Áp lực của “phù thủy trắng”

VHO - Được mệnh danh là “phù thủy trắng” với hàng loạt thành tích lẫy lừng trong quá khứ, nhưng giờ đây HLV Phililppe Troussier lại đang đau đầu với bài toán tại Vòng loại World Cup 2026, nhất là khi đội tuyển Việt Nam phải đối đầu với nghịch lý khi các tiền đạo liên tiếp tịt ngòi, còn hậu vệ lại liên tục lập công.

Áp lực của “phù thủy trắng” - Anh 1

 HLV Philippe Troussier liệu có giải quyết được bài toán nhân sự của đội tuyển Việt Nam? Ảnh VFF

Nghịch lý

Sau 10 vòng đấu ở V.League, chuyện lạ là cầu thủ Việt Nam ghi nhiều bàn thắng nhất lại là trung vệ Bùi Hoàng Việt Anh với 4 bàn. Trong khi đó các tiền đạo đích thực của đội tuyển như Quang Hải ghi được 3 bàn; Tiến Linh, Văn Toàn, Tuấn Hải, Đình Bắc mới ghi 2 bàn; Khuất Văn Khang, Hoàng Đức mới ghi 1 bàn thắng và Nguyễn Văn Tùng chưa ghi bàn nào.

Việc Bùi Hoàng Việt Anh ghi được nhiều bàn thắng cho thấy bên cạnh khả năng phòng ngự, khả năng săn bàn của cầu thủ này cũng rất đáng chú ý. Và gợi mở việc tận dụng khả năng của cầu thủ này ở đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, điều đó cũng làm cho người hâm mộ không khỏi lo ngại trước phong độ của các chân sút thuộc đội tuyển, dưới thời HLV Philippe Troussier. Đáng chú ý, tại 2 vòng đấu liên tiếp gần nhất ở V.League, chưa có tiền đạo nào thuộc đội tuyển Việt Nam ghi bàn. Trong đó vòng 10 V.League vừa diễn ra có tổng số 15 bàn thắng được ghi ở 7 trận đấu, trung bình hơn 2 bàn/trận. Đây tiếp tục là vòng đấu mà các tiền đạo đội tuyển Việt Nam “tịt ngòi”.

Nhìn vào phong độ của các tiền đạo đã được ông Philippe Troussier gọi lên đội tuyển trong các vòng đấu gần đây ở V.League, cho thấy việc vì sao ông phải sang tận Nhật Bản để “nhìn ngắm” Công Phượng. Thứ nhất, ông nhận thấy điểm yếu của các tiền đạo đang có trong tay. Thứ hai, yếu tố kinh nghiệm có thể được đề cao hơn ở lần tập trung tới khi ông sẵn sàng tìm đến một tiền đạo gần như không được thi đấu cả năm nay.

Liệu có xua tan được nỗi lo?

Tại Nhật Bản, ông Troussier đã có 90 phút “ngắm” Công Phượng khi anh thi đấu trong đội hình B của CLB Yokohama ở J.League 2 mùa giải 2024. Công Phượng gia nhập Yokohama từ đầu mùa giải 2023, nhưng cả năm ngoái anh không được thi đấu ở J1 League. Phượng chỉ có vỏn vẹn 1 phút ra sân ở cúp Hoàng đế và dù năm nay CLB này đã bị xuống hạng nhưng anh vẫn không được thi đấu trong đội hình chính. Việc ít được thi đấu chính thức sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng săn bàn của một tiền đạo. Thế nên dù có được ông Philippe Troussier triệu tập vào đội tuyển Việt Nam trong đợt tập trung vào ngày 12.3 tới thì phong độ của Công Phượng như thế nào, cảm giác bóng ra sao vẫn là điều khiến người ta lo ngại.

Bên cạnh đó, tiền đạo từng là số 1 của tuyển Việt Nam Nguyễn Tiến Linh hiện vẫn chưa có phong độ tốt ở V.League và chưa làm HLV Lê Huỳnh Đức hài lòng. Vị HLV này từng nhận xét: “Tiến Linh đã lấy lại cảm giác bóng phần nào, nhưng chưa lấy lại phong độ và chưa đủ thể lực để đá 90 phút. Vì thế xem ra nhân sự nơi hàng công vẫn sẽ là bài toán khó với “phù thủy trắng”.

Đã thế ở tuyến giữa, nơi ông Troussier đang tin dùng các cầu thủ như Tuấn Anh, Thái Sơn, Lê Phạm Thành Long cũng lại khiến giới chuyên môn băn khoăn, vì họ vẫn chưa thể hiện được sự vượt trội khi đá ở V.League. Trên thực tế tuyến giữa của đội tuyển Việt Nam với những cầu thủ trên đã vận hành không tốt ở Asian Cup. Và đó là lý do khi đội gặp phải những đội bóng có lối đá khó chịu như Indonesia, các cầu thủ đã không thể lên được bóng, không tạo được áp lực về cầu môn của đối phương, đồng thời hỗ trợ phòng ngự cũng không tốt. Trong khi đó, ông Troussier lại bỏ bên ngoài những cầu thủ có kinh nghiệm, thường xuyên thể hiện phong độ tốt như Hoàng Đức hay Hùng Dũng.

Tại Asian Cup cũng cho thấy, hàng thủ của đội tuyển cần phải được “đại tu”, nhất là sau sai lầm của Phan Tuấn Tài hay Thanh Bình. Nhưng thay thế ai, ghép ai được vào đây khi nhân sự trong tay của ông Philippe Troussier có vẻ không còn nhiều? Hiện Quế Ngọc Hải đã tái phát chấn thương ở vòng 9 V.League, trong khi Đỗ Duy Mạnh hay Nguyễn Thành Chung đang sa sút phong độ, Bùi Tiến Dũng lại không hợp với lối chơi của ông Troussier.

Thực ra vấn đề “dụng nhân” của đội tuyển cũng luôn là câu hỏi mà giới chuyên môn đặt ra với vị HLV người Pháp này. Có thể trong tương lai, bóng đá Việt Nam sẽ phải cảm ơn ông Troussier vì đã đào tạo được một lứa cầu thủ trẻ, nhưng hiện tại thành tích của đội không tốt. Và nếu tiếp tục không có kết quả tốt ở 2 trận đấu với Indonesia vào tháng 3 thì khả năng ông phải ra đi sớm là không loại trừ.

Việc chưa tận dụng được hết người tài đã khiến cho nguồn nhân lực của đội tuyển Việt Nam ngày càng ít đi, nhất là khi các cầu thủ trẻ mà ông Philippe Troussier tin dùng lại ít được đá chính ở các giải đấu hàng đầu như V.League hay giải hạng Nhất. Vì thế khi sang Nhật Bản xem “giò, cẳng” của Công Phượng, phải chăng ông Philippe Troussier nên chú ý hơn đến các giải đấu trong nước để tạo cơ hội cho các nhân tố mới ở đội tuyển, cũng như tận dụng tốt đội ngũ các cầu thủ từng thành danh của bóng đá Việt Nam và giờ vẫn giữ được phong độ. Bước chuyển giao lực lượng bao giờ cũng khó khăn và đòi hỏi sự khéo léo của người cầm quân, bởi nếu kết hợp không khéo thì không phát huy được sức mạnh vốn có của đội tuyển.

Sau 2 trận đấu tại vòng loại thứ hai World Cup 2026, đội tuyển Việt Nam có 3 điểm, hơn Indonesia 2 điểm. Dự kiến, đội tuyển Việt Nam sẽ hội quân trở lại từ ngày 12.3 để chuẩn bị cho 2 trận đấu với Indonesia tại vòng loại World Cup 2026. Lượt đi trên sân Gelora Bung Karo ngày 21.3 và lượt về tại sân Mỹ Đình ngày 26.3. Muốn thắng Indonesia, đội tuyển Việt Nam phải cải thiện hàng công cũng như “đại tu” lại hàng tiền vệ và hậu vệ và chỉ có vậy mới mong có cửa đi tiếp và hoàn thành chỉ tiêu đề ra. 

 THU SÂM

Ý kiến bạn đọc