Bảo vệ quyền trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại (Bài 1): Những con số ám ảnh

VHO- Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH), từ năm 2020 đến năm 2022 cả nước đã phát hiện 5.693 vụ và 6.514 đối tượng xâm hại trẻ em, trong đó, nạn nhân dưới 6 tuổi chiếm tỷ lệ hơn 6,5%... Khuất sau nhiều cánh cổng và bức tường, có thể là những tiếng khóc và sự đau đớn tột cùng về thể xác và tinh thần mà trẻ phải chịu đựng! Xâm phạm trẻ em là tội ác, không chỉ bị trừng trị nghiêm khắc, mà còn phải ngăn chặn từ sớm, từ xa. Trên cơ sở phác thảo bức tranh màu xám về tình trạng xâm hại trẻ em, Văn Hóa đồng thời đề xuất, kiến nghịgiải pháp từ phía các chuyên gia, nhằm ngăn chặn những bàn tay tội ác và trả lại môi trường sống bình yên, hạnh phúc cho các em.

Bảo vệ quyền trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại (Bài 1): Những con số ám ảnh - Anh 1

 11 tác phẩm xuất sắc của các em HS mang thông điệp “Hãy yêu thương, quan tâm, bảo vệ trẻ em” được tuyên dương tại ngày hội “Hãy lên tiếng bảo vệ trẻ em” năm 2022 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức

 Bé gái V.A 8 tuổi ở TP.HCM bị “mẹ kế” và cha ruột bạo hành man rợ dẫn đến tử vong; bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị “cha dượng” tra tấn như thời Trung cổ bằng cách cho uống thuốc diệt cỏ, đánh gãy tay, bắt nuốt dị vật và đỉnh điểm là ghim gần chục chiếc đinh vào đầu khiến bé không thể qua khỏi; bé B 12 tuổi bị mẹ đẻ thường xuyên dùng ống nước, dây điện, gậy tre đánh đập bầm tím cơ thể... - đó chỉ làmột số ít các vụ điển hình được báo chí nêu ra. Thực tế, bên dưới rất nhiều mái nhà, bên trong không ít ngôi trường, nạn bạo hành trẻ em đã và đang tiếp diễn không thể tính đếm. Báo cáo của cơ quan quản lý nhànước cho rằng, mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại, bạo lực, nhưng đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi còn rất nhiều trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tàn bạo mà không ai hay biết!

Số vụ việc vẫn không ngừng tăng lên qua các năm

Thống kê từ Cục Trẻ em cho biết, chỉ trong 3 năm (2020-2022), cả nước đã phát hiện 5.693 vụ, 6.514 đối tượng, xâm hại 5.904 trẻ em, trong đó trẻ em lànạn nhân dưới 6 tuổi chiếm tỷ lệ 7,02% (năm 2020), 6,54% (năm 2021) và6,65% (năm 2022); hiếp dâm trẻ em tăng cả về số vụ, số đối tượng vànạn nhân. Trong 10 tháng của năm 2022, Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận 399.500 cuộc gọi, 8.900 lượt thông báo qua ứng dụng, thực hiện 24.700 cuộc tư vấn, 1.400 ca hỗ trợ can thiệp. Thống kê của Bộ Công an cũng cho biết, trong 9 tháng của năm 2022, trên phạm vi toàn quốc đã phát hiện 1.711 vụ xâm hại trẻ em với 1.806 trẻ. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 1.934 vụ với 2.146 bị cáo phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi theo thủ tục sơ thẩm; giải quyết, xét xử 1.909 vụ với 2.116 bị cáo.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam chia sẻ nỗi lo của cơ quan quản lý nhà nước trước nạn xâm hại trẻ em đang diễn biến vô cùng phức tạp: “Cục trẻ em đã trực chiến suốt ngày đêm để có thể vào cuộc giải quyết ngay lập tức những vụ việc xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, số vụ việc vẫn không ngừng tăng lên qua các năm. Theo thống kê từ địa phương và số liệu báo cáo từ các cấp của ngành Công an, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn tăng cả về số vụ, số đối tượng và số nạn nhân bị xâm hại, đặc biệt nhóm vụ việc về các hành vi giao cấu với trẻ (từ 13 đến dưới 16 tuổi) vàhiếp dâm trẻ em. Bạo lực trẻ em trong gia đình rất đáng quan ngại, chiếm tới hơn 77% số vụ bạo lực nói chung. Đặc biệt xuất hiện xu hướng mới làtrẻ em bịxâm hại trên môi trường mạng và thông qua môi trường mạng”.

UBND TP.HCM vừa có báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 121 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn. TP.HCM hiện có khoảng 1,8 triệu trẻ em (chiếm 18,8% dân số); trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là hơn 10.000 trẻ vàcó nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng khoảng 19.500 trẻ. Năm 2021, TP có 114 trẻ em bị xâm hại; năm 2022 tăng lên 147 trẻ; vàtrong 4 tháng đầu năm 2023 đã có 65 trẻ bị xâm hại. Công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt đối với tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Theo đánh giá, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, không chỉ là người có trình độ dân trí thấp mà đã phát sinh từ những người có nghề nghiệp ổn định, có trình độ học vấn, có địa vị xã hội.

Trẻ bị xâm hại tình dục ở nhiều độ tuổi, do nhiều loại đối tượng gây ra, trong đó phần lớn làngười quen, họ hàng, láng giềng. Nhiều vụ việc gia đình không cung cấp thông tin, không thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng vì sợ ảnh hưởng đến trẻ em vàgia đình; thủ phạm có sự đe dọa hoặc dùng tiền mua sự im lặng của nạn nhân.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam), xâm hại trẻ em được ghi nhận với nhiều hình thức phạm tội khác nhau. Trong đó, ba tội danh xâm hại trẻ em xuất hiện nhiều nhất là giao cấu, hiếp dâm và dâm ô với trẻ em. Như vậy, mặc dù xâm hại trẻ em biểu hiện ở nhiều mức độ và hình thức, song có thể thấy xâm hại tình dục trẻ em là đáng lo ngại nhất. Không chỉ đa diện về hình thức, điều đáng buồn hơn cả chính là trẻ có thể gặp nguy cơ và bị xâm hại ở bất cứ đâu, ngay cả những nơi tưởng chừng an toàn nhất như gia đình, trường học…

Bảo vệ quyền trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại (Bài 1): Những con số ám ảnh - Anh 2

 Hội đồng đội tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Chương trình tập huấn kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em và kỹ năng nhận diện giá trị của bản thân, giá trị cuộc sống dành cho học sinh Ảnh: TL

Trách nhiệm của gia đình là không thể thay thế

Xâm hại trẻ em là hành vi vi phạm nhân phẩm và quyền trẻ em, làhiện tượng xã hội rất phức tạp. Trẻ em là nạn nhân của sự xâm hại phải chịu những hậu quả nặng nề về sức khỏe thể chất và tinh thần, phải đối mặt với những thách thức về tâm lý xã hội và các vấn đề tiêu cực về hành vi, cả trước mắt và lâu dài. Đồng thời, xâm hại trẻ em cũng tạo nên những gánh nặng xã hội và sự chi phí tài chính đáng kể. Để ngăn chặn và phòng ngừa xâm hại trẻ em, đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều bên liên quan, trong đó, gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bên cạnh Nhà nước, nhà trường, cộng đồng và các tổ chức xã hội. Vai trò của gia đình đối với phòng, chống xâm hại trẻ em được quan tâm nghiên cứu trên nhiều chiều và được xem xét trong mối liên hệ với các hình thức xâm hại khác nhau mà trẻ em đang phải đối mặt như bị bạo lực, bị mua bán, bóc lột, lạm dụng lao động, lạm dụng tình dục, bị bỏ mặc, đối xử tồi tệ...

Theo ông Đặng Hoa Nam, thực tế hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em phụ thuộc nguồn thu ngân sách từng địa phương. Nếu ngân sách dư dả sẽ chi thoả đáng cho chăm sóc trẻ em, ngược lại sẽ cắt khoản chi cho trẻ em đầu tiên. “Chúng ta đã quá quen một thực tế, có tới 17 cơ quan, tổ chức tham gia bảo vệ trẻ em, nhưng các vụ việc xâm hại trẻ em nghiêm trọng vàngày càng diễn biến phức tạp vẫn tiếp tục diễn ra. Đó là sự thật, mỗi cơ quan có trách nhiệm đã được pháp luật định rõ, nhưng vấn đề ở chỗ họ đã làm hết trách nhiệm chưa, và vẫn còn hiện tượng “công tranh, tội tránh”. Tuy nhiên, trước khi nói tới trách nhiệm của cơ quan, tổchức cần nói rõ trách nhiệm của gia đình, cha mẹ trẻ là không thể thay thế. Cha mẹ thiếu kiến thức về bảo vệ và chăm sóc trẻ nên hiện tượng bạo lực, xâm hại trẻ em đã xảy ra ngay trong chính gia đình, từ người thân, cha mẹhoặc người có trách nhiệm chăm sóc trẻ”, Cục trưởng Cục trẻ em nhận định. 

 Hàng trăm tỉ đồng dành cho “Tháng hành động vì trẻ em” năm 2023

Báo cáo tại Hội nghịtổng kết Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 tại HàNội, Bộ LĐ,TB&XH cho biết, hưởng ứng sự kiện, các địa phương đã tổchức hơn 2.400 điểm phát động với gần 600.000 trẻ em tham dự. Gần 460.000 trẻ em được tặng quàvới kinh phí hơn 30 tỉ đồng. Tổng ngân sách của các Bộ, ban, ngành, tổchức, đoàn thể, địa phương dành cho Tháng hành động vì trẻ em làhơn 100 tỉ đồng. Trong dịp này, 272 công trình dành cho trẻ em đã được khánh thành đưa vào sửdụng kịp thời, đáp ứng nhu cầu rèn luyện, vui chơi của trẻ, giảm thiểu nguy cơ tổn hại, giúp cho trẻ được vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh.

ĐÀO ANH

 

HIỀN LƯƠNG

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc