túng. Theo ông Ngọc Anh, trong bộ luật về phân loại trường không hề có quy định nào về tên trường “quốc tế”. Trường Gateway chỉ đơn giản mang tên là Trường Tiểu học Gateway, không được phép có 2 từ “quốc tế”. Tuy nhiên, có thể cụm từ “quốc tế” này do nhóm trường ngoài công lập, trong đó có Gateway, đã tự quảng cáo để thu hút học sinh. Trên địa bàn quận hiện nay chỉ có các trường học có yếu tố nước ngoài”. Đáng chú ý, khi được chất vấn nếu định nghĩa như thế thì tại sao trường Gateway tự quảng cáo mình là trường đạt tiêu chuẩn quốc tế nhiều năm qua. Thậm chí trên biển trường, website đều ghi rõ “Trường quốc tế Gateway - Gateway International School” nhưng Phòng GD&ĐT quận lại không có hình thức thanh tra, xử phạt?, ông Ngọc Anh đã từ chối trả lời.

Khi được biết ngay khái niệm “trường quốc tế” cũng mập mờ không rõ, cùng với đó là các quy định tương xứng, đặc thù của loại hình trường học này dường như cũng chưa đầy đủ và cụ thể đã khiến dư luận và các bậc phụ huynh học sinh lo ngại. Nhiều người lo ngại, việc cổ phần hóa các trường tư thục đã khiến cho mục tiêu lợi nhuận được chú trọng hơn là mục tiêu giáo dục đào tạo.“Không có một quy định nào, quy trình, chương trình chuẩn nào về cái gọi là trường quốc tế ở Việt Nam. Thế nên, mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy quảng cáo, thu học phí ngất trời. Còn phụ huynh, học sinh vẫn lao vào như thiêu thân với giấc mơ con em trở thành công dân toàn cầu. Họ đổ tiền, giao phó con cho các trường quốc tế với học phí đắt đỏ, giáo viên nước ngoài... để mong muốn con mình được “du học” tại chỗ. Rõ ràng lâu nay tồn tại sự bát nháo của hệ thống trường được gọi là quốc tế mà chưa được các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ GD&ĐT quan tâm đúng mức”, một phụ huynh bức xúc khi nói về hệ thống “trường quốc tế”.

Một phụ huynh học sinh khác có tên L.T chia sẻ, sau sự việc này, chị hoang mang và có phần lo sợ cho chính những đứa con của mình. Chị thấy hoang mang và lo sợ khi một ngôi trường khang trang, sạch đẹp, tiếng tăm nhưng lại để xảy ra một vụ việc kinh hoàng như thế. “Đây là sự tắc trách khó tha thứ của một môi trường giáo dục được “tự phong” mang tầm quốc tế. Một sự việc trầm trọng cướp đi sinh mạng của một cậu bé vừa chập chững vào lớp 1 mà chỉ gói gọn trong vài dòng chữ hời hợt trên bảng thông báo. Tôi cảm thấy không thể chấp nhận nổi”, chị T bức xúc. 

Việc cấp phép thành lập các trường loại này đã được phân cấp cho các địa phương nhưng ít nhất Bộ GD&ĐT phải giám sát thực hiện các quy định. Trong vụ việc này, lẽ ra Thanh tra Bộ GD&ĐT phải có mặt để thanh, kiểm tra xem trường có vi phạm gì không trong phạm vi trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, nhưng họ đã không đến.

(Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc)

 

* Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi Sở GD&ĐT Hà Nội để chỉ đạo về vụ việc. Bộ GD&ĐT nhận định, đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng và yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo triển khai ngay việc thăm hỏi động viên, hỗ trợ gia đình học sinh bị tử vong; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn các trường học trên địa bàn, bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần đối với giáo viên và học sinh. Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội báo cáo bằng văn bản về Bộ GD&ĐT trước ngày 9.8. V.DŨNG 

* Cục Trẻ em yêu cầu các địa phương đảm bảo an toàn cho trẻ em

Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) đề nghị các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý, nhà trường, gia đình thường xuyên kiểm tra môi trường học tập, vui chơi của trẻ. Cục Trẻ em cho rằng, sự việc đáng tiếc xảy ra có thể do trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ giám sát việc đưa đón học sinh và giáo viên chủ nhiệm bỏ quên cháu bé trên xe.

Để đảm bảo an toàn, Cục Trẻ em đề nghị các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, và gia đình thường xuyên kiểm tra môi trường học tập, vui chơi trong và ngoài trường học đảm bảo an toàn cho trẻ em. Bên cạnh đó, ngành giáo dục đào tạo xây dựng và triển khai nội dung giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại, tai nạn thương tích ở trẻ em và kỹ năng sống cho cán bộ quản lý giáo dục các cấp, giáo viên nhân viên làm việc trong trường học. Ban Giám hiệu, giáo viên các trường học rà soát, quy định nhiệm vụ kết nối, trao đổi thông tin giữa nhà trường, giáo viên với gia đình, cha mẹ, đặc biệt là đối với cấp học mầm non, tiểu học, học sinh mới chuyển cấp, chuyển trường. A.HUY  

 

 QUỐC HÙNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top