Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Vụ cây bật gốc tại trường THCS Bạch Đằng làm một học sinh tử vong: Thiếu vắng “Quy trình an toàn trường học”

Thứ Tư 27/05/2020 | 11:27 GMT+7

VHO- Vụ việc đã xảy ra và có yếu tố khách quan nhưng cần ai đó đứng ra nhận trách nhiệm. Có hay không ngành GD&ĐT cần xây dựng một “quy trình an toàn trường học” nhằm nhận diện những nguy cơ, nguy hiểm đến tính mạng của học sinh…

 Quang cảnh buổi họp báo vào chiều qua 26.5

Đó là những vấn đề được đặt ra tại cuộc họp báo do UBND TP.HCM tổ chức vào chiều qua 26.5 cung cấp thông tin về vụ tai nạn do cây đổ làm một nam học sinh tử vong và nhiều em khác bị thương tại Trường THCS Bạch Đằng, quận 3. Cùng dự có lãnh đạo Sở GD&ĐT, TT&TT, Y tế, Xây dựng, UBND quận 3 và Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng. Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM cho hay, đây là cuộc họp báo có đông đảo sự tham gia của các cơ quan báo chí nhiều nhất từ trước đến nay tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, cho thấy đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng, là tai nạn rất đáng tiếc, không may đã xảy ra ngay đầu mùa mưa, khi mà các em học sinh vừa quay trở lại trường học...

Lãnh đạo TP.HCM chia sẻ, động viên gia đình học sinh

Thông tin cho biết, vào lúc 6h22 sáng 26.5, một cây phượng vĩ đột ngột bật gốc, đổ xuống sân Trường THCS Bạch Đằng. Vào thời điểm này, nhiều học sinh đang chuẩn bị vào lớp. Cây phượng vĩ bật gốc đã đè lên nhiều học sinh đang đứng gần đó, khiến 18 em bị thương, tất cả đều là học sinh khối lớp 6 (có 16 học sinh lớp 6/8 và 2 em lớp 6/7). Ngay sau đó các em được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 8 em trong nhóm học sinh bị thương trong vụ cây đổ. Bệnh viện An Sinh tiếp nhận 1 em, Bệnh viện chấn thương chỉnh hình Sài Gòn - ITO tiếp nhận 4 em và Bệnh viện quận 3 tiếp nhận 5 em. Trong số 18 học sinh bị thương, đáng tiếc em học sinh N.T.K được chuyển qua Bệnh viện An Sinh đã tử vong. Học sinh N.T.K, sinh năm 2008, thuộc lớp 6/8.

 Lãnh đạo TP và Sở GD&ĐT nghe báo cáo về trường hợp một HS đang điều trị tại Bệnh viện Sài Gòn-ITO

Theo bác sĩ Nguyễn Phi Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, khi tai nạn xảy ra, em N.T.K có biểu hiện bị thương nặng nhất với đa chấn thương, ngưng tim ngưng thở ngay tại hiện trường. Ngay sau đó em được chuyển nhanh đến đơn vị y tế gần nhất là Bệnh viện An Sinh. Các bác sĩ đã tích cực hồi sức tim phổi trong 65 phút nhưng không có kết quả. Trong số các em còn lại sức khỏe các em ổn định. Theo đó có 4 em được chuyển vào Bệnh viện Sài Gòn – ITO thì 1 em đã được cho về, 3 em được tiến hành phẫu thuật vào trưa nay, đến giờ đã ổn định. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, có 5/8 em đã ổn định, 3 em ảnh hưởng cột sống đang chờ mổ vào hôm nay 27.5. Các trường hợp còn lại hầu hết bị chấn thương phần mềm nên đã được cho về nhà và tiếp tục theo dõi.

Ngay trong sáng qua 26.5 Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cùng đoàn cán bộ TP đã đến các bệnh viện thăm hỏi học sinh và hỗ trợ ban đầu các trường hợp học sinh bị cây đè. Riêng trường hợp học sinh N.T.K. không may tử vong, lãnh đạo TP hỗ trợ 20 triệu đồng để gia đình lo hậu sự. Vào chiều qua 26.5, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các Sở, ban, ngành TP, UBND quận 3 đã đến chia sẻ, động viên gia đình. Theo ông Trần Quang Bá, Quyền Chủ tịch UBND quận 3, đây là gia đình cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chi tạm ứng hỗ trợ trước mắt cho gia đình 40 triệu đồng để lo tang lễ cho bé.

Ai chịu trách nhiệm?

Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm trong vụ tai nạn thương tâm này, tình trạng quản lý cây xanh trong nhà trường cũng như các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh trong thời gian tới trong mùa mưa bão... Tuy nhiên, câu trả lời từ các đại diện liên quan đều chưa thỏa đáng và chưa đơn vị nào nhận trách nhiệm sau sự cố nghiêm trọng này.

Đại diện Công an quận 3 cho hay đơn vị đang phối hợp với các cơ quan liên quan khám nghiệm hiện trường, xác minh điều tra. Hiện vẫn đang trong quá trình điều tra và xác minh nên sẽ thông báo khi nào có kết quả chính thức. Ông Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng cho hay, cây phượng vĩ bị đổ được trồng từ 1996. Thời gian qua nhà trường cũng thường xuyên tiến hành chăm sóc cây: thay đất, bón phân, xử lý nhánh, được làm định kỳ trong dịp hè. “Hiện tượng sáng nay trời không có mưa, thời tiết tốt. Các em đang ngồi ăn sáng chuẩn bị lên lớp thì cây xanh ngã về hướng các em đang ngồi”, ông Phúc thông tin và nói thêm. “Nhà trường quy định giờ học là 6h30, trong khi tai nạn xảy ra lúc 6h22, nếu như cây đổ muộn tầm 15 phút sau thì các em đâu bị đè như vậy, tiếc là không may sự việc đau lòng đã xảy ra…”. Hiệu trưởng Nhà trường cũng cho biết, các em học sinh vẫn học tập bình thường, đồng thời các thầy cô cũng sẽ ổn định tâm lý để các em an tâm sau sự cố tai nạn vừa qua, đặc biệt là đối với các em bị thương cần được điều trị sa chấn tâm lý.

 Cây phượng bật gốc đổ trong sân Trường THCS Bạch Đằng vào sáng qua 26.5

Theo ông Từ Lương, mặc dù sáng nay thời tiết tốt nhưng hôm qua mưa nhiều nên nước ngấm sâu, làm cho cây úng gốc, có thể đó là nguyên nhân làm cho cây bị đổ. “Hiện tại trong sân trường vẫn còn một cây phượng lớn nữa, bên phía Sở Xây dựng TP đã đề nghị nhà trường cho đốn bỏ để đảm bảo an toàn. Tôi đã đồng ý”, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết. Liên quan đến mức độ an toàn các cây xanh cổ thụ trong TP, đại diện Sở Xây dựng cho biết cây phượng cổ thụ vừa bị đổ là loại cây hạn chế trồng trong khu vực đô thị vì điều kiện an toàn không cao, không phù hợp do loại cây này có rễ cạn, không bám đất nên dễ đổ, vì thế đối với những cây có đường kính từ 30cm trở lên đều phải chặt đi để đảm bảo an toàn. Cũng theo đại diện Sở Xây dựng, cây phượng bị đổ không thuộc Sở Xây dựng quản lý. Tuy nhiên, hằng năm Sở đều có văn bản gửi các địa phương đề nghị cắt tỉa cảnh, chăm sóc định kỳ để phòng tránh tai nạn. Sau sự việc này Sở sẽ rà soát, đề nghị các đơn vị, cụ thể là Công ty Cây xanh trên địa bàn TP sẽ xử lý, không để trường hợp tương tự xảy ra.

Vụ tai nạn bật gốc cây phượng tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) khiến một em học sinh tử vong làm dấy lên nhiều lo ngại về quy trình an toàn cho học sinh trong trường học Ảnh: THÙY TRANG

Về phía Sở GD&ĐT, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở chia sẻ đây là sự việc đáng tiếc, cần phải rút kinh nghiệm cho toàn ngành. Vào đầu mỗi năm học, Sở GD&ĐT luôn có văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trong trường học. Trước mùa mưa bão Sở cũng có văn bản lưu ý đối với các trường. Sự việc trên là sự việc ngoài ý muốn. Đây cũng là bài học để toàn ngành tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm an toàn trường học, nhất là khi TP bước vào mùa mưa.

Qua sự việc nghiêm trọng này, nhiều ý kiến cho rằng hiện đang thiếu vắng “quy trình an toàn trong trường học”, qua đó để nhận diện những nguy cơ, nguy hiểm đối với học sinh và giáo viên như ban công, hành lang, cột điện, cây cối, tường rào… Bởi những yếu tố đó luôn có thể gây nguy hiểm đối với sự an toàn của học sinh. 

 Các địa phương cần quan tâm xử lý cây xanh nguy hiểm trên địa bàn

Chiều qua 26.5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi lời chia buồn tới gia đình em học sinh tử vong và gửi lời thăm hỏi các em học sinh bị thương trong vụ tai nạn đổ cây tại Trường THCS Bạch Đằng, TP.HCM. “Đây là sự việc hết sức đau lòng. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình em học sinh đã mất và gửi lời thăm hỏi tới các em học sinh bị thương. Tôi cũng gửi lời động viên tới giáo viên, học sinh Trường THCS Bạch Đằng, mong các em học sinh và các thầy cô giáo ổn định tâm lý, sớm vượt qua mất mát này để ổn định tổ chức dạy và học”, Bộ trưởng chia buồn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, để đảm bảo an toàn trường học, các nhà trường, địa phương cần quan tâm hơn nữa và cần liên hệ ngay với các đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn, kiểm tra, kiểm kê và cắt tỉa, xử lý các cây xanh nguy hiểm, có thể gãy đổ…; đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên. L.S

 THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top