Bảo vệ quyền trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại (Bài 2): Không thỏa hiệp với cái ác...

VHO- Tổ ấm gia đình luôn là thành trì vững chắc bảo vệ trẻ trước những nguy cơ bạo lực, xâm hại cả về thể chất và tinh thần… Thế nhưng, có một sự thật đau lòng là đôi khi kẻ thủ ác lại ở ngay trong chính thành trì ấy.

Bảo vệ quyền trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại (Bài 2): Không thỏa hiệp với cái ác... - Anh 1

 Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với Công an huyện Kỳ Anh và một số trường học trên địa bàn tổ chức chương trình tuyên truyền phòng, chống bạo lực xâm hại trẻ em

 Đó có thể là cha ruột, mẹ ruột, cha dượng, mẹ kế, người tình của cha/ mẹ hay giáo viên, bảo mẫu trong các cơ sở trông giữ trẻ. Nơi đáng ra bình yên lại trở thành “địa ngục” đối với những đứa trẻ non nớt, chúng chỉ còn biết lặng im cam chịu. Những mối quan hệ đan chéo đã khiến việc tìm lại công bằng cho trẻ gặp rất nhiều gian nan…

Phó mặc con cái cho người giúp việc

Đánh giá nguyên nhân khiến trẻ bị xâm hại, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) TS Trần Tuyết Ánh khẳng định: “Bên cạnh những thành tựu về phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống, gia đình Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ và thách thức không nhỏ. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử, không đăng ký kết hôn ngày càng tăng; tệ nạn xã hội dễ dàng xâm nhập vào gia đình; tình trạng tảo hôn, phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới bất hợp pháp; tình trạng buôn bán, bạo lực và xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp; xuất hiện vấn đề tình dục và hôn nhân đồng giới; đặc biệt, gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em dã man gây bức xúc dư luận, phá vỡ nền tảng đạo đức gia đình, làm băng hoại các chuẩn mực đạo đức xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ và hạnh phúc, bình yên của mỗi mái nhà. Qua các vụ việc cho thấy, nguyên nhân đều xuất phát từ lỗi của các bậc phụ huynh khi quá lơ là trong việc bảo vệ con mình. Đến khi sự việc xảy ra hối hận thì đã muộn, vì kẻ phạm tội dù có bị trừng trị như thế nào thì nỗi ám ảnh nặng nề luôn theo con trẻ trong suốt quãng đời còn lại…”.

Về vấn đề này, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) Đặng Hoa Nam cho rằng: Công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả. Nhận thức và kỹ năng của cha mẹ, của các thành viên trong gia đình, giáo viên, người dân trong cộng đồng và của chính bản thân các em về vấn đề bảo vệ quyền trẻ em chưa đúng, chưa đầy đủ. Nhiều em chưa được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, không dám chia sẻ, tố giác kẻ phạm tội. Phụ huynh cũng chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh xâm hại tình dục, hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên không tố giác kẻ phạm tội. Vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em.

Thực tế hiện nay nhiều người chưa nhận thức được đúng và đủ về tầm quan trọng của cha mẹ và gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em. Nhiều người chỉ mải làm kinh tế, mưu sinh cuộc sống mà chưa quan tâm chăm sóc trẻ một cách đầy đủ và đảm bảo an toàn cho trẻ phát triển toàn diện… Tình trạng thiếu trách nhiệm của cha mẹ trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái hay còn gọi là sự “xao nhãng” khá phổ biến. Một bộ phận cha mẹ coi việc giáo dục, phát triển của trẻ là trách nhiệm của nhà trường hoặc phó mặc việc chăm sóc và dạy dỗ con cái cho người trông giữ trẻ (người giúp việc ở nhà, người trông giữ trẻ tại các nhóm lớp…).

Bảo vệ quyền trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại (Bài 2): Không thỏa hiệp với cái ác... - Anh 2

 Truyền thông về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em được tổ chức ở nhiều trường học trên cả nước

Không thể thỏa hiệp với cái ác...

Từng tiếp xúc với nhiều trường hợp trẻ em bị bạo lực gia đình, trẻ bị xâm hại tình dục, bà Lê Thị Phương Thúy, nguyên Trưởng phòng Tư vấn và hỗ trợ phát triển Trung tâm Phụ nữ và phát triển trăn trở: “Nhiều người đổ lỗi cho nạn nhân bị xâm hại tình dục. Khi một đứa trẻ bị đổ lỗi nhiều lần và nhiều người đổ lỗi có thể nghĩ rằng mình chính là “kẻ tội đồ”. Trẻ dần dần tự cô lập, thu mình, mặc cảm, không hòa nhập với cộng đồng, sang chấn tâm lý. Bên cạnh đó, một số vụ xâm hại tình dục trẻ em chỉ bị tố giác khi không có được sự thỏa thuận thành công giữa người bị hại và người gây án, dẫn đến các vụ việc không được xử lý và chìm vào im lặng, hậu quả của xâm hại tình dục sẽ theo suốt cả cuộc đời những đứa trẻ. Sự thỏa hiệp với cái ác, với kẻ xấu sẽ hủy diệt chính tương lai của con em mình”.

Bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ Trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đau xót khi nhắc đến những con số nhức nhối về số vụ xâm hại trẻ em mỗi năm ở Việt Nam, đặc biệt là những vụ việc xảy ra từ chính người thân trong gia đình: “Gia đình đáng lẽ phải là môi trường an toàn nhất với trẻ em thì đối với một số em, đây lại là nơi không an toàn. Theo điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về phụ nữ và trẻ em Việt Nam tiến hành trong giai đoạn 2020-2021 thì có tới 72% trẻ em từ 1-14 tuổi hay nói cách khác là 7 trong 10 trẻ em bị xử phạt bằng các hình thức kỷ luật về bạo lực, về thể chất hoặc bạo lực về tâm lý. Việc xử phạt bằng các hình thức bạo lực chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất, tâm thần và tâm sinh lý xã hội của trẻ”.

Tỷ lệ trẻ bị xâm hại tình dục có nguy cơ tăng cao ngoài những nguyên nhân khách quan như sự du nhập các luồng văn hóa phẩm đồi trụy... dẫn đến các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên bên cạnh đó, lỗi một phần không nhỏ từ chính các bậc cha mẹ còn thiếu sự quan tâm, quản lý, giáo dục trẻ em trước các nguy cơ bị xâm hại. Cơ chế thị trường tác động vào từng gia đình khiến rất nhiều ông bố, bà mẹ mải mê với công việc, với các mối quan hệ làm ăn, để mặc con cái tự do không quản lý về giờ giấc. Một trong những nguyên nhân khiến nạn xâm hại tình dục ngày càng gia tăng cũng chính là do bố, mẹ đã có cách xử lý sai lầm khi thấy con mình bị xâm hại.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ: “Tôi không hiểu vì sao có những bà mẹ đẻ lại có thể bao che hành vi xâm hại tình dục con mình cho những người là cha ruột, cha dượng của những đứa trẻ bị xâm hại. Một trong những nguyên nhân khiến những hành vi xâm hại tình dục ngày càng phát triển chính là do dân trí còn thấp. Lẽ ra, người mẹ cần phải dạy cho con những kỹ năng cần thiết về vấn đề này, ví dụ như vùng nào trên cơ thể con không ai có quyền được động vào trừ mẹ; lớn một chút thì không được ngủ chung với người khác giới, kể cả bố đẻ hay anh trai; hoặc như những hành vi tối thiểu mà con gái cần phải biết, đó là phải ý tứ từ việc thay đồ, tắm rửa, cách ăn mặc... Những kỹ năng sống này các nước phương Tây trẻ em được học rất kỹ càng, người dân đều được giáo dục và nhận thức rất rõ ranh giới và hành vi nào là xâm hại đến trẻ em. Hiện nhiều quốc gia đã mạnh tay áp dụng những biện pháp cứng rắn, xác đáng để loại trừ những kẻ phạm tội ấu dâm”.

Theo giới chuyên gia và các cơ quan chức năng, có rất nhiều cách để phòng tránh trẻ bị xâm hại, nhưng cách hiệu quả là cha mẹ xây dựng được mối quan hệ đồng hành với trẻ, để trẻ tin cậy và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần. 

 Hành vi đánh đập con cái là bạo lực gia đình

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 nêu rõ khái niệm hành vi bạo lực gia đình, cụ thể: Hành vi bạo lực gia đình bao gồm hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc thành viên gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em; Ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý; Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau... ĐÀO ANH

HIỀN LƯƠNG

Ý kiến bạn đọc