Công tác gia đình 2024: “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng”

VHO - Bộ VHTTDL vừa ban hành văn bản số 474 /BVHTTDL-GĐ do Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ ký gửi các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Hướng dẫn thực hiện công tác gia đình năm 2024.

Công tác gia đình 2024: “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” - Anh 1

Ngày hội Gia đình Việt Nam tháng 6.2023 do Bộ VHTTDL tổ chức  

 Theo nội dung văn bản, chủ đề công tác gia đình mang tên: “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng”. Thông điệp bao gồm: Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia thịnh vượng; Đầu tư cho công tác gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững; Gia đình: điểm xuất phát và đích đến của chính sách; Hệ giá trị gia đình là hạt nhân của hệ giá trị quốc gia; Gia đình là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị văn hóa tốt đẹp; Xây dựng nhân cách con người Việt Nam bắt đầu từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực; Hành vi bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật; Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội.

Công tác gia đình 2014, Bộ VHTTDL cũng nêu các nhiệm vụ cụ thể gồm: 

1. Tổ chức triển khai, thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và văn bản quy phạm pháp luật về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình

Tổ chức triển khai, thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 và Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 01.11.2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03.01.2013 về Công tác gia đình.

2. Rà soát, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; văn bản quản lý, điều hành: Xây dựng, trình ban hành Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/NĐ-CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình; Tổng kết, đánh giá Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03.01.2013 và lập đề nghị sửa đổi Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03.01.2013 của Chính phủ quy định về Công tác gia đình; Rà soát, đánh giá hoạt động của Ban chỉ đạo Công tác gia đình và quy chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình; Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác gia đình.

3. Triển khai các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ VHTTDL về công tác gia đình: Tiếp tục thực hiện Quyết định số 2074/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 13.01.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; Quyết định số 96/QĐ-TTg ngày 19/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29.03.2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04.02.2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình;Tiếp tục triển khai “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”.

4. Truyền thông, giáo dục: Tiếp tục thực hiện tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em và phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình trên các phương tiện truyền thông đại chúng và internet; Tổ chức các hoạt động truyền thông về giá trị của gia đình nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20.3) với chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người”; Ngày Gia đình Việt Nam (28.6) với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng”; Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình với chủ đề “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”; Tổ chức hội nghị tập huấn về công tác gia đình; Tổ chức chiến dịch truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình và tiếp tục thực hiện tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình trên phương tiện truyền thông đại chúng và internet; Tổ chức tọa đàm, đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước với người làm công tác gia đình ở cơ sở.

5. Kiểm tra, giám sát thực hiện công tác gia đình. Thực hiện kiểm tra liên ngành về công tác gia đình

Về tổ chức thực hiện, Bộ VHTTDL giao Vụ Gia đình tham mưu Bộ trưởng ban hành kế hoạch triển khai các nhiệm vụ công tác gia đình theo Hướng dẫn này; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai nhiệm vụ công tác gia đình; Vụ Kế hoạch Tài chính, Văn phòng Bộ bố trí kinh phí, hướng dẫn lập dự toán kinh phí triển khai nhiệm vụ công tác gia đình; Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến về giá trị của gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và một số hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động thuộc Bộ; Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Vụ Gia đình hướng dẫn sân khấu hóa công tác tuyên truyền về giá trị gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc; Các cơ quan thuộc bộ thực hiện truyên truyền, treo băng rôn, áp phích về chủ đề và thông điệp nhân dịp Ngày quốc tế hạnh phúc (20.3); Ngày Gia đình Việt Nam (28.6), Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (01.6 đến 30.6); Các cơ quan truyền thông, báo chí thuộc Bộ xây dựng chuyên trang, chuyên mục về gia đình, tăng cường thời lượng tuyên truyền nhân dịp Ngày quốc tế hạnh phúc (20.3); Ngày Gia đình Việt Nam (28.6), Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (01.6 đến 30.6).

Bộ VHTTDL đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức, đoàn thể ở trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai công tác gia đình trong phạm vi quản lý. Đề nghị UBDN các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 và Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 01.11.2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các văn bản thuộc lĩnh vực gia đình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác gia đình nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng gia đình hạnh phúc; Chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hoá và Thể thao đánh giá hoạt động của Ban chỉ đạo Công tác gia đình và Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình; Chỉ đạo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hoá và Thể thao tham mưu kế hoạch triển khai, thực hiện công tác gia đình tại địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và theo Hướng dẫn này.

Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao: Tổ chức hoạt động truyền thông trong các dịp, ngày kỷ niệm về gia đình như: Ngày Quốc tế hạnh phúc (20.3); Ngày Gia đình Việt Nam (28.6); Ngày Quốc tế Gia đình (15.5); Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (Tháng 6); Ngày Thế giới xoá bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái (25.11); Tiếp tục triển khai, thực hiện chiến lược, chương trình và các văn bản thuộc lĩnh vực Gia đình được Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành phê duyệt, ban hành; Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”; Thu thập thông tin, tổng hợp báo cáo về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định (áp dụng theo biểu mẫu của Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL ngày 29.12.2017 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình); Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ tại địa phương;Tổ chức, thực hiện kiểm tra liên ngành công tác gia đình trên địa bàn; Triển khai thực hiện, đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình.

Bộ VHTTDL cũng đề nghị các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở trung ương và UBND các tỉnh, thành phố phối hợp, triển khai thực hiện; gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ VHTTDL (qua Vụ Gia đình) trước ngày 30.11.2024.

ĐÀO ANH

Ý kiến bạn đọc