Đà Nẵng: Lo lắng tìm cách “giữ chân” nhân tài

VHO - Việc giữ chân giảng viên giỏi là một vấn đề nan giải đối với nhiều trường ĐH, nhất là các trường địa phương. Tại TP Đà Nẵng vừa qua, 25 trường hợp cán bộ, giảng viên ĐH không thực hiện đúng cam kết quay trở về trường sau khi được cử đi nước ngoài học tập, đào tạo một lần nữa đã dấy lên sự lo lắng trong việc giữ chân nhân tài.

Đà Nẵng: Lo lắng tìm cách “giữ chân” nhân tài - Anh 1

 Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng là đơn vị có nhiều đãi ngộ thu hút giảng viên (ảnh minh họa)

Trường ĐH Đà Nẵng đã làm thủ tục cử tổng số 246 viên chức đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài theo các đề án từ nguồn ngân sách nhà nước. Từ trước đến nay, cơ sở giáo dục này có 19 giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài đã quá thời hạn nhưng chưa về nước. Trong đó, 15 trường hợp đi học bằng kinh phí cá nhân hoặc học bổng giáo sư do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp; 4 giảng viên đi đào tạo từ ngân sách nhà nước không về, hiện có 2 trường hợp đã xin thôi việc, các trường thành viên đã tổ chức xét và ban hành quyết định đền bù chi phí đào tạo (1 giảng viên đồng ý với quyết định đền bù, 1 giảng viên đang xin xem xét lại).

TS Cao Xuân Tuấn, Trưởng BTC cán bộ (ĐH Đà Nẵng) cho biết, trước khi cử cán bộ đi đào tạo, nhà trường cũng đã triển khai những quy định bắt buộc với viên chức về điều kiện thời gian công tác, nếu không thực hiện đúng cam kết, gia đình người học phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo. Với trường hợp giảng viên chắc chắn không về, ĐH Đà Nẵng sẽ chỉ đạo các trường xử lý theo thẩm quyền và đề nghị bồi hoàn kinh phí đào tạo.

Để thu hút nhân tài, phát triển nguồn lực chất lượng cao, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Đề án số 3919/ĐA-UBND về “Đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ và thu hút, trọng dụng người tài năng để phát triển nhân lực khu vực công đến năm 2030”. Đặc biệt tập trung thu hút nguồn nhân lực hai lĩnh vực Giáo dục và Y tế. Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đến làm việc, gồm các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực thu hút.

Thực hiện đề án, một số cơ sở giáo dục ĐH công lập, nhất là đơn vị tự chủ đã có nhiều giải pháp đối với việc giữ chân cũng như thu hút giảng viên giỏi, như ban hành nhiều chính sách đãi ngộ với sự cân đối giữa giờ giảng và giờ nghiên cứu khoa học, duy trì chính sách trả giờ giảng, phụ cấp tăng qua các năm. Ngoài ra, chính sách thưởng cho công bố quốc tế tiếp tục được vận dụng như là một trong những đòn bẩy để kích thích nghiên cứu, sáng tạo trong cộng đồng giảng viên.

Về trường hợp nhân tài không trở về quê hương cống hiến theo cam kết, một vị lãnh đạo trường ĐH cho biết, hầu hết học viên chọn về nước, chỉ một số ít phá vỡ vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây cũng là một trong những rủi ro khi triển khai đề án liên quan đến nguồn nhân lực. Biện pháp mạnh hơn là cần công khai tên tuổi, trường học ở nước ngoài của học viên trên website cơ sở giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT… để mang tính chất răn đe. Việc ở lại hay trở về là tùy thuộc vào học viên, nhưng nếu chấp nhận ở lại thì cá nhân tham gia đề án đào tạo buộc phải bồi hoàn kinh phí bởi đây là nguồn tiền ngân sách và cũng để thế hệ sau có cơ hội đi học.

Trước xu hướng “nhảy việc” của các nhân tài, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường đề nghị các ban, ngành phải phối hợp làm rõ lý do tại sao các cán bộ, giảng viên được cử đi đào tạo không chịu về nước theo quy định. Các cơ quan chức năng cần phân tích kỹ để tìm nguyên nhân, biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Trần Chí Cường chỉ đạo.

MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc