“Phá sản” ý tưởng cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành Huế?

VHO- Cho đến thời điểm này, ý tưởng xây dựng cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng Thành (Kinh thành Huế) để giảm ách tắc giao thông cho khu vực Cửa Ngăn có thể nói đã “phá sản”, thay vào đó là giải pháp tổ chức lại giao thông toàn bộ khu vực kinh thành “vẫn là hợp lý nhất”.

“Phá sản” ý tưởng cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng thành Huế? - Anh 1

 Cầu Cửa Ngăn là đường đi bộ của du khách và cả phương tiện giao thông để vào bên trong Kinh thành Huế

Mới đây nhất, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ý tưởng làm cầu đi bộ vượt Hộ Thành Hào chỉ là một trong những giải pháp mà địa phương đã đưa ra bàn bạc trong nhiều năm qua nhằm giải quyết bài toán giao thông ở khu vực Kinh thành Huế. Tuy nhiên, sau nhiều lần bàn thảo thì giải pháp hợp lý và khả thi nhất vẫn là tổ chức lại giao thông toàn bộ khu vực Kinh thành Huế.

Theo văn bản số 228/TB-UBND thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại cuộc họp nghe báo cáo “Quy hoạch phân khu khu vực Kinh thành Huế”, trong đó cũng nêu rõ quan điểm về việc tiếp tục tổ chức lại phương án giao thông ở khu vực Kinh thành Huế. Ông Nguyễn Văn Phương yêu cầu UBND TP Huế và các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án, giải pháp về quy hoạch, tổ chức giao thông tổng thể đảm bảo lưu thông an toàn cho khách du lịch và đáp ứng nhu cầu đi lại cấp thiết của người dân trong phạm vi đồ án quy hoạch trên cơ sở đảm bảo sự phù hợp, hài hòa với không gian di sản. Trong đó, lưu ý xây dựng cụ thể phương án điều tiết giao thông tại các vị trí cổng thành và có lộ trình thực hiện các phương án điều tiết giao thông phù hợp.

Ngoài ra, cần tính toán quy hoạch bổ sung các vị trí giao thông tĩnh đảm bảo quỹ đất giao thông tĩnh phục vụ nhu cầu khách du lịch và nhu cầu người dân đối với phạm vi lập đồ án quy hoạch, lưu ý nghiên cứu hình thức và phương án vận hành các bãi đỗ xe dọc các tuyến thành. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh việc triển khai đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế. Dự kiến đến năm 2025, sẽ có hơn 4.200 hộ dân ở khu vực 1 Kinh thành Huế sẽ đến nơi ở mới, là điều kiện thuận lợi và giảm tải áp lực giao thông ở khu vực nội thành.

Trước đó, vào ngày 8.2.2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và đại diện các Sở, ngành tiến hành khảo sát thực trạng giao thông ở xung quanh Đại Nội Huế và đã nêu ý tưởng về nghiên cứu, xem xét việc xây dựng cầu đi bộ vượt Hộ Thành Hào để phục vụ du khách và cộng đồng dân cư đi bộ vào bên trong Kinh thành Huế, qua đó giảm áp lực giao thông cho khu vực Cửa Ngăn. Sau đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và UBND TP Huế đã tổ chức, trao giải cuộc thi Ý tưởng thiết kế cầu đi bộ vượt Hộ Thành Hào nối Thượng Thành (Kinh thành Huế). Nhận thấy đây là vấn đề sẽ ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan di sản, liên tục trong thời gian này, Văn Hóa đã có nhiều bài viết về việc lên ý tưởng cũng như tổ chức cuộc thi ý tưởng thiết kế cầu đi bộ, và đã thu hút sự quan tâm lớn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và dư luận. Theo đó, Văn Hóa có loạt bài: Đề xuất ý tưởng làm cầu gỗ đi bộ bắc qua Hộ Thành Hào (Kinh thành Huế) - Liệu có thực sự khả thi? (ra ngày 13.2); Liên quan đến ý tưởng xây cầu gỗ bắc qua Hộ Thành Hào (Kinh thành Huế): Nhiều câu hỏi cần được trả lời thỏa đáng (ra ngày 15.2); Cuộc thi cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng Thành, Kinh thành Huế: Không còn là “cuộc thi ý tưởng”! (ra ngày 29.5); Về cuộc thi cầu vượt Hộ Thành Hào nối Thượng Thành (Kinh thành Huế): Có phải là giải pháp duy nhất? (ra ngày 31.5)… cùng nhiều tin, bài đăng trên Văn Hóa điện tử.

Xuyên suốt các bài viết, chúng tôi luôn nhấn mạnh đến vấn đề, chính quyền địa phương và đơn vị liên quan cần nghiên cứu để có những giải pháp tổ chức lại giao thông ở các cửa ra, vào khu vực Kinh thành Huế. Phóng viên Văn Hóa cũng đã gửi câu hỏi đến UBND TP Huế về vấn đề triển khai các giải pháp nhằm giảm ách tắc giao thông tại khu vực Cửa Ngăn, cũng như việc lên ý tưởng làm cầu vượt Hộ Thành Hào có phải là giải pháp cuối cùng và tối ưu ? Tuy nhiên, câu trả lời mà chúng tôi nhận được rất “chung chung” và không đi vào nội dung của vấn đề.

Trước thông tin mới từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, TS Nguyễn Hữu Thông, nguyên Giám đốc Phân viện VHNT Quốc gia Việt Nam tại Huế, cho rằng việc làm cầu vượt, không phải tuyệt đối không tính đến nhưng đó chỉ là phương án cuối cùng khi mọi giải pháp khác hoàn toàn bế tắc. Chúng ta đừng viện dẫn những di sản khác làm được thì mình tại sao không, bởi vấn đề của Huế hiện nay không rơi vào tình huống đó. Thay vì làm thế nào hay phương án gì để giảm áp lực ùn tắc giao thông ở các cổng thành vào bên trong Kinh thành Huế hiện nay, các cơ quan chức năng lại đặt công luận trước tình huống nên làm chiếc cầu như thế nào nhằm vượt Hộ Thành Hào nối Thượng Thành. Thực ra nút thắt giao thông ở đây chưa thực sự đối diện với sự bế tắc mà chỉ vào những thời điểm nhất định. Thế nên, việc giải quyết vấn đề cần nghĩ đến một lộ trình khác dài hơi hơn.

“Mười năm trước mắt nên phân lại luồng giao thông ở 4 cửa mặt Nam của Kinh thành Huế (cửa Ngăn, cửa Thượng Tứ, cửa Quảng Đức, cửa Nhà Đồ- PV). 10 năm tiếp theo, hạn chế xe hơi vào nội thành cùng với triển khai dần kế hoạch giãn dân vùng nội thành, sẽ góp phần giảm áp lực ùn tắc giao thông. 10 năm tiếp nữa, nội thành không còn xe hơi và hình thành tổ chức cụm cư dân sống chung và tương tác với hoạt động du lịch bằng nhiều hình thức: cư trú, dịch vụ du lịch, xưởng thủ công, ẩm thực, may mặc, nhà vườn, giải trí, nghỉ dưỡng với những con đường đi bộ và xe đạp…”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông nêu đề xuất. 

 Mười năm trước mắt nên phân lại luồng giao thông ở 4 cửa mặt Nam của Kinh thành Huế (cửa Ngăn, cửa Thượng Tứ, cửa Quảng Đức, cửa Nhà Đồ- PV). 10 năm tiếp theo, hạn chế xe hơi vào nội thành cùng với triển khai dần kế hoạch giãn dân vùng nội thành, sẽ góp phần giảm áp lực ùn tắc giao thông. 10 năm tiếp nữa, nội thành không còn xe hơi và hình thành tổ chức cụm cư dân sống chung và tương tác với hoạt động du lịch bằng nhiều hình thức: cư trú, dịch vụ du lịch, xưởng thủ công, ẩm thực, may mặc, nhà vườn, giải trí, nghỉ dưỡng với những con đường đi bộ và xe đạp…

(TS NGUYỄN HỮU THÔNG)

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc