Cần đưa tài liệu lưu trữ ra đời sống

VHO – Tại tọa đàm "Chia sẻ kinh nghiệm công bố tài liệu lưu trữ quốc gia" do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức sáng nay 30.6 tại Hà Nội, các đại biểu nhấn mạnh: Cần đưa những giá trị chính trị, lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc thành những “viên kim cương” trong dòng chảy lịch sử, trong sự phát triển của dân tộc.

Cần đưa tài liệu lưu trữ ra đời sống - Anh 1

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu

Tọa đàm do ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I chủ tọa.

Cùng dự có đại diện Bộ Nội vụ; Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam; các nhà khoa học, giảng viên các trường Đại học, Viện nghiên cứu; đại diện các Bảo tàng, Di tích, cơ quan văn hóa; đại diện Sở Nội vụ và Trung tâm Lưu trữ lịch sử của gần 30 tỉnh, thành phố trong cả nước; công chức, viên chức thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và nhiều phóng viên đến từ các cơ quan báo chí, truyền hình… 

Tọa đàm tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm chia sẻ thông tin về các nguồn tài liệu lưu trữ; kinh nghiệm công bố phát huy giá trị tài liệu; đề xuất những giải pháp, hình thức mới trong hoạt động công bố, đặc biệt là xu hướng tiếp cận đối với công chúng trẻ.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Đặng Thanh Tùng cho biết, chương trình “Công bố tài liệu lưu trữ quốc gia phục vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền đất nước” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 24.12.2021. Mục tiêu của Chương trình là xác định các nội dung tài liệu đưa ra công bố; biên dịch, xử lý tài liệu tư liệu để phục vụ công bố; nâng cao nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng của xã hội, phục vụ các cơ quan, tổ chức và công chúng. Hiện nay là Chính phủ vừa giao cho Bộ Nội vụ xây dựng tờ trình, triển khai các công việc cần thiết để lấy ý kiến của Quốc hội về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), dự kiến thông qua vào năm 2024 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.

Cần đưa tài liệu lưu trữ ra đời sống - Anh 2

Các đại biểu trao đổi tại Toạ đàm

Theo ông Đặng Thanh Tùng, nhiệm vụ của những người làm lưu trữ là đưa những giá trị chính trị, lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc thành những “viên kim cương” trong dòng chảy lịch sử, trong sự phát triển của dân tộc. Việc công bố tài liệu lưu trữ cũng là một trong những mục tiêu nhằm phát huy giá trị tài liệu, ở thời điểm này nó không chỉ hợp với lòng dân, với tình cảm của toàn xã hội mà của cả những người làm lưu trữ. “Hiện nay, việc đưa thông tin, giá trị tài liệu ra ngoài xã hội không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ của những người làm lưu trữ mà là đòi hỏi của công luận, đòi hỏi của các phương tiện truyền thông. Nhận thức được đầy đủ các nhu cầu, yêu cầu đó, chúng tôi rất tự hào và quyết tâm đưa tài liệu lưu trữ ra phục vụ công chúng”, ông Tùng cho biết và nhấn mạnh: “Giá trị lịch sử, văn hóa, chính trị... của tài liệu lưu trữ cần phải được đưa vào đời sống xã hội và vì sự phát triển của dân tộc, cần được biến thành những viên kim cương trong dòng chảy lịch sử. Đó chính là sứ mệnh cao cả nhất và quan trọng nhất của những người làm lưu trữ". 

Chia sẻ kinh nghiệm công bố, phát huy giá trị tài liệu, bà Đỗ Hoàng Anh, Trưởng phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) cho biết, Trung tâm đã có 40 năm tổ chức công bố tài liệu. Các hình thức công bố phổ biến là viết bài (khoảng 100 bài viết/năm); sách (2 đến 5 đầu sách/năm); trưng bày, triển lãm (5 cuộc triển lãm/năm); phim, clip (20 phim, clip/năm). Đặc biệt gần đây, trung tâm cũng ứng dụng chuyển đổi số trong công bố giới thiệu tài liệu lưu trữ quốc gia.

Cần đưa tài liệu lưu trữ ra đời sống - Anh 3

Toàn cảnh Toạ đàm

Cũng từ thực tiễn triển khai, ông Mai Trường Sinh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh thông tin, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên trong các tỉnh, thành phố được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp tổ chức triển lãm trực tuyến “Hà Tĩnh theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ” và có độ lan tỏa lớn. Điều đó cho thấy, triển lãm trực tuyến là giải pháp trong thời điểm có dịch Covid-19, song cũng là xu hướng tất yếu trong công cuộc chuyển đổi số bởi ưu điểm là không bị giới hạn không gian, thời gian.

Đại diện đến từ Bình Định nêu thực tế khó khăn và sự cần thiết hợp tác công bố, phát huy giá trị tài liệu, còn Đà Nẵng, Nam Định là cách tiếp cận mới trong phối hợp các hoạt động văn hóa - xã hội, giúp cho việc công bố tài liệu thuận lợi hơn, nhằm góp phần phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Trong khi đó, Tiến sĩ Đào Thị Diến, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho rằng, ngành Lưu trữ nắm trong tay rất nhiều tài nguyên văn hóa, riêng tại Hà Nội đã có rất nhiều công trình văn hóa, tuy nhiên, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia không có thành viên đại diện Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước là điều đáng tiếc.

Tọa đàm cũng thảo luận về các vấn đề: Kinh nghiệm lựa chọn chủ đề và hình thức công bố giới thiệu tài liệu; Kinh nghiệm hợp tác công bố giới thiệu tài liệu; Cơ hội và thách thức trong giai đoạn mới...

THANH PHONG

Ý kiến bạn đọc