Để không còn những nỗi đau! (Bài 2): Nhận diện nguy cơ bạo lực gia đình

VHO- Nhiều vụ việc bạo lực gia đình chỉ được phát hiện sau khi hậu quả nặng nề xảy ra, dù trước đó đã có những dấu hiệu rõ ràng. Nếu các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị có sự nhạy cảm giới và bản thân nạn nhân được trang bị kỹ năng phòng ngừa, thì tình trạng đó sẽ có thể giảm đi rất nhiều.

Để không còn những nỗi đau! (Bài 2): Nhận diện nguy cơ bạo lực gia đình - Anh 1

 Chuyên gia về giới Lê Xuân Đồng (thứ 2 bên trái) trong vai trò giảng viên lớp tập huấn “Làm cha trách nhiệm” của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc

 Thiếu nhạy cảm trong phát hiện, phòng ngừa

Gõ vào công cụ tìm kiếm Google cụm từ “vợ bị chồng đánh, nhốt, tẩm xăng, giết chết…”, kết quả trả về ngay lập tức là hơn 10.000 tin, bài! Có thể thấy, dường như ngày nào cũng có vụ việc bạo lực gia đình hết sức đau lòng được đăng tải trên báo chí.

Hơn 20 năm gắn bó với công tác phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, một chuyên gia giấu tên bày tỏ tâm tư: “Bạo lực giới là vấn nạn mà chúng ta đã cố gắng rất nhiều nhưng nó vẫn thường xuyên xảy ra. Có sự việc được báo chí đăng tải, có sự việc không; có vụ việc vĩnh viễn rơi vào im lặng; có vụ việc không ai biết nạn nhân chết vì bạo lực nên hung thủ không bị phát hiện và đền tội… Thỉnh thoảng lại có người mẹ ôm đàn con nhảy xuống sông, thắt cổ hoặc làm cách này, cách khác để tự tử… bởi mâu thuẫn gia đình không giải quyết được hay bế tắc không lối thoát. Điều đó cho thấy chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.

Các nghiên cứu về bạo lực giới đã chỉ ra rằng, khoảng 90% nạn nhân chọn cách im lặng, không nói ra sự việc của mình. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ bản thân người phụ nữ cho rằng đó là chuyện… bình thường, “đức lang quân” có quyền làm như vậy. Mặt khác, nhiều người cũng không biết chia sẻ với ai để giải quyết, thậm chí, gửi gắm tâm sự vào nơi không an toàn, tin tưởng nên lại bị đánh nhiều hơn… Cùng với đó, những cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực giới đôi khi thiếu kỹ năng, thiếu nhạy cảm trong phát hiện, phòng ngừa ngay từ những dấu hiệu đầu tiên, để đến khi xảy ra hậu quả mới… vội vàng chạy đi xử lý.

Theo các chuyên gia, nhạy cảm giới trong vấn đề phát hiện, phòng ngừa của những cá nhân và cơ quan liên quan là cực kỳ quan trọng. Nếu có nhạy cảm giới thì người ta sẽ biết được rằng, người bị bạo lực thường có cơ chế sợ hãi, co cứng và không dám nói ra câu chuyện của mình vì rất nhiều lý do. Nạn nhân có thể nói dối, ví dụ công an hay Hội phụ nữ đến nhà, họ sẽ nói “gia đình tôi không có vấn đề gì”. Tuy nhiên, nếu có sự nhạy cảm thì người làm nhiệm vụ sẽ quan sát, xem xét tin báo để theo dõi. Và nếu xảy ra bạo lực thì các lực lượng liên quan phải có mặt ngay hoặc tìm cách tách người phụ nữ ra khỏi môi trường đang bị bạo lực, lúc đó mới khai thác được câu chuyện thật của họ. “Ở trường hợp chị B.T.T.G nêu trên, rất cần công an nữ đến giải quyết khi nhận được tin báo từ gia đình. Nếu có nhạy cảm giới sẽ thấy việc người chồng kiểm soát, cô lập chị G đã là một dấu hiệu của bạo lực”, đại diện một tổ chức bảo vệ phụ nữ bị bạo lực chia sẻ.

Giải thích thêm, chuyên gia về giới Lê Xuân Đồng cho rằng, nhạy cảm giới là khả năng của các tổ chức, cá nhân trong việc nhận diện những vấn đề bất bình đẳng giới và đưa ra những giải pháp cho vấn đề đó. Ở đây là tính nhận diện, chẳng hạn một người phụ nữ chịu đựng sự tra tấn, đánh đập, im lặng, thậm chí là nói dối thì đừng vội vàng nghĩ rằng người đó “có vấn đề” mà cần hiểu đằng sau sự im lặng, chịu đựng đó là gì, phải làm sao để họ chia sẻ để hỗ trợ, can thiệp… “Trong một xã hội có pháp luật, chỉ pháp luật mới được sử dụng bạo lực theo quy định. Còn một người bị thần kinh, mắc lỗi hay thậm chí ngoại tình thì cũng không ai có quyền xâm phạm vào thân thể họ”, ông Lê Xuân Đồng nhấn mạnh.

Để không còn những nỗi đau! (Bài 2): Nhận diện nguy cơ bạo lực gia đình - Anh 2

 Người vợ chắp tay van xin để không bị chồng đánh ở Vĩnh Long và người chồng vũ phu đã bị cơ quan chức năng khởi tố

Trang bị kỹ năng nhận diện và phòng ngừa bạo lực

Bạo lực gia đình là điều không ai mong muốn, do đó, mỗi thành viên đều cần phải có những kỹ năng phòng ngừa, và trước hết là biết nhận diện được nguy cơ có thể trở thành nạn nhân hoặc người gây ra bạo lực.

Trước khi lập gia đình hay chung sống lâu dài với ai đó, cần phải có sự hiểu biết, kỹ năng về những dấu hiệu liên quan đến bạo lực, để không chấp nhận bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào. Những dấu hiệu này có thể là ngôn từ, cho đến việc mất cân bằng quyền lực như không có quyền quyết định cái gì, kể cả thân thể, sinh hoạt vợ chồng, cho đến chuyện sinh con, kinh tế... “Nếu mình không được quyết định một cái gì có nghĩa là những dấu hiệu bạo lực đã bắt đầu, chỉ là xảy ra vào lúc nào thôi. Do đó, phải giúp những người trẻ hiểu được điều này. Đối với người gây ra bạo lực, thường là nam giới, cần phải giúp họ hiểu được rằng, họ không có quyền gây bạo lực, không có quyền kiểm soát đời sống của người khác dù người đấy là vợ, con hay là những người thân xung quanh. Ngược lại, họ phải tương tác, yêu thương thì mới có hạnh phúc. Người gây ra bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào cũng là vi phạm pháp luật và trước sau cũng sẽ bị pháp luật xử lý…”, các chuyên gia bày tỏ.

Nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, Hội phụ nữ, các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, tổ chức phi chính phủ… đã mang nhiều chương trình, dự án đến các địa phương, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ cũng như người dân. Ông Lê Xuân Đồng, người tham gia nhiều chương trình, dự án về bình đẳng giới cho biết, quá trình tập huấn không chỉ trang bị kiến thức cho người vợ mà cần thực hiện với cả người chồng hoặc người gây ra bạo lực. “Với nam giới, chúng tôi tập huấn kỹ năng “Hết giờ”, tức là khi hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, căng thẳng, kỹ năng đó giúp họ nhận diện những dấu hiệu đạt đến đỉnh điểm có thể dẫn tới bạo lực. Đó là dấu hiệu về suy nghĩ, cơ thể như mắt trợn, hơi thở nhanh, gấp gáp, cơ căng cứng… Sau đó là kỹ năng “Dừng lại”, tức là họ ra ngoài ít nhất trong vòng 1 tiếng. Nên nhớ là đi ra ngoài một cách an toàn chứ không phải đi uống rượu, và trong quá trình đó, người chồng suy nghĩ về việc khi quay lại gặp vợ thì sẽ nói gì. Những kỹ năng này phải được tập luyện thường xuyên, sau đó là trang bị kỹ năng thương lượng, giải quyết mâu thuẫn phi bạo lực, kỹ năng giao tiếp tôn trọng…”, ông Đồng cho hay.

Cùng với đó, người phụ nữ cũng được tập huấn về kỹ năng “Dừng lại” và có sự trao đổi thống nhất, đồng thuận giữa hai vợ chồng. Trong phòng ngừa thì kỹ năng “An toàn” là quan trọng hơn cả, nó diễn ra trước, trong và sau khi bị bạo lực. Chẳng hạn, người vợ khi nhận diện được các dấu hiệu nêu trên ở người chồng thì dừng mâu thuẫn, không khiêu khích. Tiếp đó, khi thấy chồng có nguy cơ đánh mình thì phải chạy ra ngoài, không chạy vào những nơi góc tường. Bên cạnh đó, họ phải chuẩn bị trước những số điện thoại của lực lượng chức năng, hội phụ nữ và cơ sở trợ giúp để gọi điện xin hỗ trợ hoặc ra “ám hiệu” với ai đó cho thấy mình bị bạo lực. Họ cũng cần chuẩn bị một cái túi an toàn, “bí mật”, trong đó có các loại giấy tờ, chìa khóa, tiền, điện thoại…

Thực tế cho thấy, hiện nay các dự án về bình đẳng giới, bạo lực gia đình hay các chương trình hầu như thiếu cơ hội để nam giới tham gia, chủ yếu tập trung vào người phụ nữ nên sự thay đổi chưa thể có những bước tiến ngoạn mục. Do vậy, các cặp vợ chồng trẻ cần khám tiền hôn nhân để sớm phát hiện những bệnh di truyền, sinh ra thế hệ sau mạnh khoẻ, đồng thời cũng cần tìm hiểu những kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình để xây dựng một gia đình hạnh phúc, không có bạo lực. 

“Trường hợp chị B.T.T.G (36 tuổi, xã Kim Xuyên, huyện Kim Thành, Hải Dương) bị chồng hành hạ, đánh đập với hơn 200 vết sẹo trên cơ thể đã chạy thoát khỏi “địa ngục trần gian” là một điều rất may mắn. Bởi người chồng đã dám “xuống tay” tàn bạo với vợ đến mức độ như thế, thậm chí còn tuyên bố là sẽ cho “chết dần dần” thì hậu quả tử vong chỉ là nhanh hay chậm mà thôi. Điều rất đau xót là rất nhiều phụ nữ tương tự như chị G đã không được may mắn và cuối cùng phải chết trong đau đớn”, một chuyên gia về giới nhận định.

QUỲNH HOA

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc