Còn nhiều “biến tướng” trong việc cưới, việc tang, lễ hội

VH- Đó là nhận định được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội-thực trạng và giải pháp” do Cục Văn hóa cơ sở ( Bộ VHTTDL) tổ chức tại TP Hội An (Quảng Nam) trong hai ngày 17 - 18.8.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện 15 Sở VHTTDL khu vực miền Trung-Tây Nguyên và các nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa. 
Phát biểu tại hội thảo, bà Đinh Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và những năm qua đã tác động tích cực từ nhận thức đến hành động cụ thể của các tầng lớp nhân dân, thông qua đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy và hình thành các giá trị văn hóa mới. Những ý kiến, đóng góp tại hội thảo sẽ là căn cứ khoa học để những nhà quản lý nghiên cứu, xây dựng các văn bản chỉ đạo để việc cưới, việc tang, lễ hội thực sự góp phần tích cực xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, tiến bộ.
Các tham luận tại hội thảo cũng nêu rõ thực tế trong đời sống xã hội tại các địa phương vẫn còn tồn tại một số hủ tục chưa khắc phục được, những diễn biến phức tạp trong tổ chức cưới, tang và lễ hội nảy sinh từ mặt trái cơ chế thị trường, tác động và ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng, nếp sống của một bộ phận nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ xói mòn những giá trị đạo đức và bản sắc dân tộc. Đại diện các Sở VHTTDL khu vực miền Trung-Tây Nguyên, các chuyên gia, nhà văn hóa,…đã cùng trao đổi những vấn đề liên quan đến thực trạng trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn. Nghi thức trong việc cưới, việc tang xưa và nay, những mô hình theo nếp sống mới được xã hội quan tâm, tiếp nhận.
Nhiều ví dụ thực tế được các địa phương đưa ra tại hội thảo, chẳng hạn như tại Quảng Ngãi, có những tiệc sinh nhật được tổ chức đến khoảng 10 bàn tiệc. Hay ở Thừa Thiên-Huế vẫn còn nhiều nơi xây cất lăng mộ khoa trương, tốn kém. Một số lễ hội ở Quảng Nam, Thanh Hóa,…vẫn còn xuất hiện hoạt động mê tín dị đoan, chèo kéo du khách,…
Các tồn tại, hạn chế được phân tích, nêu ra khá rõ tại hội thảo. Chẳng hạn như trong tổ chức cưới đang có xu hướng đi ngược lại với phong tục, truyền thống tốt đẹp, còn phô trương, vụ lợi. Nhiều đám cưới tổ chức quá to, hiện tượng thuê nhiều xe có giá trị cao để đưa dâu, rước dâu, phô trương thanh thế,…Trong việc tang một số nơi sử dụng nhạc tang không phù hợp, hiện tượng rắc vàng mã, đốt tiền giấy, xây cất mồ mả khoa trương, tốn kém. Trong lễ hội, vấn đề bức xúc nhất hiện nay là nhu cầu tổ chức lễ hội ngày càng gia tăng ở các địa phương, nhiều nơi tổ chức nhằm mục đích kinh doanh, lợi dụng lễ hội để trục lợi. Trong lễ hội còn tồn tại một số tập tục, tập quán lạc hậu, phản cảm,…
Nhiều kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với các phong trào cũng được các địa phương nêu ra để tham khảo. Như ở Đà Nẵng có hình thức các đôi tân hôn tặng sách cho các phòng đọc sách báo ở cơ sở làm quà lưu niệm nhân ngày cưới. Việc cưới được thực hiện gắn liền với thực hiện Quy ước văn hóa cộng đồng, là tiêu chuẩn để bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa ở khu dân cư. Tại Thanh Hóa có “Phòng cưới Thanh niên” do Đoàn Thanh niên đảm nhiệm với chi phí gần 1 triệu đồng/ đám cưới.
Các tập tục lạc hậu trong đám tang như lăn đường, khóc mướn, bắt tà, trừ ma đã được xóa bỏ ở hầu hết các địa phương như TT-Huế, Gia Lai, Đắk Nông,…đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác tổ chức lễ hội cũng được các địa phương xây dựng kế hoạch kỹ lưỡng, bảo tồn có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống, coi trọng tính đặc thù, tính độc đáo riêng của mỗi loại hình lễ hội gắn với truyền thống của mỗi vùng miền,…
Bên cạnh đó, hội thảo cũng tập trung thảo luận một số vấn đề như: Thực trạng công tác quản lý, tổ chức lễ hội ngày nay; tìm hiểu về tục hiến sinh trong lễ hội dân gian xưa và nay, sự hình thành và biến đổi của các tục lễ đó trong lễ hội; sự hình thành các lễ hội mới, giải pháp để quản lý các lễ hội này trong thời gian tới. Quản lý nhà nước đối với loại hình lễ hội ngành nghề (festival) mà hiện nay nhiều địa phương đang tổ chức,…
Sau hội thảo này Cục Văn hóa cơ sở cũng tổ chức lớp tập huấn về vấn đề thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị cho các cán bộ phụ trách văn hóa cơ sở cấp huyện tại các địa phương.


Khánh Chi

Ý kiến bạn đọc