Lớp học trong chùa và những người thầy “đặc biệt”

VHO- Không được đào tạo từ mái trường Sư phạm, cũng không được hưởng lương từ ngân sách của ngành GD&ĐT, nhưng từ rất nhiều năm nay, mỗi khi hè về, những người thầy đặc biệt trong tấm áo tu hành tại các ngôi chùa Sóc Trăng lại miệt mài truyền dạy cho những em nhỏ Khmer tiếng nói, chữ viết của đồng bào mình.

Lớp học trong chùa và những người thầy “đặc biệt” - Anh 1

 Chùa Sê rây Ta Mơn

 Những người thầy “đặc biệt”

Chúng tôi đến chùa Sê rây Ta Mơn (còn được gọi là chùa Tà Mơn) ở ấp Đào Viên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vào một sáng mùa hè tràn ngập nắng và gió phương Nam. Mới chạm chân vào cổng chùa, đã nghe râm ran tiếng trẻ đọc bài.

Như biết bao mùa hè đã qua, sáng nay, sư Kim Chí Thành lại lên lớp truyền dạỵ ngôn ngữ Khmer cho các em lớp 1 và lớp 3. Không có quy chuẩn về sĩ số như các lớp học chính thống trong trường tiểu học, cứ có học sinh đăng ký thì dù 5 em hay 50 em, thầy đều lên lớp đúng giờ.

Lớp học được tổ chức tại chính điện của chùa, với hơn 100 học sinh được chia làm 3 lớp, học 2 buổi; buổi sáng là lớp 1 và lớp 3, còn buổi chiều là lớp 2. Để có được những lớp học đông như vậy, nhà chùa đã không quản ngại đến từng gia đình vận động cha mẹ và các em đến lớp.

Cũng như các em nhỏ được nhà chùa mở rộng cánh cửa chào đón từ khi còn bé, thầy Kim Chí Thành rất trân quý những lớp học tại chùa. Không chỉ dạy tiếng nói và chữ viết, các thầy còn dạy cho bọn trẻ văn hóa, lễ nghi, phong tục tập quán truyền thống của đồng bào Khmer.

Em Danh Thị Trình, 12 tuổi (xã Viên Bình, huyện Trần Đề) hồ hởi kể về việc ngày nào cũng được đến chùa học và vui chơi cùng các bạn. Danh cho biết, ở trường em cũng được học tiếng Khmer, nhưng mỗi tuần chỉ có 1 tiết nên em chưa thạo. Học tại chùa, em được chỉ dạy rất kỹ, từ chữ cái đến phát âm, đánh vần... Cùng lớp với Trình là em Lý Mạnh Hân, cùng tuổi, nhưng nhà Hân ở Liêu Tú, là xã bên cạnh, xa hơn một chút. Hằng ngày Hân đạp xe đến chùa, xen giữa các giờ học Hân còn được chơi các trò chơi dân gian, khi thì tự chơi, khi thì có thầy bày cho. Lớp của Hân và Trình còn có bạn Kim Thị Khả Vy, cũng được bố mẹ xin cho vào học từ mùa hè năm ngoái. Vy cho biết: “Con được bố mẹ đưa đến chùa xin với các sư cho đi học. Mới đầu con cũng thấy rất khó, nhưng sang đến năm nay con đã giao tiếp bằng tiếng Khmer tốt hơn. Ngoài ra, con còn được học bao điều hay nữa”…

Lớp học trong chùa và những người thầy “đặc biệt” - Anh 2

Lớp học tiếng Khmer trong chùa Sê rây Ta Mơn

Rời chùa Tà Mơn, chúng tôi đến chùa Tepearam Preychop (Prey Chóp) tại xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu. Lớp học sáng đã tan, nhưng các em nhỏ vẫn đang đùa vui như đàn chim non trong khuôn viên chùa.

Em Lý Văn Nít, ngụ tại Khu 5 (xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu) đang chụm đầu cùng các bạn viết nốt mấy dòng chữ cuối cùng trên bảng. Nít rủ rỉ, “em được vào chùa học đã 3 mùa hè, em học lớp buổi sáng, còn một số bạn lớn hơn thì học buổi chiều”. Đứng bên cạnh, thấy đoàn khách vào thăm chùa và giơ máy ảnh lên chụp, em Thạch Thanh Sang bẽn lẽn nép vào góc cột chính điện. Sau một lúc làm quen, Sang mới dần cởi mở: “Hè năm nay em lên chùa được 1 tuần, nhưng những mùa hè trước, em đã được bố mẹ đưa lên đây học, mỗi năm 2 tháng. Các anh chị của em cũng học tại chùa nhưng không chăm như em vì các anh chị còn phụ giúp bố mẹ làm việc”.

Sư Lê Sô Phép, chùa Prey Chóp cho biết: “Hè này có 100 học sinh đến với lớp. Các em nhỏ tiểu học nghỉ hè đều vào chùa học tiếng Khmer 2 tháng. Đây là điều rất quan trọng, vì nếu các em không biết đọc, biết viết ngôn ngữ của dân tộc mình thì sẽ dần mai một, rồi đời sau sẽ không còn ai biết đến tiếng nói truyền thống nữa”.

Các em được học bảng chữ cái, tập đọc, tập viết, học giáo lý của Đức Phật. Để bọn trẻ vui vẻ và sẵn sàng đến lớp, các sư đã phải đến từng nhà vận động, bởi không phải ai cũng sẵn lòng và biết được ý nghĩa của việc học chữ dân tộc. Đến lớp đã khó, để “giữ chân” các em còn khó hơn, do vậy, ngoài giờ học, các sư còn tổ chức cho các em chơi những trò chơi dân gian. Điều mong muốn của các vị thầy “đặc biệt” này là tất cả các trẻ em trong vùng đều đọc thông, viết thạo ngôn ngữ “mẹ đẻ”, vì vậy, mỗi mùa hè được đón các em đến chùa học, các sư đều rất vui.

Lớp học trong chùa và những người thầy “đặc biệt” - Anh 3

Sư Kim Chí Thành - người thầy “đặc biệt” khoác áo tu hành

… và những ngôi chùa đặc biệt

Thượng tọa Trần Văn Tha, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Sê Rây Ta Mơn cho biết, ban đầu việc dạy học cũng gặp nhiều khó khăn do bà con còn ngại ngùng, nhất là lo lắng về chi phí học. Sau biết các lớp học được miễn phí, con em mình được học chữ Khmer, lại được giảng dạy về đạo lý làm người, bà con phấn khởi lắm và càng ngày càng có nhiều người tin tưởng cho con em mình theo học trong chùa.

Tương tự, Hòa thượng Thạch Huôn, Ban Chứng minh - Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Tepearam Preychop chia sẻ, “chùa không chỉ là địa chỉ sinh hoạt tôn giáo của đồng bào mà còn là nơi giảng dạy giáo lý và chữ viết cho các tăng sinh và con em Phật tử trong phum sóc. Việc nhà chùa tổ chức các lớp giảng dạy và bồi dưỡng chữ Khmer góp phần rất lớn trong việc giữ gìn và phát huy chữ viết dân tộc; đồng thời, giúp cho con em đồng bào có được môi trường sinh hoạt lành mạnh và trau dồi thêm vốn kiến thức”.

Hòa thượng Tăng Nô, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chùa được xây dựng, trùng tu lại khang trang hơn. Toàn tỉnh hiện có hơn 85% số ngôi chùa được xây dựng, sửa chữa lại. Trong chùa, việc dạy chữ Khmer luôn được duy trì, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thúc đẩy nâng cao dân trí, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của sư sãi và đồng bào phật tử Khmer trong tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lý Rotha cho biết, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường công tác dân tộc trong tình hình mới, thời gian qua, đời sống của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng luôn được các cấp chính quyền quan tâm, chăm sóc. Ngoài những tiết học chữ Khmer ở các trường phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú, hằng năm các chùa Khmer ở Sóc Trăng đều mở lớp dạy chữ cho sư sãi và con em đồng bào. Đây là hoạt động đã có từ lâu và mang ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết, văn hóa Khmer; đồng thời, giúp các học sinh ở vùng nông thôn có kỳ nghỉ hè thật sự vui tươi và bổ ích. 

 Hè này có 100 học sinh đến với lớp. Các em nhỏ tiểu học nghỉ hè đều vào chùa học tiếng Khmer 2 tháng. Đây là điều rất quan trọng, vì nếu các em không biết đọc, biết viết ngôn ngữ của dân tộc mình thì sẽ dần mai một, rồi đời sau sẽ không còn ai biết đến tiếng nói truyền thống nữa.

(Sư LÊ SÔ PHÉP, chùa Prey Chóp)

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc