Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm – góc nhìn về một ngành công nghiệp văn hóa

Chủ Nhật 18/08/2019 | 10:41 GMT+7

VHO-Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa), trong đó Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm được xác định là một trong các ngành công nghiệp văn hóa.

 Đây là một Chiến lược gồm nhiều chuyên ngành và định hướng lâu dài trong xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư nên việc nhìn nhận đầy đủ để phát triển một ngành công nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đòi hỏi nhà quản lý, các nghệ sĩ, các nhà khoa học, doanh nghiệp công nghệ cùng nghiên cứu, tham gia. Bài viết này tập trung trao đổi về một số chủ trương chính sách ứng dụng và phát triển công nghệ lĩnh vực Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm; Một số xu thế ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực này ở Việt Nam; Một vài kiến nghị về chính sách nhằm thực hiện hóa các mục tiêu của ngành Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm như là một ngành công nghiệp văn hóa trong xu thế phát triển của CMCN lần thứ tư.

1. Chủ trương, chính sách

Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm là các lĩnh vực nghệ thuật trong đó đề cao tính sáng tạo của cá nhân cụ thể là các nghệ sĩ. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, các ngành, lĩnh vực tham gia hoạt động kinh tế, xã hội có xu hướng chuyển sang hoạt động với tư duy công nghiệp. Lĩnh vực Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm không nằm ngoài xu hướng đó.

Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, các lĩnh vực này được xem là các “ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa”. Theo đó, mục tiêu phấn đấu của ngành Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm đến năm 2020 doanh thu đạt khoảng 80 triệu USD, đến năm 2030 doanh thu đạt khoảng 125 triệu USD.

Triển khai Chiến lược, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch theo Quyết định số 5605/QĐ-BVHTTDL ngày 29.7.2018. Trong đó có các nhiệm vụ đối với lĩnh vực Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm. Cụ thể, các nhiệm vụ chính đối với ngành công nhiệp văn hóa này sẽ do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thực hiện bao gồm: (1) Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm; (2) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; (3) Quảng bá thương hiệu quốc gia cho ngành Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm; (4) Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm.

Như vậy, về cơ bản chính sách để phát triển ngành Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm để trở thành một ngành công nghiệp văn hóa đã được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Bản quyền tác giả là cơ quan đầu mối, theo dõi, đôn đốc và từng bước triển khai nhiệm vụ chung về công nghiệp văn hóa.

2. Xu thế ứng dụng công nghệ ở Việt Nam

Một trong những đặc trưng của cuộc CMCN lần thứ tư là không phụ thuộc hoàn toàn vào thiết bị, máy móc mà là tùy thuộc chủ yếu vào khả năng, trí tuệ của con người, năng lực sáng tạo. Đối với lĩnh vực nghệ thuật, các thế hệ nghệ sỹ, tác giả có thể đi sau về công nghệ nhưng lại được thừa kế các công nghệ hiện đại của thế giới (đã được thế giới sử dụng và chứng minh sự thành công trước đó) để sáng tạo tác phẩm, sản phẩm.

Về mỹ thuật: Trên thế giới, hoạt động mỹ thuật trong cuộc CMCN lần thứ tư với công nghệ in 3D, nghệ thuật tạo hình. Người nghệ sĩ chỉ cần thiết kế tác phẩm của mình trên máy tính sau đó phần còn lại là sẽ do máy móc tạo ra sản phẩm với nhiều chất liệu theo lựa chọn. Tác phẩm điêu khắc, tranh, ảnh nghệ thuật... hoàn toàn có thể sử dụng máy móc để in ấn, chế tác hàng loạt với chất lượng cao. Thiết bị in 3D, hỗ trợ thiết kế bằng trí tuệ nhân tạo, công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano... đã giúp người nghệ sỹ, tác giả tự do sáng tạo và trình diễn ảo, phổ biến tác phẩm. Công chúng không phải đến sân khấu hay không gian trình diễn theo hình thức truyền thống.

Về nhiếp ảnh: Ứng dụng công nghệ trong hoạt động nhiếp ảnh phần lớn sử dụng máy móc hiện đại để chụp và xử lý dữ dữ liệu. Ngoài giá trị nghệ thuật của ảnh gốc, máy móc có thể tăng chất lượng nghệ thuật thông qua các hiệu ứng mà chúng được xử lý bằng các công cụ được tích hợp sẵn trên phần mềm. Hiện nay ở Việt Nam, phần lớn vẫn sử dụng thiết bị 2D, việc sử dụng thiết bị 3D chưa được phổ biến. Tuy nhiên, chúng từng bước được ứng dụng để thương mại hóa tranh ảnh, bán trên thị trường.

Bảo tàng tranh 3D tại TP.HCM. Ảnh: Internet

Về triển lãm, trưng bày ở bảo tàng: Theo thống kê năm 2017, cả nước có 156 bảo tàng (124 bảo tàng công lập và 32 bảo tàng ngoài công lập), lưu giữ và trưng bày gần 3 triệu tài liệu hiện vật; 118 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Đến nay, đã có 90/124 bảo tàng công lập được xếp hạng (14 bảo tàng hạng I; 61 bảo tàng hạng II; 15 bảo tàng hạng III). Hệ thống bảo tàng đã xác lập được vị thế của mình trong hệ thống thiết chế văn hóa, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao cho trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức tôn vinh bản sắc dân tộc, phổ biến kiến thức khoa học, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, trở thành những điểm đến hấp dẫn trực tiếp góp phần phát triển du lịch.

Việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động trưng bày, triển lãm tại các bảo tàng cũng có nhiều thay đổi so với hình thức trưng bày truyền thống. Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ hình thành nên xu hướng tham quan bảo tàng ảo qua internet. Các tác phẩm mỹ thuật có thể được thể hiện bằng hình ảnh 3D, công nghệ thuyết minh tự động, tự dịch ra các ngôn ngữ khác nhau, thậm chí có thể tự trả lời, tương tác với công chúng tham quan bảo tàng.

3. Một vài kiến nghị về thể chế, chính sách

Để trở thành một ngành công nghiệp văn hóa trong cuộc CMCN lần thứ tư và hiện trạng nguồn lực như hiện nay, một số kiến nghị giải pháp cần sớm triển khai như sau:

Xây dựng các nhiệm vụ cụ thể hóa Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3605/QD-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành các nhiệm vụ theo từng lĩnh vực, mục tiêu theo từng giai đoạn đến năm 2030, phục vụ tốt công tác thống kê để ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm sớm trở thành một ngành công nghiệp văn hóa, có doanh thu đạt mục tiêu đã đề ra.

Xây dựng và hoàn thiện chính sách cụ thể phát triển song hành việc sáng tạo bằng phương thức truyền thống (không sử dụng máy móc), khuyến khích ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng, giá trị tác phẩm mỹ thuật; phổ biến tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh bằng công nghệ hiện đại gắn liền với việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan;

Xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và chuyển giao công nghệ là thành tựu của CMCN lần thứ tư phục vụ phát triển thị trường mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm theo đúng quy định của Pháp luật.

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, liên kết các cơ sở dữ liệu lớn về mỹ thuật ở các bảo tàng, của cá nhân, tổ chức trong nước, có thể là các tác giả quốc tế để hình thành hệ thống các tác phẩm nghệ thuật, có giá trị văn hóa cao nhằm quảng bá, phổ biến tác phẩm chất lượng cao đến với công chúng ở trong và ngoài nước. 

Như vậy, trong xu thế phát triển của CMCN lần thứ tư, những thành tựu về công nghệ đã đem lại cơ hội cũng như đặt ra thách thức không nhỏ. Mỹ thuật, nhiếp ảnh là hoạt động nghệ thuật dựa trên sáng tạo, năng khiếu và sự khéo léo của người nghệ sỹ. Việc ứng dụng công nghệ để thay đổi phương thức sáng tạo nghệ thuật theo hướng công nghiệp, thay đổi hình thức truyền tải giá trị nghệ thuật đến công chúng phù hợp với nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của công chúng đã trở thành xu hướng chung của xã hội hiện đại. Trong bối cảnh đó, việc phát triển mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm như một ngành công nghiệp văn hóa, có thị trường và mang lại doanh thu lớn cho đất nước là một việc làm khó. Để hoàn thành nhiệm vụ này đòi hỏi sự vào cuộc một cách kiên quyết của các nhà quản lý bằng các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể đối với mỗi lĩnh vực và không thể thiếu sự tham gia của đội ngũ nghệ sỹ, doanh nghiệp công nghệ và của toàn xã hội.

TS. DƯƠNG VIẾT HUY

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top