Giới thiệu gần 1.500 bài thơ trên các kiến trúc Cung đình Huế

VHO- Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức dịch thuật, xây dựng nội dung và giới thiệu đến bạn đọc ấn phẩm “Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế” nhân kỷ niệm 5 năm Ủy ban Di sản ký ức thế giới vinh danh thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là Di sản tư liệu thế giới thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (19.5.2016-19.5.2021).

Giới thiệu gần 1.500 bài thơ trên các kiến trúc Cung đình Huế - Anh 1

 Ấn phẩm “Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế” vừa xuất bản

Ấn phẩm dày gần 700 trang giới thiệu về gần 1.500 bài thơ trên các công trình kiến trúc nổi tiếng thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, như: Thơ văn trên di tích Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, di tích Triệu Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu (thuộc khu di sản Hoàng cung Huế); thơ văn trên các công trình kiến trúc tại di tích lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Dục Đức, lăng Đồng Khánh; thơ văn trên công trình di tích Điện Long An, nay là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Các công trình kiến trúc cung điện, lăng tẩm phần lớn đều sử dụng văn thơ để trang trí trên liên ba, đố bản, cổ diềm ở cả nội và ngoại thất công trình. Và cách trang trí một ô thơ hoặc một đại tự đi liền với một bức họa tạo nên kiểu thức “nhất thi nhất họa” hoặc “nhất tự nhất họa” gần như đã trở thành một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Theo thống kê, hiện trên các di tích kiến trúc cung đình Huế còn lưu giữ hơn 2.000 ô thơ văn (cùng hơn 2.000 ô họa) được chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ, trên pháp lam và ngõa sành sứ. Đây được đánh giá như một bảo tàng sống động về văn chương của triều Nguyễn.

Giới thiệu gần 1.500 bài thơ trên các kiến trúc Cung đình Huế - Anh 2

 Thơ theo kiểu thức “nhất thi nhất họa” được khắc bằng gỗ sơn son thếp vàng trên liên ba nội thất điện Thái Hòa (Hoàng cung Huế)

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, từ khi thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm đã nỗ lực quảng bá, giới thiệu giá trị di sản tư liệu quý hiếm và độc đáo đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Đối với công tác tu bổ công trình di tích có di sản tư liệu thế giới, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch và định hướng bảo quản an toàn thơ văn trên các liên ba, đố bản, bờ nóc, hạn chế sự hư hỏng của tài liệu nhằm gìn giữ nguồn tư liệu được bền lâu và nguyên vẹn. Bên cạnh đó, tập trung khảo sát đánh giá hiện trạng thơ văn chạm khắc, khảm, cẩn, tráng men… trên cấu kiện gỗ, bê-tông, pháp lam; tiếp tục nghiên cứu phục hồi kỹ thuật pháp lam truyền thống, kỹ thuật chạm, khảm để phục hồi các bài thơ, các chữ đã mất trên các liên ba, các ô cổ diềm của các di tích; tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học nhằm tập hợp các ý kiến của các nhà quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa Hán Nôm liên quan đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; đẩy mạnh công tác triển khai áp dụng công nghệ số để bảo tồn di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế…

“Ấn phẩm “Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế” giới thiệu nội dung thơ văn và chuyển tải những gửi gắm của các vị vua nhà Nguyễn thông qua các áng thơ văn đã được lưu trữ độc đáo riêng biệt nhất ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một ấn phẩm về thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế đã công bố tương đối toàn diện về giá trị nội dung, giá trị hình thức, ý nghĩa với tổng thể gần 1500 bài thơ trên các công trình kiến trúc cố đô Huế”, ông Nhật cho biết.

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc