Diễn đàn du lịch Việt Nam: Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

VHO - Ngày 12.4, trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2024, HHDL Việt Nam đã tổ chức “Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững” với sự tham dự của 300 đại biểu trong nước, quốc tế.

Diễn đàn du lịch Việt Nam: Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững - Anh 1

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch HHDL Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Nhận thức về chuyển đổi xanh trong du lịch

Diễn đàn chia làm 2 phiên thảo luận: Nhận thức về chuyển đổi xanh trong du lịch và Toạ đàm về giải pháp chuyển đổi xanh đối với du lịch Việt Nam. Trong đó, các diễn giả sẽ làm rõ việc chuyển đổi xanh và du lịch; thực trạng, thách thức và giải pháp phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở Việt Nam; chuyển đổi xanh trong du lịch- vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan; chuyển đổi xanh cho điểm đến của du lịch Việt Nam; phát triển và thực hiện công nghệ xanh cho doanh nghiệp du lịch.

Các diễn giả cũng sẽ thảo luận về chuyển đổi xanh trong đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch nghỉ dưỡng ở Việt Nam; chuyển đổi xanh trong xây dựng sản phẩm du lịch và quản lý điểm đến; mô hình thực tế chuyển đổi xanh trong cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam; chuyển đổi xanh trong đào tạo du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch xanh; kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch….

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch HHDL Việt Nam cho biết: “Ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường đã trở thành nhu cầu cấp bách của toàn thế giới. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chung tay cùng thế giới giải quyết khủng hoảng khí hậu và giảm phát thải khi tuyên bố Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Thực hiện tuyên bố trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về môi trường và giao nhiệm vụ cho các Bộ, Ngành tham gia vào chương trình với các hoạt động cụ thể của ngành mình. Thích ứng với biến đổi khí hậu vừa là trách nhiệm, vừa là cơ hội để Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”.

Diễn đàn du lịch Việt Nam: Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững - Anh 2

Diễn đàn thu hút hơn 300 đại biểu trong và ngoài nước

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Mọi sự thay đổi của xã hội, của tự nhiên đều tác động đến du lịch. Ở Việt Nam tác động tiêu cực của Biến đổi khí hậu, sự suy thoái của môi trường đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch. Do vậy, Du lịch Việt Nam đã từng bước triển khai du lịch xanh, loại hình du lịch dựa trên khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhằm hạn chế những tác động xấu đến môi trường sống của con người.

Theo ông Vũ Thế Bình, để thúc đẩy phát triển du lịch xanh, từng bước đưa du lịch xanh vào cuộc sống, HHDL Việt Nam hướng hoạt động của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam theo 4 nội dung: Phát triển các hoạt động du lịch không sử dụng rác thải nhựa; Xây dựng các tour du lịch không sử dụng phương tiện cơ giới (đi bộ, đi xe đạp...); Phát triển Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn…; Vận động dọn rác thải ở các điểm du lịch.

Trước đó từ năm 2018, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động phong trào “Du lịch Việt Nam - Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa” và được các doanh nghiệp du lịch cả nước hưởng ứng nhiều doanh nghiệp, địa phương đã đạt được thành tích cao trong giảm thiểu rác thải nhựa.

Trong Quyết định 882/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 -2030, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh”.

Diễn đàn du lịch Việt Nam: Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững - Anh 3

Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch HHDL Quảng Nam cho biết Quảng Nam đã chủ động, đi đầu trong chuyển đổi xanh du lịch

Đặc biệt trong Nghị quyết 82/NQ-CP về các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững Chính phủ đã chỉ đạo ngành Du lịch xây dựng và triển khai chương trình hành động Du lịch xanh giai đoạn 2023 -2025. Như vậy yêu cầu chuyển đổi xanh trong du lịch đã được Chính phủ khuyến khích ngành Du lịch triển khai.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ VHTTDL, HHDL Việt Nam đã chủ động vận động các doanh nghiệp du lịch cả nước. Trong đó, thực hiện chuyển đổi xanh để chung tay bảo vệ mội trường, đảm bảo phát triển Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế xanh trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch xanh, dịch vụ xanh và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống các doanh nghiệp du lịch Việt Nam theo hướng chuyển đổi xanh để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả.

“Chúng tôi mong muốn, các diễn giả, đại biểu sẽ thảo luận về những nội dung cơ bản của chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch, về các giải pháp triển khai, về trách nhiệm và sự vào cuộc của các bên liên quan trong việc đưa Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao vị thế của Du lịch Việt Nam, nâng cao sự tăng trưởng của các doanh nghiệp và đời sống của hàng triệu lao động trong lĩnh vực du lịch”, ông Vũ Thế Bình nói.

Diễn đàn du lịch Việt Nam: Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững - Anh 4

Diễn đàn thu hút rất nhiều chuyên gia, doanh nghiệp ngành Du lịch ở trong và ngoài nước 

Xanh vì sự phát triển của con người

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng: “Hiện nay, trước những biến động khó lường của khí hậu, dịch bệnh; du lịch lại là đỉnh cao trong phục vụ con người; du khách cần xanh nên du lịch phải xanh. Hơn nữa, chuyển đổi xanh, du lịch xanh là câu chuyện của cạnh tranh quốc gia, gắn với các hệ sinh thái. Trước kia, chúng ta nhìn du lịch là con người, là cái tôi đi du lịch; là trải nghiệm, khám phá, thụ hưởng dịch vụ. Đến nay, 90% khách du lịch muốn đóng góp cho cộng đồng, cho văn hoá cộng đồng khi đi du lịch. Đây là sự thay đổi rất lớn của cộng đồng đối với xã hội”.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi xanh du lịch cũng có nhiều thách thức đối với tất cả mọi người. Việt Nam cần sự hỗ trợ của quốc tế trong lĩnh vực này, trong đó UNDP có vai trò quan trọng.

Ông Võ Trí Thành cho rằng, có 5 trụ cột then chốt trong khung khổ phát triển du lịch bền vững ASEAN: “Tăng trưởng kinh tế bền vững; bao trùm xã hội, việc làm và giảm nghèo; hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; đa dạng giá trị văn hoá và di sản; hiểu biết lẫn nhau, hoà bình, sức khoẻ, an ninh, an toàn”.

Ông Thành cũng nhấn mạnh, du lịch là vì con người, có sự tham gia của các bên liên quan, du khách, cộng đồng, điểm đến. Tất nhiên, phải đảm bảo hiệu quả cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện trách nhiệm xã hội.

Diễn đàn du lịch Việt Nam: Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững - Anh 5

Các diễn giả, chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp chuyển đổi xanh đối với du lịch Việt Nam

Cần sớm xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành Du lịch về tăng trưởng xanh, bền vững

Ông Nguyễn Hà Hải, Phó chủ tịch HHDL tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Là một trong những điểm đến có tư duy làm du lịch xanh từ rất sớm, hơn 10 năm trước, Quảng Ninh đã xác định chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đưa du lịch - ngành công nghiệp “không khói” phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Đặc biệt là hiện nay, trước thách thức của biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19, khi những xu hướng du lịch thay đổi, du lịch Quảng Ninh đã nhanh chóng thích ứng và phục hồi, nỗ lực “xanh hóa” các hoạt động du lịch phát triển bền vững.

Quảng Ninh cũng kiên trì nhất quán thực hiện chủ trương, phát triển du lịch bền vững và bao trùm; nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu cấp thiết, xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch của tỉnh.

Định hướng phát triển du lịch của Quảng Ninh đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy giá trị di sản- kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Trong đó, Cô Tô là một điển hình tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh trong việc gìn giữ môi trường, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững. Du lịch Cô Tô những năm gần đây thực sự có những thay đổi mang tính đột phá, trở thành một trong những điểm đến đẹp nhất trên bản đồ du lịch biển đảo của Việt Nam.

“Mỗi năm, huyện đảo Cô Tô đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch. Hệ thống lưu trú, hạ tầng du lịch cũng được đầu tư phát triển với 300 cơ sở lưu trú, 3200 phòng nghỉ. Tình trạng xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, nhất là trong mùa du lịch cũng là vấn đề đáng báo động đối với huyện. Những ngày cao điểm mùa du lịch, huyện Cô Tô phải thu gom 20 đến 30 tấn rác thải. Trong đó, riêng lượng rác thải nhựa chiếm khoảng trên 1-2 tấn/ngày”, ông Nguyễn Hà Hải cho biết.

Trước tình hình đó, Đảng bộ huyện đã ban hành Quyết định số 175-QĐ/HU về việc phê duyệt Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”. Phấn đấu đến năm 2025, 100% các cơ quan, đơn vị, hộ dân, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện Cô Tô không phát sinh rác thải nhựa. Từ tháng 9.2023 huyện Cô Tô áp dụng thí điểm thực hiện bắt buộc tất cả du khách không mang túi nilon về đồ nhựa dùng một lần ra đảo.

Đến thời điểm hiện tại đã có 5/5 công ty du lịch trên địa bàn huyện Cô Tô đăng ký và tổ chức các Tour du lịch xanh, các cơ sở lưu trú đang thực hiện không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Hiệp hội du lịch Cô Tô đã phát động kêu gọi hàng trăm chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tham gia các hoạt động làm sạch môi trường biển, thu gom rác thải đại dương.

Diễn đàn du lịch Việt Nam: Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững - Anh 6

Ông Nguyễn Hà Hải, Phó chủ tịch HHDL tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh việc cần phải có Bộ tiêu chí du lịch xanh cấp quốc gia cho từng lĩnh vực du lịch 

Theo ông Nguyễn Hà Hải, Quảng Ninh hiện sở hữu đội tàu khách du lịch trên vịnh lớn, đồng bộ và hiện đại nhất cả nước, với trên 550 tàu du lịch tham quan vịnh Hạ long (trong đó có gần 200 tàu lưu trú) với đầy đủ tiện nghi phục vụ khách du lịch, trên 80 doanh nghiệp kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, đa phần các công ty đều có kinh nghiệm hoạt động lâu năm.

Tuy nhiên, phải thẳng thắng nhìn nhận, bên cạnh các mặt tích cực, các hoạt động tàu du lịch vẫn còn những bất cập, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của điểm đến như: Ô nhiễm bởi các hoạt động vận chuyển, neo đậu tàu, vệ sinh tàu, chất thải sinh hoạt của thủy thủ đoàn, hoạt động dịch vụ ăn uống, ngủ đêm trên tàu, dịch vụ vui chơi giải trí…

Để góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, hiện 100% tàu du lịch trên địa bàn đã ký cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long.

Để tạo đà, thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi xanh để phát triển bền vững, ông Nguyễn Hà Hải cho rằng Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho những dự án phát triển du lịch xanh, bền vững.

Cần sớm xây dựng và ban hành Chương trình hành động của ngành Du lịch thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 ban hành theo Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021. Tập trung các nhiệm vụ phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững; ban hành bộ tiêu chí du lịch xanh cấp quốc gia cho từng lĩnh vực du lịch theo tiêu chí chung của quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

NGUYỄN ANH, ảnh: NGUYỄN HẢI

Ý kiến bạn đọc