Một cách phản ứng hợp lý, hợp tình

VHO - Sáng tạo nghệ thuật dựa trên chất liệu lịch sử luôn là chủ đề nhạy cảm và gây tranh cãi, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Tôi nhớ, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã từng tổ chức một hội thảo và sau đó in thành sách năm 2013 về Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử để cho thấy rằng đây là một chủ đề rất quan trọng và không phải lúc nào chúng ta cũng thống nhất với nhau.

Theo cá nhân, điểm quan trọng ở đây là phim lịch sử gồm 2 yếu tố: Thứ nhất là nghệ thuật (điện ảnh, phim); Thứ hai là lịch sử. 

 Đối với những người coi trọng yếu tố nghệ thuật, lịch sử chỉ được xem là cái cớ, sự kiện, hay như ai đó nói rằng là “cái đinh để móc chiếc áo nghệ thuật”. Nếu nghệ thuật chỉ tuân thủ hoàn toàn máy móc các sự kiện lịch sử thì sẽ trở nên nhàm chán, ở điện ảnh thì đó chỉ là phim tư liệu. Ngược lại, đối với những người đề cao tính chân thực lịch sử, thì làm phim phải tôn trọng tối đa các dữ kiện, bối cảnh lịch sử. Nếu bóp méo những sự thật lịch sử này sẽ khiến công chúng hiểu sai về lịch sử, giá trị mà lịch sử đem lại cho đất nước, từ đó tạo ra những hệ lụy không mong muốn khác. Thực ra, cả hai quan điểm này đều có những lý do hợp lý riêng. Tốt nhất là kết hợp được cả hai lợi thế của nghệ thuật và lịch sử để tác phẩm nghệ thuật vừa chân thực, vừa hấp dẫn, dù vậy việc đi giữa hai lằn ranh, hài hòa cả hai quan điểm luôn rất khó khăn. 
Trở lại với bộ phim Đất rừng phương Nam. Điều tôi thấy tích cực là xu hướng khai thác chất liệu lịch sử cho nghệ thuật những năm vừa qua. Nếu như ngay trong năm 2023, chúng ta thấy có Đào, Phở và Piano, Hồng Hà nữ sĩ (là những phim do Nhà nước đặt hàng), và đặc biệt là Đất rừng phương Nam. Trong âm nhạc, mỹ thuật thì có khá nhiều. Điều này cho thấy các nghệ sĩ đã thực sự quan tâm đến việc khai thác những giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc để tạo ra những sản phẩm nghệ thuật của người Việt Nam, vì người Việt Nam và cho người Việt Nam. Như vậy, từ những quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã chuyển biến thành những hành động cụ thể trong cuộc sống. Vì thế, chúng ta cần chung tay, cổ vũ cho xu hướng tích cực này.
Tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ VHTTDL, Cục Điện ảnh trong việc thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tạo điều kiện đưa ra những bộ phim Việt Nam có chất lượng tốt nhất, có nội dung tư tưởng phù hợp. Việc Cục Điện ảnh lắng nghe ý kiến của dư luận, phối hợp cùng đơn vị sản xuất phim chỉnh sửa những chi tiết chưa hợp lý, để tránh những liên tưởng không cần thiết, giúp đem lại cảm xúc trọn vẹn cho khán giả, theo tôi, cũng là một cách phản ứng hợp lý, hợp tình với bối cảnh xã hội hiện nay. Rõ ràng, chúng ta không chạy theo dư luận để giải quyết những vấn đề quản lý nhà nước, nhưng chúng ta cần lắng nghe dư luận để điều chỉnh các quyết định quản lý trong những trường hợp cụ thể. Điều đó không chứng minh các cơ quan quản lý nhà nước sai vì ranh giới đúng, sai trong nghệ thuật khá mong manh. Nhiều khi, chúng ta cần sự đồng thuận và hợp lý hơn là tranh cãi đúng, sai khi thiếu tiêu chí thống nhất. Ngược lại, điều đó còn chứng minh sự tôn trọng, lắng nghe.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta rất cần tôn trọng lịch sử. Những gì thuộc về lịch sử đã được mọi người công nhận, ghi nhớ cũng phải là những chi tiết bắt buộc phải tôn trọng trong các sản phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, có rất nhiều những góc khuất, chi tiết không được nhắc tới trong lịch sử có thể trở thành chất liệu tuyệt vời, kho báu vô giá cho trí tưởng tượng phong phú, sáng tạo không giới hạn của nghệ sĩ. Điều quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chúng ta cần xác định các tác phẩm nghệ thuật không hoàn toàn là lịch sử. Tác phẩm nghệ thuật về lịch sử giúp quá khứ trở nên sống động và gần gũi hơn, trao gửi cho chúng ta những thông điệp giá trị từ cha ông. Chúng ta ủng hộ, khuyến khích những nghệ sĩ khai thác chất liệu lịch sử để sáng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật, để lịch sử có thêm một cuộc sống mới trong xã hội hiện tại, viết tiếp giấc mơ quá khứ để lan tỏa thông điệp mạnh mẽ sang các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. 

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN 

Ý kiến bạn đọc