Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nỗi buồn của  “Giấc mơ Chapi”

Thứ Tư 14/10/2020 | 11:23 GMT+7

VHO- Đàn Chapi được coi là “linh hồn” trong các hoạt động văn hóa cộng đồng của đồng bào Raglai. Khi không thể sở hữu những bộ cồng chiêng đắt tiền thì người dân đã sáng tạo nên loại nhạc cụ đơn sơ này để mô phỏng theo những thanh âm hào sảng của núi rừng. Cây đàn gắn bó với cộng đồng người dân tộc Raglai qua nhiều thế hệ, nhưng giờ đây cứ ngày một thưa vắng...

 Nghệ nhân Mấu Hồng Thái chơi đàn Chapi

Ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), ông Mấu Hồng Thái là một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn chế tác và sử dụng đàn Chapi, như một cách níu giữ nét văn hóa độc đáo riêng có của dân tộc mình.

Bao giờ cho đến... ngày xưa

Chúng tôi tìm đến nhà ông Thái vào một buổi chiều mưa. Vừa đến cổng đã nghe tiếng đàn Chapi trầm bổng vang lên thánh thót. Ông Thái đang ngồi ở thềm nhà, tay gảy Chapi, ánh mắt xa xăm và môi nở nụ cười mãn nguyện. Người đàn ông Raglai này chơi đàn say mê và hưng phấn như thể “nhập đồng”. Chơi xong bản nhạc, ông Thái mới trải lòng: “Thấy tiếng đàn Chapi hay không? Hay chứ nhỉ? Mình đã 80 tuổi rồi, sống được đến nay cũng là nhờ Chapi đấy. Buồn, vui gì đều có Chapi làm bạn. Cây đàn này mình mới làm xong, tiếng rất thanh và vang, nghe rất thích. Tiếc là bây giờ chẳng còn mấy ai còn nghe Chapi nữa”.

Ông Thái mang trong mình tình yêu nguồn cội và niềm tự hào lớn về văn hoá truyền thống dân tộc. Ông kể rằng, xưa kia đàn Chapi là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Raglai. Hầu như nhà ai cũng có đàn Chapi, chơi đàn Chapi. Nhớ những đêm trăng thanh vắng, tiếng đàn cứ vang lên thánh thót khắp núi rừng. Con trai con gái túm năm tụm ba hay từng đôi, ngồi trên thềm nhà, trong vườn, thậm chí ngay ngoài đường chơi đàn và thưởng thức tiếng đàn. Những thanh âm ngân nga trên vòm trời cao thăm thẳm, vọng ra xa lắm… Thế hệ của ông ai cũng mê Chapi, rồi học làm đàn, học đánh đàn từ tuổi niên thiếu. “Nhưng bây giờ tiếng Chapi ở nhiều buôn làng cứ thưa dần. Cách đây mấy năm, huyện Khánh Sơn cũng còn một vài người biết chế tác nhưng chỉ chơi được vài điệu ngắn, vòng xoay cơm áo gạo tiền cứ cuốn đi nên chắc giờ người ta cũng đã quên hết rồi. Bọn trẻ hiện chỉ thích nhạc xập xình thôi”, ông Thái buồn rầu.

 Những cây đàn Chapi ông Mấu Hồng Thái chế tác

“Điều này thật khó khi bọn trẻ hiếm ai thích”

Trăn trở về Chapi bao nhiêu, ông Thái lại càng hào hứng khi có người hỏi về cách chế tác loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Ông tận tình chia sẻ và coi đó như trọng trách của mình trong việc góp phần níu giữ một nét văn hóa đẹp của dân tộc Raglai. Ông cho biết, làm đàn Chapi không khó nhưng công phu. Để làm được một cây Chapi tốt thì phải lên núi tìm chọn cây lồ ô vừa tròn một năm tuổi, không nên chọn cây già quá vì dễ đứt dây và âm thanh không trong. Sau khi đưa lồ ô về thì cắt khúc ngắn, một đầu để nguyên mắt, đầu kia để rỗng. Tiếp theo, phơi ống lồ ô khoảng 15 ngày đến một tháng để đàn có độ bền, không bị nứt, vỡ. Cuối cùng là công đoạn chế tác như đục lỗ, bật dây, tạo nốt… Công đoạn này nếu làm nhanh chỉ khoảng một tiếng là hoàn thành một cây đàn Chapi. Vì đam mê chế tác và chơi Chapi nên nhà ông Thái như một không gian trưng bày loại nhạc cụ này. Hàng chục cây Chapi đã hoàn chỉnh được ông xếp thành hàng. Nhiều vị khách ghé thăm và tìm hiểu, đặt mua để làm kỷ niệm, cũng có khi được ông tặng như một cách để quảng bá về loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai. “Nếu bây giờ mà các cháu nhỏ hay thanh niên đến nhờ mình dạy cách chế tác hay học đàn Chapi thì hay quá”, ông Thái mơ ước.

Chia sẻ về đàn Chapi, nghệ nhân Mấu Quốc Tiến, người có nhiều công sức trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc Raglai ở Khánh Hòa cho biết, loại đàn này chơi được nhiều làn điệu. Người Raglai ở Khánh Sơn chủ yếu đánh các điệu bỏ mả, đám cưới, ngày mùa, hát giao duyên, mừng lúa mới… Ông Tiến cũng rất trăn trở khi thấy lớp trẻ giờ đây hờ hững với di sản truyền thống của cha ông và tỏ ra bất lực trước sự tất yếu của cuộc sống hiện đại. Ông nói: “Muốn giữ gìn, bảo tồn loại nhạc cụ này thì cần có kế hoạch truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhưng cái này cần phải có kinh phí, kế hoạch lâu dài. Rồi tiếp đến là khơi gợi được tình yêu và niềm đam mê để duy trì, điều này thật khó khi bọn trẻ hiếm ai thích thú. Nếu không được gìn giữ, lưu truyền thì sau này nhạc cụ truyền thống của dân tộc Raglai nói chung và Chapi nói riêng chắc chỉ còn nhìn thấy trong các phòng trưng bày”.

Chapi không đơn thuần là một loại nhạc cụ, mà còn chứa đựng cốt cách, văn hoá của một cộng đồng người Raglai. Vì thế mà “họ đã sống cuộc sống yên bình, ai nghèo cũng có cây đàn Chapi, khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy, hồn người Raglai…” (Giấc mơ Chapi của nhạc sĩ Trần Tiến). Tiếc thay, cái thời “ai cũng có cây đàn Chapi” trong cộng đồng người Raglai ở Khánh Sơn giờ chỉ còn trong tiềm thức. 

 Thấy tiếng đàn Chapi hay không? Hay chứ nhỉ? Mình đã 80 tuổi rồi, sống được đến nay cũng là nhờ Chapi đấy. Buồn, vui gì đều có Chapi làm bạn. Cây đàn này mình mới làm xong, tiếng rất thanh và vang, nghe rất thích. Tiếc là bây giờ chẳng mấy ai còn nghe Chapi nữa.

(Nghệ nhân MẤU HỒNG THÁI)

ĐỨC AN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top