Lại nói về bảo tồn di tích

VHO- Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe câu: “Nếu bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn lại ta bằng đại bác”, điều đó cho thấy sự nhạy cảm trong việc xử lý những vấn đề của quá khứ một cách hài hòa trong bối cảnh xã hội đương đại.

Liên quan đến di sản văn hóa luôn có những vấn đề gây ra tranh cãi. Trong khoa học, cách tiếp cận về quản lý di sản cũng khá đa dạng và không thống nhất. Điều duy nhất khiến các chuyên gia, nhà khoa học đồng thuận là di sản cần phải được bảo tồn và phát huy giá trị phù hợp với hoàn cảnh xã hội cụ thể dựa trên sự bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng như là chủ thể của di sản.

 Tuy nhiên, những thông tin chung chung như vậy sẽ rất khó áp dụng đối với từng di tích cụ thể vì mỗi di tích sẽ có đặc điểm riêng mà việc áp dụng máy móc bài học của nơi này cho nơi kia nhiều khi sẽ không hiệu quả. Chính vì thế, dù chúng ta đã có Luật Di sản văn hóa cũng như hành lang pháp lý tương đối đầy đủ thì những tranh cãi vẫn không ngừng diễn ra mà đôi khi là khá gay gắt.

Mỗi di sản văn hóa (cả vật thể và phi vật thể) luôn được xem là một chỉnh thể, được sinh ra, tồn tại và phát triển vì những lý do nhất định, phụ thuộc vào một cộng đồng nhất định, có những chức năng văn hóa, xã hội nhất định. Sự phức tạp này khiến cho chúng ta tác động vào đâu cũng nhận được những đánh giá trái chiều. Ví dụ như ngôi đình làng là thiết chế văn hóa tâm linh của cả một cộng đồng, có liên quan tới những phong tục, tập quán, diễn xướng dân gian, trò chơi truyền thống, cảnh quan… như một chỉnh thể thống nhất, liên hệ chặt chẽ, qua lại với nhau, phụ thuộc vào nhau. Chúng ta phải tìm cách bảo vệ và phát huy giá trị di tích đó trong xã hội đương đại, khi mà truyền thống đã phân rã, bối cảnh đã không còn như trước nữa!

Đặc điểm của di tích ở nước ta là dễ hư hỏng, xuống cấp do điều kiện thời tiết (chưa kể lý do chiến tranh). Vì thế, cứ trung bình 20-30 năm, các di tích lại phải trùng tu một lần. Nếu trong xã hội truyền thống, việc trùng tu không gây nhiều tranh cãi vì luôn có sự đồng thuận, bối cảnh xã hội cũng tương đối thuần nhất và việc trùng tu chủ yếu dừng lại ở việc sửa sang, nâng cấp, chứ không “đập đi xây lại”, biến “di tích trăm năm tuổi thành 1 năm tuổi” như bây giờ. Ngược lại, ngày nay việc trùng tu, tu bổ, xây dựng mới di tích luôn gây ra rất nhiều tranh cãi. Một phần vì chúng ta không hiểu tính toàn vẹn, chỉnh thể của di tích dẫn đến việc tạo ra những cái kệch cỡm, sai chức năng như việc đưa hiện vật ngoại lai vào di tích thuần Việt. Phần khác, chúng ta cũng chưa hiểu rõ giá trị của di tích dẫn tới việc mong muốn làm mới, làm đẹp, làm hiện đại để phù hợp với cách nhìn, nhu cầu của người đương thời.

Lý do quan trọng nhất vẫn xoay quanh câu chuyện nhận thức. Giờ đây bảo vệ và phát huy giá trị di tích liên quan đến nhiều bên: Cộng đồng, nhà quản lý, du khách… mà cộng đồng có vai trò quan trọng nhất vì họ là chủ nhân của di tích. Tuy nhiên, cộng đồng không phải lúc nào cũng hiểu một cách đầy đủ về di tích cũng như cách thức để bảo vệ và phát huy giá trị di tích đó trong bối cảnh xã hội hiện thời. Vì thế, nhà quản lý và du khách cũng cần phải đóng vai trò nhất định trong việc tạo ra sức sống mới, phù hợp hơn cho di tích.

Không phải bất cứ cái gì cũ cũng tốt, cái gì mới cũng xấu và không phù hợp! Di sản là một sự lựa chọn, vì thế nó cũng cần dựa vào nhu cầu của thế hệ hiện tại. Nhận thức đúng, tạo ra sự đồng thuận giữa các bên liên quan, bảo đảm hài hòa lợi ích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích có lẽ là cách làm phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay. Người viết thiết nghĩ, tại mỗi di tích, cộng đồng địa phương cần dựa trên sự bàn luận công khai, minh bạch, dân chủ, đồng thuận để có kế hoạch bảo vệ và phát huy giá trị riêng. Các cơ quan quản lý nhà nước cùng các chuyên gia tham gia tư vấn và giám sát quá trình lên kế hoạch và tổ chức thực hiện sao cho phù hợp với quy định của pháp luật. Làm được như thế, chúng ta sẽ tránh ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của di tích: Vừa tôn vinh vẻ đẹp của quá khứ, vừa thích nghi với bối cảnh hiện tại. 

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc