Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Độc đáo lễ rước y trang và dấu tích về bộ y phục Thánh Mẫu Ina Nagar

Thứ Sáu 16/10/2020 | 10:05 GMT+7

VHO- Nếu như Lễ hội Katê đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào Chăm Ninh Thuận thì lễ đón rước y trang (rước xiêm y Thánh Mẫu Ina Nagar và vua Po Klong Garai) được xem là “hồn cốt” của Lễ hội Katê. Hàng trăm năm qua, nghi thức này cùng bộ xiêm y Thánh Mẫu Ina Nagar và vua Po Klong Garai vẫn luôn được nâng niu, gìn giữ như “báu vật”.

Lễ đón rước y trang về làng Hữu Đức, xã Phước Hà

Đến làng Hữu Đức, xã Phước Hà những ngày này không khí thật nhộn nhịp, tươi vui khi nhà nào cũng trang hoàng sạch đẹp và đang luyện tập văn nghệ để chuẩn bị Lễ rước y trang Thánh Mẫu Ina Nagar và vua Po Klong Garai về làng.

Theo các vị cao niên và chức sắc trong làng Hữu Đức, vào buổi chiều của ngày lễ Katê đầu tiên (giữa tháng 9 hằng năm), đồng bào Chăm sẽ làm nghi lễ tiếp nhận y trang từ người Raglai rồi rước đi quanh làng. “Trước giờ rước y trang Thánh Mẫu Ina Nagar và vua Po Klong Garai từ thôn Giá về làng Hữu Đức, việc cúng y trang sẽ được tiến hành tại hai nhà tộc họ đang giữ y trang”, ông Mười Nhảy, người dân tộc Chăm, Phó Ban quản lý di tích tháp Po Klong Grai cho biết. Tiếp đó, y trang được rước về đền thờ Thánh Mẫu Pô Inư Nưgar ở thôn Hữu Đức để thờ cúng cho đến hết mùa Lễ hội Katê. Người Chăm quan niệm, dân tộc Raglai là em út của gia đình nên được giữ trọng trách trông coi trang phục, y trang, tài sản của các vị vua Chăm. Vào mùa lễ hội, người Raglai xuống trao y trang, ông Từ giữ đền sẽ dâng cúng lễ vật xin phép thần cho rước y trang về tháp. Khi các nghi lễ đón kết thúc, y phục của vua được đưa lên kiệu và khiêng đi giữa đoàn rước.

Dẫn đầu đoàn là một tốp khoảng 5 người Raglai vừa đi vừa thổi kèn bầu, đánh mã la, theo sau lần lượt là ông Cả sư, thầy kéo đàn Kanhi, bà Bóng, tiếp theo là những người cầm cờ, đoàn người phụ lễ và dân làng. Sau các nghi thức truyền thống, làng bắt đầu vào phần hội trên sân vận động của làng. Với nền nhạc chủ đạo là các nhạc cụ truyền thống như kèn Saranai, trống Ghinang, trống Paranưng... màn múa hát của nam nữ, với đủ các lứa tuổi, được trình diễn trên khắp mặt sân. Lễ rước y trang là màn khai hội đầy màu sắc dân gian, mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa Chăm.

Ngày nay, nghi thức rước y trang không những được tái hiện trong Lễ hội Katê của làng Chăm Hữu Đức, mà còn xuất hiện trong nghi thức cúng đầu năm của đồng bào Raglai ở Phước Hà. “Y trang phải “có mặt” trong nghi lễ, đây là quy định của tổ tiên từ xưa để lại cho con cháu đồng bào Raglai. Tại đây, các tộc họ sẽ đem y trang ra phơi, kiểm tra y trang có bị cũ, hư hỏng và báo lại cho Ban phong tục đền thờ Pô Inư Nưgar của người Chăm ở Hữu Đức biết trước ngày diễn ra Lễ hội Katê”, ông Chamaléa Ơi, thầy cúng y trang cho biết.

 Múa vui mừng lễ rước y trang về làng Hữu Đức, xã Phước Hà

Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào xác định được bộ xiêm y Thánh Mẫu Ina Nagar và vua Po Klong Garai đang lưu giữ tại làng Chăm Hữu Đức, xã Phước Hà (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) có từ bao giờ. Các bậc cao niên tại đây chỉ xác định là bộ xiêm y này là “báu vật” đã truyền qua nhiều đời và là vật thiêng của đồng bào Chăm.

Ông Hồ Sĩ Sơn, Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Thuận cho biết, người Chăm có câu thành ngữ: “Chăm sa-ai Raglai adei”. Nghĩa là người Chăm là chị cả, còn người Raglai là con gái út trong gia đình. Theo truyền thuyết, người con gái út trong gia đình có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại và thực hiện nghĩa vụ chăm sóc và thờ phụng cha mẹ khi về già. Cho nên, từ xa xưa, người Raglai được giao vai trò đảm trách việc bảo quản y trang của Thánh Mẫu Ina Nagar và vua Po Klong Garai, các đồ cúng lễ trên đền tháp để thờ phụng ông bà, tổ tiên và thần linh. Xiêm y Thánh Mẫu Ina Nagar và vua Po Klong Garai đang lưu giữ tại làng Hữu Đức hiện nay có lẽ đã hình thành và lưu truyền từ đó.

Hiện người Raglai ở Ninh Thuận có hai tộc họ đang giữ y trang và một tộc họ giữ những đồ vật bằng đồng như ly, chén để phục vụ trong việc rước y trang cũng như cúng đầu năm của làng. Đồng bào Raglai xã Phước Hà không nhớ chính xác từ khi nào tổ tiên mình đã giữ y trang của đồng bào Chăm thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu. Bà Tâu Xá Thị Nhân ở thôn Giá, là thành viên của một trong hai tộc họ giữ y trang của đồng bào Chăm chia sẻ: “Lâu lắm rồi, không nhớ rõ, chỉ biết tộc họ tôi đã giữ y trang từ nhiều đời nay. Theo tục lệ, y trang sẽ truyền lại cho con gái trong tộc. Bởi lẽ có điều này là do đồng bào Raglai theo chế độ mẫu hệ, vì vậy mọi tài sản của tổ tiên sẽ được để lại cho người con gái trong gia đình cất giữ”.

Trong khi đó, ông Chamaléa Ơi, người cúng lễ y trang tại làng Chăm Đức Hữu cho biết: Chưa ai biết được về thời gian đồng bào Raglai Phước Hà giữ y trang, nhưng hiện nay đang có hai tộc họ giữ y trang, đó là tộc họ Chamaléa và Patâu Axá; còn giữ những đồ vật cúng trong nghi lễ rước y trang là tộc họ A Né. Thời gian trôi qua, tộc họ Patâu Axá đã đổi thành tộc họ Tâu Xá. Riêng tộc họ A Né, trước đây là tộc họ người buôn bán, qua hàng thế kỷ, tộc họ này đã gìn giữ những đồ vật trong nghi thức cúng y trang, cũng như trong nghi lễ cúng đầu năm của đồng bào Raglai ở Phước Hà. 

 XUÂN HƯỚNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top